Vừa muốn uống rượu bia vừa muốn lái xe là đòi hỏi vô lý

Nam Thành
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sau 1 năm thực hiện Nghị định 100/2019/NĐ-CP, các tài xế đều nhận thức rất rõ tính nghiêm khắc về chế tài xử lý các hành vi, đặc biệt liên quan đến việc sử dụng rượu, bia khi tham gia giao thông. Tuy vậy, những con số thống kê gần đây cho thấy, một bộ phận người ngồi sau vô lăng đang rơi vào tình trạng "nhờn luật".

 Ảnh minh họa
Bước sang những ngày đầu năm 2021 - tròn 1 năm Nghị định 100/2019/NĐ-CP của Chính phủ thay thế Nghị định 46/2016/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, đường sắt có hiệu lực. Một trong những quy định được quan tâm nhất là mức phạt đối với hành vi lái xe mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn tăng lên rất nặng.

Trước kia, Luật Giao thông Đường bộ 2008 cho phép người điều khiển môtô, xe máy trong máu có nồng độ cồn dưới 0,25 mg/l khí thở. Năm 2019, Luật Phòng, chống tác hại của rượu bia đã sửa đổi điều này và quy định nghiêm cấm người điều khiển phương tiện giao thông đường bộ mà trong máu có nồng độ cồn. Điều này đã xếp Việt Nam vào một trong những nước có quy định nghiêm ngặt nhất về nồng độ cồn khi tham gia giao thông.

Với cánh tài xế, đây thực sự là 1 quy định thay đổi hẳn hành vi của họ. Bởi chỉ cần "1 chén thôi" họ đã vi phạm quy định về nồng độ cồn khi điều khiển phương tiện, và chịu phạt ở mức cao hơn nhiều so với quy định cũ. Đánh giá của Cục Cảnh sát giao thông (Bộ Công an) nhận định, ý thức tự giác chấp hành của người dân, đặc biệt là những người tham gia giao thông được nâng cao. Các tài xế đều nhận thức rất rõ tính nghiêm khắc về chế tài xử lý các hành vi, đặc biệt liên quan đến việc sử dụng rượu, bia khi tham gia giao thông.

Đại tá Đỗ Thanh Bình - Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát giao thông chia sẻ, cần phải hiểu rõ Nghị định 100 không cấm người dân uống rượu bia, tuy nhiên khi đã uống thì không được điều khiển phương tiện. Nếu đòi hỏi cả 2 là vừa uống, vừa lái xe thì đó là đòi hỏi vô lý.

"Chúng tôi luôn nghiên cứu trên cơ sở phải đảm bảo hài hòa lợi ích của người dân, Nhà nước và doanh nghiệp nhưng vấn đề đặt ra phải an toàn. Trong cuộc sống luôn có những sự lựa chọn và chúng ta phải lựa chọn những điều mang lại lợi ích lớn hơn và giảm thiểu thấp nhất thiệt hại cho xã hội", Đại tá Đỗ Thanh Bình nói.

Tuy nhiên, số liệu mới nhất được Cục Cảnh sát giao thông công bố cho thấy, trong ngày đầu tiên năm 2021, lực lượng cảnh sát giao thông cả nước đã xử lý 669 trường hợp tài xế vi phạm nồng độ cồn. Trước đó, trong 14 ngày đầu ra quân thực hiện cao điểm bảo đảm trật tự an toàn giao thông, tấn công, trấn áp tội phạm (15 đến 28/12/2020), cảnh sát giao thông toàn quốc đã xử lý 8.301 trường hợp tài xế vi phạm nồng độ cồn.

Đây là những con số rất đáng báo động, cho thấy sự "nhờn luật" của một bộ phận những người ngồi sau vô lăng.

Có thể thấy, sau thời gian "trùng xuống" vì Covid-19, niềm hân hoan khi kinh tế khởi sắc, Việt Nam bước vào năm 2021 với nhiều thuận lợi đã khiến tâm lý người dân phấn khởi, kéo theo đó là sự chủ quan, vô ý thức trong thi hành pháp luật. Do vậy, lực lượng chức năng cần tăng cường tuần tra, kiểm soát, xử phạt nghiêm những trường hợp vi phạm để cảnh báo, răn đe cánh lái xe, khi kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Tân Sửu đang cận kề.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần