WHO kỳ vọng đại dịch Covid-19 có thể chấm dứt trong năm 2022

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trong bài phát biểu năm mới, Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus hy vọng đại dịch Covid-19 sẽ kết thúc trong năm 2022 khi thế giới đã có đầy đủ công cụ để chấm dứt thảm họa y tế này

Theo CNN, Tổng giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus ngày 31/12/2021 nói rằng, ông tự tin đại dịch Covid-19 sẽ kết thúc trong năm 2022 nếu “chúng ta chấm dứt sự bất bình đẳng” và cùng nhau chia sẻ vaccine. Ông Tedros cũng kêu gọi các nước hợp tác tốt hơn để chiến đấu với đại dịch.

Tổng giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus. Ảnh: AFP.
Tổng giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus. Ảnh: AFP.

Trong bài phát biểu năm mới, người đứng đầu WHO khẳng định thế giới đã có các công cụ để kết thúc đại dịch khi bước vào năm thứ ba chống chọi với Covid-19. Tuy nhiên, ông Tedros cho rằng “chủ nghĩa dân tộc hẹp hòi” và “tích trữ vaccine” đang cản bước sự chấm dứt của đại dịch và dẫn tới sự nổi lên của biến chủng Omicron với khả năng lây truyền cao.

''Trong 2 năm qua, các công cụ có sẵn để chống lại Covid-19 vẫn được phân phối không đồng đều trên khắp thế giới. Tại châu Phi, hiện khoảng 3/4 nhân viên y tế vẫn chưa được tiêm chủng, trong khi nhiều nước giàu đang tiến hành tiêm mũi vaccine tăng cường. Sự bất bình đẳng càng kéo dài, nguy cơ virus đột biến thành các biến chủng mới mà chúng ta không thể ngăn chặn cũng như dự đoán được càng lớn, trói chúng ta vào vòng lặp mất mát, khó khăn và hạn chế. Nếu chấm dứt sự bất bình đẳng, chúng ta sẽ chấm dứt đại dịch” ông Tedros nhấn mạnh.

Tổng giám đốc WHO cũng kêu gọi chính phủ các nước áp dụng loạt biện pháp chặn lây lan dịch một cách bài bản và kiên quyết, đồng thời hỗ trợ những quốc gia thiếu nguồn cung vaccine.

Theo người đứng đầu tổ chức y tế của Liên hợp quốc, thế giới đã sở hữu đủ công cụ, nguồn lực và động lực để chấm dứt đại dịch. Ông Tedros cho hay, WHO sẽ hợp tác với các chính phủ để ưu tiên chuyển vaccine cho các sáng kiến như COVAX và AVAT, hướng đến mục tiêu tiêm vaccine 70% dân số toàn cầu vào giữa năm 2022.

Biến chủng Omicron lần đầu được phát hiện ở Nam Phi vào tháng 11/2021 và đang lan rộng trên khắp thế giới, gây ra sự tăng vọt ca nhiễm hàng ngày. Cho tới nay, tổng số ca nhiễm virus kể từ đầu đại dịch đã lên tới hơn 280 triệu, theo dữ liệu từ Đại học Johns Hopkins.