Xăng dầu vẫn khan hàng, đứt gãy nguồn cung

Ánh Ngọc
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tình trạng khan hàng, đứt gãy nguồn cung xăng dầu diễn ra tại nhiều tỉnh, thành những ngày qua đã ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống sinh hoạt, sản xuất của người dân. Mặc dù cơ quan quản lý đã can thiệp bằng nhiều giải pháp song tình trạng này vẫn "giậm chân tại chỗ".

Nhiều cây xăng hết hàng, bán cầm chừng

Sau khi giá xăng dầu được điều chỉnh tăng 2 lần vào ngày 11/10 và 21/10, những tưởng nhiều cửa hàng xăng dầu sẽ hoạt động trở lại bình thường. Tuy nhiên, nhiều cửa hàng xăng dầu vẫn ngừng bán vì các lý do khác nhau.

Cây xăng An Phước trên đường ĐT 741, huyện Phú Giáo, tỉnh Bình Dương, dán thông báo đang xin cấp lại giấy. Ảnh: Duy Chí.
Cây xăng An Phước trên đường ĐT 741, huyện Phú Giáo, tỉnh Bình Dương, dán thông báo đang xin cấp lại giấy. Ảnh: Duy Chí.

Theo ghi nhận của phóng viên báo Kinh tế & Đô thị, từ 3 - 5 ngày nay có không ít cửa hàng xăng dầu tại TP Hồ Chí Minh và các tỉnh Tây Nam Bộ… tiếp tục ngừng hoạt động hoặc hoạt động cầm chừng với lý do hết xăng, hết xăng còn dầu, chờ nhập hàng, hoặc tạm dừng để đổi giấy phép.

Tại Hà Nội, môt số chủ cửa hàng bán xăng dầu cho biết những ngày gần đây cũng phải hoạt động cầm chừng, do không đủ nguồn tài chính để nhập hàng về bán.

Đơn cử như cây xăng tại Đường 422, xã Cát Quế (huyện Hoài Đức) nhiều ngày qua thường xuyên trong cảnh treo biển “hết xăng”. Đại diện Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Phú Hưng - chủ cây xăng - chia sẻ, sở dĩ cây xăng treo biển hết hàng là do DN không còn tiền để nhập hàng về bán nên hoạt động cầm chừng. Cửa hàng có 2 trụ xăng và 1 trụ dầu, nhưng chỉ cắt cử 1 nhân viên để phục vụ khách hàng mua dầu và cũng chỉ bán tới khoảng 20 giờ là nghỉ.

Cây xăng tại Đường 422, xã Cát Quế, huyện Hoài Đức dán giấy hết xăng. Ảnh: Kim Ngân
Cây xăng tại Đường 422, xã Cát Quế, huyện Hoài Đức dán giấy hết xăng. Ảnh: Kim Ngân

Cùng chung cảnh ngộ, Giám đốc Công ty TNHH Trần Khiêm Nguyễn Thị Thà cho biết, công ty đang có 2 cửa hàng bán xăng dầu trên địa bàn huyện Sóc Sơn và nhập nguồn hàng từ Công ty Xăng dầu khu vực 1 (thuộc Petrolimex). Mặc dù mức chiết khấu bán lẻ xăng, dầu từ sau ngày 21/10 có tăng so với trước, nhưng theo hạch toán thực tế, mỗi lít xăng bán ra, cửa hàng đang lỗ hơn 1.000 đồng, trung bình mỗi tháng bán ra khoảng 300m3, DN đang lỗ 280 - 300 triệu đồng. Để tiết kiệm tối đa chi phí, 14 nhân viên bán hàng của công ty đang phải nghỉ việc luân phiên.

“Phần lớn DN kinh doanh bán lẻ xăng dầu do cạn vốn, không có tiền để nhập cùng đủ hàng như trước đây, nên đơn vị buộc phải tính toán cơ cấu hàng hợp lý, nhưng cũng có ngày bị chậm. Thế nên, mới có thời điểm các cửa hàng phải treo biển hết xăng còn dầu, hết xăng Ron 95 còn xăng E5 Ron 92 và ngược lại” - bà Nguyễn Thị Thà giải thích.

Theo phản ánh của các DN bán lẻ xăng dầu, họ đang hưởng mức chiết khấu rất thấp, trung bình chỉ 200 - 300 đồng/lít xăng. Trong khi đó, phía DN đầu mối cấp hàng không ổn định, vừa cấp theo định mức lại cấp không liên tục theo ngày, mà có khi hai ngày cấp một lần nên một số cây xăng chỉ có thể bán hàng cầm chừng hoặc bán nửa ngày.

Điều hành xăng dầu không thể mãi lúng túng

Lý giải những nguyên nhân chính dẫn tới tình trạng nhiều cây xăng dừng hoặc tạm ngừng bán hàng trong bối cảnh nguồn cung không thiếu, giá thế giới không cao, PGS.TS Trần Hoàng Ngân cho rằng, tình trạng đứt gãy nguồn cung đang ở khâu bán lẻ.

Thực tế, nhiều cửa hàng bán lẻ xăng, dầu phản ánh càng kinh doanh càng lỗ nên phải đóng cửa, vì nhà bán lẻ cũng có nhiều loại chi phí (nhân công, mặt bằng, phòng chống cháy nổ…) nên cần có tỷ lệ chiết khấu tối thiểu để duy trì hoạt động kinh doanh. Nếu trong thời gian dài hạn, thị trường biến động mạnh với chiết khấu 0 đồng thì họ khó có thể duy trì kinh doanh.

 

Dự báo thời gian tới tình hình xăng dầu còn nhiều biến động, Quốc hội cần ủy quyền cho Thường vụ Quốc hội quyết định các vấn đề liên quan đến thuế xăng dầu. Chính phủ cần tập trung nhiều hơn các giải pháp cấp bách và lâu dài để tháo gỡ.

PGS.TS Trần Hoàng Ngân

PGS.TS Trần Hoàng Ngân cũng đề nghị rút ngắn thời gian điều chỉnh giá xăng dầu nhằm tránh tình trạng thiếu xăng dầu cục bộ mỗi lần điều chỉnh giá. Đồng thời, các cơ quan cần xem xét, tính toán sao cho hiệu quả, đảm bảo cung cầu, giá cả, chi phí.

Khuyến nghị về giải pháp, nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, Chính phủ cần phân tích rõ nguyên nhân, làm rõ trách nhiệm của các cơ quan quản lý Nhà nước có liên quan. Mặc dù mặt hàng xăng dầu chịu tác động của thị trường, song vấn đề đặt ra là cần có cơ chế quản lý thế nào để "điều hòa trong quản lý", đặc biệt là công tác phối hợp giữa bộ, ban ngành, không để tình trạng thiếu xăng dầu ảnh hưởng đời sống người dân.

Theo PGS.TS Đinh Trọng Thịnh - Giảng viên cao cấp Học viện Tài chính, giải pháp cần tập trung trước hết là cho phép mở rộng thị trường nhập khẩu xăng dầu, không chỉ ở thị trường có thuế suất ưu đãi mà ở cả những thị trường có mức thuế suất không ưu đãi; chấp nhận mức thuế suất này trong giá cơ sở để chủ động nguồn cung hơn. Đi liền với đó là tính toán tăng thêm hạn mức tín dụng.

Song song với đó, phải điều chỉnh ngay các chi phí liên quan đến kinh doanh xăng dầu đã lỗi thời theo nguyên tắc tính đúng, tính đủ. Cần hướng dẫn các đầu mối, thương nhân phân phối tỷ lệ tối thiểu cho từng khâu trong tổng số chi phí kinh doanh định mức, để chấm dứt tình trạng chiết khấu 0 đồng.