Xâm nhập mặn đe dọa an toàn nguồn nước Đồng bằng sông Cửu Long

Lâm Nguyễn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chiều tối 12/9, Bộ NN&PTNT đã có công văn gửi các tỉnh, TP khu vực Đồng bằng sông Cửu Long đề nghị triển khai các giải pháp phòng, chống xâm nhập mặn mùa khô 2019 – 2020.

Công văn nêu hiện trạng: Do tình trạng thiếu hụt lượng mưa và tăng cường tích nước của các hồ chứa thủy điện trên lưu vực sông Mê Kông, dòng chảy về Đồng bằng sông Cửu Long ở mức thấp từ đầu mùa lũ đến nay.
Theo nhận định của các cơ quan chuyên ngành, tổng lượng mưa mùa mưa năm 2019 khả năng thiếu hụt so với trung bình nhiều năm từ 200-400mm, khả năng dòng chảy vẫn tiếp tục duy trì ở mức thấp trong thời gian tới, xâm nhập mặn mùa khô năm 2019-2020 xuất hiện sớm hơn so với trung bình nhiều năm từ 1-2 tháng và ở mức độ cao hơn, gay gắt hơn nhiều.
Theo đó, từ tháng 12/2019 xâm nhập mặn ảnh hưởng tới việc lấy nước của các công trình thủy lợi trong phạm vi cách biển đến 30-35 km; từ tháng 1 đến tháng 2/2020, ranh mặn 4g/l vào sâu vào nội địa vùng các cửa sông Cửu Long từ 45-55 km.
 Xâm nhập mặn sẽ khiến việc lấy nước khó khăn hơn 
Để chủ động thực hiện các giải pháp phòng, chống xâm nhập mặn, bảo đảm nguồn nước phục vụ sản xuất nông nghiệp và dân sinh, Bộ NN&PTNT đề nghị UBND các tỉnh, TP khu vực Đồng bằng sông Cửu Long theo dõi chặt chẽ thông tin dự báo khí tượng, thủy văn, xâm nhập mặn để chủ động triển khai các giải pháp phòng, chống xâm nhập mặn trên địa bàn.
Xây dựng kế hoạch phòng, chống xâm nhập mặn mùa khô năm 2019-2020; trong đó, xác định khả năng bị ảnh hưởng từng vùng, khu vực để có giải pháp cụ thể, bảo đảm giảm thiểu ảnh hưởng đến sản xuất và dân sinh.
Bố trí cơ cấu mùa vụ hợp lý, bảo đảm xuống giống sớm vụ Đông Xuân 2019-2020 trong tháng 10/2019 ở các vùng ven biển nhằm hạn chế ảnh hưởng của xâm nhập mặn; ưu tiên sử dụng các giống lúa thơm, chất lượng cao, ngắn ngày, nhóm giống chịu mặn, cùng thời gian sinh trưởng để thuận tiện cho việc cung cấp nước tưới, bảo đảm sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả.
Tổ chức đo đạc thường xuyên độ mặn tại các khu vực có nguy cơ bị ảnh hưởng xâm nhập mặn để kịp thời nắm bắt tình trạng xâm nhập mặn; hướng dẫn người dân thực hiện kế hoạch lấy nước ngọt phục vụ sản xuất và sinh hoạt.
Tăng cường thực hiện các giải pháp thủy lợi như nạo vét kênh rạch, đắp đập tạm, lắp đặt trạm bơm dã chiến,..; tranh thủ vận hành công trình thủy lợi lấy nước, trữ nước để sử dụng khi xâm nhập mặn lên cao, nguồn nước bị thiếu hụt.
Chủ động sử dụng kinh phí từ ngân sách địa phương và huy động các nguồn hợp pháp khác để thực hiện các giải pháp phòng, chống xâm nhập mặn; trường hợp nguồn kinh phí vượt quá khả năng của địa phương, báo cáo NN&PTNT, Bộ Tài chính để tổng hợp, đề xuất Thủ tướng Chính phủ xem xét, hỗ trợ theo quy định hiện hành.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần