Xã hội hóa nguồn vốn đầu tư, cải tạo xây mới hệ thống chợ Hà Nội: Lời giải mới cho bài toán cũ

Lê Nam
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Xây dựng lại chợ truyền thống tại Hà Nội với mục tiêu: phải hài hòa lợi ích nhà đầu tư, tiểu thương và người dân và không có lợi ích nhóm; Đồng thời, bảo đảm cả các yếu tố về văn hóa địa phương, kiến trúc, truyền thống sinh hoạt cộng đồng….

Bài 3: Cam kết hài hòa lợi ích các bên
Ông Nguyễn Trọng Quỳnh - Phó Tổng giám đốc Công ty CP Tập đoàn AMACCAO

Đó là khẳng định của ông Nguyễn Trọng Quỳnh-Phó tổng giám đốc Công ty CP Tập đoàn AMACCAO - đơn vị nằm trong khối liên danh các DN đang đề xuất UBND TP Hà Nội dự án Đầu tư hệ thống chợ và Thí điểm đầu tư cải tạo, nâng cấp chợ cũ, xây mới một số chợ trên địa bàn Hà Nội khẳng định với phóng viên báo Kinh tế&Đô thị tại buổi trao đối về vấn đề này

Trong thời gian qua Sở Công Thương Hà Nội và một số DN đã thực hiện việc cải tạo, xây mới hệ thống chợ truyền thống, vậy xin ông cho biết phương án cải tạo, nâng cấp và xây mới hệ thống chợ mà Liên danh nhà đầu tư đã xây dựng, đề xuất với UBND TP Hà Nội?

Liên danh các DN đầu tư hệ thống chợ đã tiến hành khảo sát thực tế, phân tích các đề xuất, giải pháp của chuyên gia trong và ngoài nước, đồng thời liên danh đã cử nhiều đoàn đi nước ngoài nghiên cứu mô hình hoạt động của các chợ truyền thống trên thế giới đã tồn tại và phát triển mạnh mẽ từ đó đưa ra phương án đầu tư hệ thống chợ tại Hà Nội. Qua đó bảo đảm tính khả thi, tồn tại phát triển được, điểm nhấn kiến trúc văn hóa, xanh – sạch – văn minh, ứng dụng công nghệ cao và tạo điều kiện thuận tiện nhất cho hoạt động kinh doanh tại chợ.

Cụ thể, với những chợ xây mới: Sở Công thương thành phố Hà nội yêu cầu cần xây dựng 120 chợ mới trên địa bàn TP Hà Nội theo hình thức xã hội hóa nguồn vốn, chưa bố trí được ngân sách. Liên danh đã đề xuất thành 4 -6 dự án nhỏ, mỗi dự án từ 20-30 chợ, khái toán cho phần chợ mới khoảng 7.200 tỷ đồng.

Với chợ cũ, Sở công thương cũng đưa ra nhu cầu của thành phố hiện có mấy trăm chợ cũ cần cải tạo (chưa bố trí được ngân sách). Tuy nhiên, việc cải tạo chợ cũ là vấn đề rất nhạy cảm, Sở Công thương chỉ đạo liên danh tạm đưa ra phương án thí điểm một dự án gồm 7 chợ cũ cải tạo và 7 chợ xây mới. Các chợ này Sở Công thương đã lựa chọn có đặc trưng là có cả ở trong quận nội thành, có cả chợ huyện vùng ven, có cả chợ huyện vùng xa khó khăn… để khảo sát lập dự án và làm thí điểm.

 Chợ Ngã Tư sở. Ảnh: Hoài Nam

Vì sao Sở Công thương và liên danh đưa ra các phương án đề xuất mỗi dự án đều có số chợ từ 20-30 chợ (Dự án thí điểm cũng là 14 chợ)?

Sở dĩ mỗi dự án đều nhiều chợ (20-30 chợ), dự án thí điểm 14 chợ bởi theo quan điểm của Sở Công thương: mỗi một vùng khác nhau, đặc trưng chợ khác nhau. Chợ nông thôn khó khăn, xa trung tâm Thành phố Hà Nội như vùng Mỹ Đức, Sóc Sơn khác với chợ vùng ven như Đông Anh, Thanh Trì, cũng khác với những chợ tại các quận nội thành. Ngay trong mỗi huyện thì chợ trung tâm của huyện cũng khác với những chợ xã. Vì thế, Sở Công thương chỉ đạo liên danh cần chọn thí điểm mỗi vùng có 2-3 chợ đặc thù khác nhau. Dẫn đến số chợ thí điểm lên đến 14 chợ.

Mặt khác liên danh đã lập hồ sơ đề xuất với UBNDTP nếu được Thành phố đồng ý phê duyệt dự án, liên doanh sẽ tham gia dự thầu, nếu trúng thầu sẽ trở thành nhà đầu tư của dự án này. Nhưng chúng tôi cũng đưa ra đề nghị UBNDTP liên doanh chỉ tham gia dự thầu khi UBNDTP chấp thuận mỗi dự án phải có một mạng lưới từ 10-15 chợ hoặc nhiều hơn ở các địa điểm khác nhau và ở nhiều quận huyện để phục vụ cho mục tiêu kinh doanh theo hệ thống qua đó đảm bảo dự án phát triển. Nếu chỉ lập dự án một chợ đơn lẻ thì liên doanh sẽ không tham gia bởi nếu chỉ đầu tư một chợ sẽ rất khó thành công và không hiệu quả cải tạo hệ thống bán lẻ Hà Nội theo hướng hiện đại, văn minh.

Vậy những chợ xây mới, nâng cấp có gì khác so với những dự án chợ đã thực hiện?Tính khả thi của nó đến đâu thưa ông?

Theo đề án các chợ sẽ được xây dựng theo hướng xã hội hóa nguồn vốn đầu tư theo những mô hình các chợ đã, đang rất thành công ở các nước như Nhật Bản, Hàn Quốc, Hồng Kông (Trung Quốc). Mặc dù là chợ truyền thống nhưng lại mang phong cách siêu thị: khang trang, sạch sẽ, quầy kệ ngay ngắn, chỉ khác siêu thị là mỗi quầy có một người đứng trực tiếp bán hàng và giao lưu với người mua (điều này làm người mua có cơ hội giao tiếp với người bán để tìm hiểu rõ hơn về sản phẩm, thời gian thanh toán nhanh hơn do không phải xếp hàng tại quầy thanh toán).

Dự án sẽ thiết kế thành từng khu vực như chợ thực phẩm tươi sống riêng biệt (Tầng 1 vẫn kinh doanh thực phẩm tươi sống nhưng không ẩm ướt, mất vệ sinh, thực phẩm tươi sống được để trong ngăn làm mát). Khu chợ bán đồ đặc trưng chỉ có ở Việt Nam như gà sống, cá tươi, thú nuôi… sẽ được bán ở một khu riêng. Khu chợ đồ khô, khu chợ truyền thống kinh doanh thời trang, đồ gia dụng… sẽ sạch sẽ, khoa học như đã đề cập ở trên. Người kinh doanh sau này vào kinh doanh tại chợ phải đáp ứng đầy đủ các quy định vệ sinh an toàn thực phẩm mới được vào chợ. 

Về kiến trúc, chúng tôi muốn làm kiểu dáng giống chợ Đồng Xuân, chợ Bến Thành hoặc một vài kiểu dáng đặc trưng khác theo hướng lưu giữ văn hóa cổ truyền đồng thời phải thể hiện được nét văn hóa, kiến trúc đặc sắc của chợ để thu hút được người dân. Đặc biệt đối với những chợ trong phố chật hẹp thì ngoài tầng hầm để xe chúng tôi bắt buộc thiết kế bớt lại một phần đất làm bãi để xe cạnh cổng chợ tiện gửi và thân thiện cho người gửi xe để mua nhanh, thu hút người mua đến với chợ, còn những người có thời gian mua sắm sẽ để xe ở tầng hầm. Đối với các chợ ngoại ô, thì khu bãi để xe này cần hết sức thân thiện phù hợp để người mua tốn ít thời gian nhất.

Khác biệt lớn nữa là liên doanh sẽ xây dựng, cải tạo và quản lý hệ thống chợ chứ không chỉ có một chợ qua đó sẽ có rất nhiều cơ hội để hợp tác với các Tập đoàn lớn trong nước và nước ngoài trong việc vận hành, khai thác.

UBND TP Hà nội đang khuyến khích DN ứng dụng thương mại điện tử trong hoạt động sản xuất, kinh doanh...Vậy trong dự án xây mới, cải tạo hệ thống chợ truyền thống có hướng đến việc xây dựng các mô hình kinh doanh online trong chợ hay không thưa ông. 

Xu thế thương mại hiện nay trên thế giới kinh doanh online, siêu thị tiện ích đang giết dần kinh doanh truyền thống. Hiện nay theo thống kê có những nước phát triển kinh doanh online chiếm tới 35% tổng doanh thu kinh doanh thương mại. Do đó, với dự án chợ này, chúng tôi mới đưa ra đề xuất phải có mạng lưới chợ ở các địa bàn khác nhau để nhằm nhiều mục đích, trong đó có mục đích kết hợp cả kinh doanh online, siêu thị tiện ích…. đáp ứng yêu cầu phát triển công nghiệp 4.0 và thương mại điện tử đang phát triển mạnh mẽ. 

Thực tế mua hàng online hiện nay tại Việt Nam cho thấy hệ thống kho hàng và logistic rất hạn chế, người mua không thể kiểm tra thực tế chất lượng mặt hàng nên mua phải hàng giả, kém chất lượng, không đúng như quảng cáo. Vì vậy, để bảo vệ quyền lợi cho người tiêu dùng, đồng thời hỗ trợ DN giảm bớt kinh phí giao hàng, đặc biệt là tại các chợ trong nội đô chúng tôi sẽ liên kết với các đơn vị thương mại điện tử lớn như Alibaba, Amazon, Sendo… để những người bán hàng có thể đặt kho tại chợ tryền thống để giao nhận, kiểm tra chất lượng được thuận lợi.

DN đầu tư xây dựng chợ có trách nhiệm kiểm soát chất lượng nguồn hàng theo hướng ký hợp đồng cam kết với người mua khi hàng không bảo đảm chất lượng đơn vị bán sẽ phải đền bù, đồng thời DN quản lý chợ sẽ thực hiện thay đơn vị bán đối với người mua (và có chế tài đối với đơn vị kinh doanh online). 

Nhiều dự án cải tạo, xây mới chợ trên địa bàn Hà Nội sau khi hoàn thiện thì đã làm “mất” chợ truyền thống, không thu hút được cả người mua và người bán. Vậy làm thế nào để khi xây dựng chợ thu hút được bà con tiểu thương, người dân vào mua và hài hòa lợi ích của cả DN và tiểu thương?

Các dự án cải tạo chợ Mơ, chợ Hàng Da… theo hướng chợ truyền thống kết hợp trung tâm thương mại nhưng lại lấy trung tâm thương mại làm điếm nhấn đã đánh mất chợ truyền thống. Nguyên nhân là do DN đầu tư đã đưa khu vực kinh doanh chợ truyền thống xuống tầng hầm, điều này gây khó khăn, không thân thiện cho việc đi lại, mua bán dẫn đến người mua không đến với chợ, làm cho các tiểu thương kinh doanh không có lãi.

Rút kinh nghiệm từ thực tế này, đối với những chợ cũ cải tạo chúng tôi sẽ vẫn giữ nguyên không gian chợ truyền thống tại tầng 1. Đồng thời, giá thuê mặt bằng sẽ được tính theo giá chợ của Nhà nước (khoảng 200.000-500.000/m2, tùy vị trí chợ và không khác nhiều với giá cho thuê của chợ cũ chưa cải tạo) từ 2-3 năm, sau đó nếu có tăng giá cũng chỉ tăng bằng giá các chợ của nhà nước, lấy giá thuê mặt bằng kinh doanh của một số chợ xung quanh tham khảo và chia bình quân để xây dựng giá thuê phù hợp. 

Với giá thuê thấp như vậy thực sự là một thách thức rất lớn đối với bất kì nhà đầu tư nào đầu tư hệ thống chợ và trong đó có chúng tôi. Để hài hòa lợi ích, chúng tôi đưa ra phương án xây dựng tầng hầm để xe, tầng 1 dành cho tiểu thương cũ đã kinh doanh tại chợ với giá ưu đãi. Còn tầng 2-3-4-5…dự kiến sẽ theo mô hình hỗn hợp như dịch vụ, văn phòng, kho hàng, các dịch vụ khác để duy trì chợ. Tại các quận trung tâm sẽ xin phép được xây cao 7-8 tầng, các quận ven chỉ xây 5 tầng không có tầng hầm, đều phải bảo đảm sạch đẹp, văn minh. Riêng mặt tiền công chợ chúng tôi muốn làm kiểu dáng giống chợ Đồng Xuân, chợ Bến Thành qua đó thể hiện được văn hóa của chợ truyền thống để thu hút được người dân, khách du lịch đến thăm quan mua sắm. 

Các dự án cải tạo, nâng cấp chợ cũ trong thời gian vừa qua thực hiện xã hội hóa thường bị tiểu thương phản đối do thời gian thi công kéo dài gây gián đoạn, ảnh hưởng đến hoạt động buôn bán... Vậy nhà đầu tư có giải pháp nào cho vấn đề này? 

Thông thường, thời gian xây dựng mới hoặc cải tạo, nâng cấp chợ theo công nghệ xây dựng truyền thống các nhà đầu tư thường mất thời gian xây dựng dài 2-3 năm, gây gián đoạn việc kinh doanh của tiểu thương. Nhưng Công ty CP Tập đoàn AMACCAO là một trong những DN hàng đầu Việt Nam về sản xuất cấu kiện và các sản phẩm bê tông đúc sẵn, cũng như các nhà máy sản xuất kết cấu thép tiền chế… đồng thời là đơn vị tiên phong trong lĩnh vực sản xuất vật liệu mới như gạch không nung, bê tông thủy tinh, vật liệu ngành điện, nước, phòng cháy chữa cháy theo modul... liên danh với các công ty nước ngoài có công nghệ thi công xây dựng và lắp đặt, chỉ trong thời gian từ 50-90 ngày (kể từ ngày bàn giao mặt bằng sạch) là chợ đã xây dựng xong và có thể hoạt động.

Cụ thể, thi công tầng 1 sẽ áp dụng công nghệ lắp ghép tiền chế kết cấu thép hoặc kết cấu bê tông – thời gian chỉ cần 30-35 ngày đã xây dựng xong phần thô. Các hạng mục khác của phần hoàn thiện như phòng cháy chữa cháy PC, điện, cấp thoát nước đều được lắp sẵn thành modul từ trước khi phần thô xây dựng xong sẽ được lắp ráp ngay theo thiết kế trong thời gian rất nhanh…. Phần sân, đường giao thông, cây xanh… sẽ hoàn thiện trong thời gian còn lại theo cam kết. 

Chúng tôi bảo đảm thời gian dừng hoạt động chợ sẽ ngắn nhất và dựa theo quy định nhà nước sẽ hỗ trợ phần nào thiệt hại cho tiểu thương trong thời gian dừng kinh doanh (50-90 ngày) để họ chấp nhận điều kiện di dời tạm thời.

Một số chuyên gia ngành bán lẻ, xây dựng cho rằng: DN tham gia đầu tư cải tạo chợ bởi đây là những khu đất “ vàng” mang lại lợi ích nhóm? Ông có ý kiến gì về vấn đề này? 

Chúng tôi đã khảo sát rất nhiều mô hình chợ đã tồn tại và phát triển thành công ở trong nước và nước ngoài. Có những điều trăn trở, tâm huyết có thể DN chưa đưa hết được vào trong dự án, nhưng tôi khẳng định dự án đây là tâm huyết của DN muốn đóng góp vào sự phát triển của Thủ đô nên đã không đặt cao mục tiêu lợi nhuận. DN xác định trước ít nhất 2 năm đầu DN có thể lỗ và không có sự biến tướng có lợi ích nhóm trong việc đầu tư xây mới, cải tạo hệ thống chợ truyền thống

Về vấn đề báo chí hỏi có lợi ích nhóm ở dự án này không, chúng tôi xin trả lời: DN lập dự án, sau đó TP xét duyệt, tổ chức mời thầu và đấu thầu theo Luật Đầu tư, nhất định phải đấu thầu chứ chỉ định thầu dứt khoát chúng tôi không nhận. Tôi cho rằng phải đấu thầu theo hướng công khai, minh bạch, để sau này dự án của chúng tôi yên tâm về mặt pháp lý khi các sở, ngành chức năng thanh tra. Tuy nhiên, nếu so sánh giữa vấn đề tài chính và lợi ích tổng thế của Dự án mang lại cho lâu dài cho xã hội và chính DN thì chúng tôi vẫn quyết tâm theo đuổi dự án này bởi nó mang tính ổn định lâu dài cho xã hội. Có thể nói kinh doanh trong sáng, pháp lý minh bạch để đầu óc được thông thái, chỉ trăn trở cho việc kinh doanh phát triển luôn luôn là tôn chỉ, mục đích mà chúng tôi hướng đến kể từ khi thành lập DN đến nay.

Xin cảm ơn ông!