Xây cầu cạn khi triển khai cao tốc ở đồng bằng sông Cửu Long

Nguyễn Quý
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Đây là một trong những nội dung đáng chú ý trong báo cáo của Bộ Giao thông Vận tải vừa gửi lên Chính phủ liên quan đến việc triển khai xây dựng hệ thống đường cao tốc tại khu vực đồng bằng sông Cửu Long.

Xây dựng cầu cạn Mai Dịch - Nam Thăng Long (Ảnh minh họa).
Xây dựng cầu cạn Mai Dịch - Nam Thăng Long (Ảnh minh họa).

Trong báo cáo trên, Bộ GTVT cho biết, điều kiện địa chất, địa hình của khu vực đồng bằng sông Cửu Long có nhiều nét đặc thù riêng, gây khó khăn khi triển khai dự án cao tốc tại đây.

Điển hình là việc khu vực này có nền địa chất yếu trong khi địa hình lại bị chia cắt liên tục bởi hệ thống kênh rạch dày đặc. Không những thế, nơi đây còn chịu ảnh hưởng của triều cường, nước biển dâng. Việc tiếp cận các công trường bằng đường bộ sẽ gặp khó khăn còn đường thủy lại không đủ chiều cao để thông thuyền.

Những yếu tố này sẽ là trở ngại không nhỏ khi tiến hành xây dựng đường cao tốc ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long. Nhất là trong bối cảnh nguồn vật liệu chủ yếu ở nơi đây lại là cát.

Từ những phân tích trên, Bộ GTVT cho rằng việc lựa chọn giải pháp công trình, phương án xử lý nền đất yếu khi tiến hành nghiên cứu triển khai dự án cao tốc ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long cần phải được tính toán, nghiên cứu tổng thể và  kỹ lưỡng.

Một trong những giải pháp được tính đến là xây dựng cầu cạn trên toàn tuyến, đồng thời kéo dài cầu vượt sông, xử lý lún bằng cọc xi măng đất và sàn giảm tải. Đặc biệt, cần phải giảm tối thiểu việc sử dụng cát san lấp để giảm rủi ro trong quá trình thi công và khai thác dự án đường cao tốc.

Tuy nhiên, điểm hạn chế của giải pháp này là sẽ cần một nguồn kinh phí lớn  hơn khoảng 2,6 lần so với phương án đắp đất nền để thi công công trình. Điều này chắc chắn khiến suất đầu tư các dự án cao tốc ở đồng bằng sông Cửu Long cao hơn những nơi khác.

Chính bởi vậy, Bộ GTVT cho biết vẫn áp dụng giải pháp đắp nền bằng cát đối với các dự án cao tốc đã được phê duyệt và triển khai trong giai đoạn 2021 – 2025. Giải pháp này sẽ đảm bảo chi phí đầu tư hợp lý nhưng hạn chế là cần thời gian xử lý nền lâu hơn cũng như nguồn vật liệu cát nhiều hơn.

Đối với giải pháp xây dựng cầu cạn, Bộ GTVT cho biết sẽ tiếp tục phối hợp với các chuyên gia, nhà khoa học để đánh giá một cách khách quan, khoa học, cẩn trọng và toàn diện nhất.

 

Phương án xây dựng cầu cạn khi triển khai các dự án cao tốc ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long được một số hội, hiệp hội trong khối sản xuất và cung ứng vật liệu xây dựng đưa ra. Theo những kiến nghị trên thì giải pháp này có nhiều ưu điểm như không phụ thuộc vào nguồn vật liệu cát, thời gian thi công ngắn, đảm bảo môi trường và thoát lũ cũng như tăng tính ổn định và giảm rủi ro trong quá trình thi công và khai thác công trình. Hạn chế lớn nhất của giải pháp này là chi phí đầu tư lớn.