Vượt Nga và Mỹ, Trung Quốc tạo bước ngoặt tại vùng tối mặt trăng

Hương Thảo (Theo RT)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Dù khởi đầu muộn hơn nhưng Bắc Kinh đã đạt bước tiến lịch sử trong cuộc đua không gian.

Tàu thăm dò mặt trăng Chang'e 4 của Trung Quốc. Ảnh do Trung tâm Kỹ thuật Vũ trụ và Thám hiểm Mặt trăng của Cơ quan Quản lý Vũ trụ Quốc gia Trung Quốc cung cấp.
Tàu thăm dò Chang'e 4 của Trung Quốc đã hạ cánh xuống mặt tối của mặt trăng lúc 10h46 sáng nay (3/1 - giờ Bắc Kinh) để trở thành tàu nhân tạo đầu tiên khám phá bề mặt còn là ẩn số này.
Theo truyền thông nhà nước Trung Quốc, tàu Chang'e 4 đã đáp xuống lưu vực Nam Cực-Aitken - miệng núi lửa lâu đời, lớn và sâu nhất trên bề mặt của mặt trăng. Vùng tối của mặt trăng phần lớn vẫn chưa được khám phá vì vị trí khiến nó bị chắn khỏi tần số vô tuyến, ngăn sự tiếp xúc trực tiếp với trái đất. Để giải quyết vấn đề đó, Trung Quốc đã phóng vệ tinh Quế Kiều vào đầu năm nay để mở đường tín hiệu tới đây.
Tàu Chang'e 4 sẽ thực hiện một số thí nghiệm khi ở trên mặt trăng, bao gồm việc kiểm tra xem thực vật có phát triển trong môi trường trọng lực thấp hay không, đồng thời khám phá các cực để tìm nguồn nước hoặc các tài nguyên khác, cũng như quan sát sự tương tác giữa gió mặt trời với bề mặt của mặt trăng, và tiến hành thí nghiệm thiên văn vô tuyến tần số thấp đầu tiên. Tàu thăm dò của Trung Quốc đã bay vòng quanh mặt trăng theo quỹ đạo hình elip để chuẩn bị hạ cánh kể từ hôm chủ nhật vừa qua.
Một bức ảnh về bề mặt của mặt trăng do Chang'e 4 gửi về. 
Trung Quốc là một "tay chơi" tương đối mới trong lĩnh vực du hành vũ trụ so với Mỹ hay Nga tuy nhiên đã cho thấy những bước chạy bứt tốc nhanh chóng. Nước này đã lên kế hoạch phóng tàu thăm dò sao Hỏa vào năm 2020 để thu thập các mẫu vật từ bề mặt hành tinh này và tìm cách đặt trạm vũ trụ vĩnh viễn trên quỹ đạo vào năm 2022. Trong khi đó, Mỹ, trước sự đe dọa của Trung Quốc tại mặt trận không gian, đang lên kế hoạch xây dựng quân đội tại đây - được gọi là "lực lượng không gian" - và cấm NASA hợp tác với Trung Quốc.