Hàng giả, hàng nhái tràn lan
Tổng Cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường (Bộ Công thương) Trần Hữu Linh cho biết, buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới còn diễn biến phức tạp. Hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ gia tăng. Tính chung trong 8 tháng đầu năm, lực lượng Quản lý thị trường đã kiểm tra 52.613 vụ (tăng 11% so với cùng kỳ năm 2022), phát hiện, xử lý 37.960 vụ vi phạm (tăng 36%), thu nộp ngân sách Nhà nước trên 344 tỷ đồng (tăng 59%). Chuyển cơ quan điều tra 139 vụ có dấu hiệu hình sự (tăng 70%); trị giá hàng hóa tịch thu gần 143 tỷ đồng; trị giá hàng hóa tiêu hủy và buộc tiêu hủy 93 tỷ đồng.
Theo ông Trần Hữu Linh, hình thức làm hàng giả, hàng nhái rất tinh vi, đa dạng, từ mặt hàng có giá trị thấp đến mặt hàng có giá trị cao, từ mặt hàng đơn giản đến mặt hàng có công nghệ cao, từ hàng hóa phục vụ sản xuất đến hàng tiêu dùng, giải trí…
Hàng giả, hàng hóa xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ được sản xuất trong nước hoặc ở nước ngoài và đưa vào Việt Nam bằng nhiều con đường. Vật tư, nguyên liệu, linh kiện để sản xuất hàng giả, hàng hóa xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ thường không đảm bảo chất lượng, tiêu chuẩn kỹ thuật hoặc an toàn, không có sự đầu tư về kỹ thuật và công nghệ để nâng cao giá trị sản phẩm. Địa điểm sản xuất thường không đảm bảo vệ sinh công nghiệp an toàn vệ sinh thực phẩm và sử dụng lại bao bì cũ của hàng chính hãng làm cho người tiêu dùng khó nhận biết, phân biệt giữa hàng chính hãng và hàng giả.
Nguyên nhân do vị trí địa lý Việt Nam khá thuận lợi, có đường biên giới dài, giáp ranh với nhiều quốc gia. Mặc khác, do bộ phận người tiêu dùng còn dễ bằng lòng với hàng hóa nên vô tình tiếp tay cho các đối tượng có cơ hội sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ. Đặc biệt, khi thương mại điện tử phát triển, các sàn thương mại điện tử hay các mạng xã hội đang là mảnh đất màu mỡ để nhiều cá nhân lợi dụng kinh doanh hàng giả, hàng nhái, không rõ nguồn gốc và cả hàng cấm.
“Hệ lụy của vấn nạn này khiến người tiêu dùng thiệt hại về kinh tế, nguy hiểm hơn là ảnh hưởng sức khỏe người sử dụng. Còn đối với doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh chân chính là đối tượng chịu thiệt hại nhất về kinh tế, làm giảm uy tín thương hiệu, gây mất lòng tin với người tiêu dùng. Ngoài ra, hệ lụy của vấn nạn này còn ảnh hưởng tiêu cực tới môi trường cạnh tranh lành mạnh và thu hút đầu tư nước ngoài” – ông Trần Hữu Linh phân tích.
Ưu tiên công tác phòng ngừa
Dịp cuối năm là thời điểm hoạt động buôn lậu, sản xuất, kinh doanh hàng cấm, hàng giả, gian lận thương mại diễn ra hết sức phức tạp.
Theo Tổng Cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương) Trần Hữu Linh, thời gian tới, lực lượng quản lý thị trường sẽ tập trung vào 3 nhiệm vụ chính để bảo vệ thương hiệu. Trước hết là triển khai kế hoạch trọng điểm về chống hàng giả tại hơn 20 tỉnh, thành phố có nhiều tụ điểm nổi cộm về hàng giả. Tiếp đến là triển khai đồng bộ các biện pháp phòng, chống trên không gian mạng Internet. Cuối cùng là tổ chức các chuyên đề kiểm tra đột xuất các đối tượng bán hàng trên mạng xã hội. “Việc kiểm tra, rà soát hàng giả và hàng nhái trên mạng sẽ là ưu tiên số một của lực lượng quản lý thị trường từ nay đến năm 2025” – ông Trần Hữu Linh nhấn mạnh.
Tuy nhiên, theo ông Trần Hữu Linh, để chống hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ hiệu quả cần phải quan tâm nhiều đến phòng ngừa. Bởi, việc đi kiểm tra của lực lượng quản lý thị trường hay các lực lượng chức năng như Công an hay Hải quan… chỉ là phần ngọn, khi thấy có dấu hiệu thì đi kiểm tra. Bên cạnh đó, các chủ thể, từ người bán, người sản xuất cho đến người tiêu dùng là người mua hàng đều phải có trách nhiệm trong cuộc chiến chống hàng giả này.
Đồng quan điểm, Luật sư Nguyễn Văn Tuấn – Giám đốc Hãng luật TGS cho rằng, công cuộc chống hàng giả không phải nhiệm vụ riêng của cơ quan quản lý, mà cần sự chung tay của 3 bên, gồm cơ quan quản lý Nhà nước, doanh nghiệp và người tiêu dùng. Trong đó, Nhà nước cần tăng cường công tác kiểm tra xử lý; doanh nghiệp phối hợp tốt với cơ quan chức năng xử lý các trường hợp vi phạm và chủ động tuyên truyền cho người tiêu dùng cách nhận diện phân biệt hàng thật – hàng vi phạm; còn người tiêu dùng phải tỉnh táo trong việc lựa chọn, mua và sử dụng những sản phẩm chính hãng, chất lượng cao, nói không với hàng giả, hàng kém chất lượng.