Xây dựng chính quyền đô thị: Hướng mở để Hà Nội phát triển

Bài, ảnh: Trần Thảo
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Qua đợt khảo sát chuẩn bị cho việc xây dựng đề án thí điểm chính quyền đô thị (CQĐT) tại Hà Nội vừa qua có thể thấy, vấn đề hiện nay là lựa chọn mô hình nào, cần triển khai ra sao để có một CQĐT phù hợp với Hà Nội. Phải hướng tới cải cách toàn diện các lĩnh vực, nhưng ưu tiên đẩy mạnh phân cấp, phân quyền và tăng cường tự quản cho địa phương.

Tập trung thu gọn đầu mối bộ máy

Dù đã được bàn thảo nhiều lần, nhưng đến nay CQĐT vẫn là một vấn đề mới với Hà Nội cũng như các địa phương khác. Trong các cuộc làm việc của Ban Tổ chức Thành ủy với một số quận, huyện, vấn đề được tập trung bàn thảo là mô hình CQĐT gắn với thực hiện Nghị quyết T.Ư 6 (Khóa XII), nêu rõ quan điểm về tính khả thi của việc thực hiện các nội dung liên quan để tổ chức bộ máy, nhất thể hóa một số chức danh liên quan.
Hầu hết ý kiến đều khẳng định, với mô hình CQĐT, vai trò lãnh đạo của cấp ủy Đảng không bị ảnh hưởng, vẫn bảo đảm lãnh đạo toàn diện, thậm chí có nhiều thuận lợi. Hà Nội xây dựng thí điểm mô hình CQĐT là hướng mở để phát triển đô thị. Việc xây dựng CQĐT cần nghiên cứu theo hướng: Tập trung thu gọn đầu mối bộ máy hoạt động, giảm bớt các tầng, nấc trung gian, bảo đảm tính nhanh, nhạy, trong công tác quản lý, giải quyết kịp thời vấn đề cấp thiết của đô thị, dân cư.
 Trưởng ban Tổ chức Thành ủy Vũ Đức Bảo phát biểu tại buổi làm việc với huyện Đông Anh.
Nêu rõ những bất cập trong bộ máy quản lý hiện nay, nhiều lãnh đạo địa phương cho rằng, dù đã có sự phân cấp, phân quyền nhưng có những vấn đề “nóng” vẫn phải chờ xin ý kiến từ cấp trên. Trong khi việc quản lý lại qua rất nhiều cấp, nhiều tầng nấc, nên cần thiết phải có sự phân cấp quản lý hợp lý giữa chính quyền nông thôn và CQĐT để các đô thị chủ động tự quyết định, tự chịu trách nhiệm về quyết định của mình. Theo Chủ tịch UBND quận Đống Đa Võ Nguyên Phong: Nên tổ chức cơ quan hành chính quận, phường, thị xã theo thiết chế thủ trưởng hành chính, người đứng đầu là quận trưởng, phường trưởng, thị trưởng thay vì thiết chế UBND như hiện nay. Với thiết chế này, thủ trưởng hành chính được phân quyền, phân cấp mạnh, có thẩm quyền quyết định và tổ chức hoạt động hành chính, kinh tế - xã hội trên địa bàn quận, phường, thị xã. "Thực hiện theo mô hình này sẽ đảm bảo gọn nhẹ, hiệu quả, đảm bảo chủ động, linh hoạt. Đồng thời việc giám sát vẫn được bảo đảm, bởi đã có nhiều cơ chế giám sát ngang dọc từ TP đến các sở ngành”- Chủ tịch UBND quận Đống Đa nói.

Những đầu việc cần lưu ý khi xây dựng đề án thí điểm CQĐT: Thực hiện Trưởng ban Dân vận kiêm Chủ tịch MTTQ; thành lập cơ quan giúp việc chung cho MTTQ và các đoàn thể; thí điểm Bí thư cấp ủy kiêm Chủ tịch UBND cùng cấp; Trưởng ban Tổ chức kiêm Trưởng phòng Nội vụ; thực hiện khoán kinh phí cho cán bộ bán chuyên trách...
Xây dựng CQĐT phải giải quyết được nhiều vấn đề khác nhau trong bộ máy hành chính và nguyên tắc đầu tiên là tinh gọn, nhưng để tinh gọn cần phải bàn nhiều về việc có còn HĐND hay không? Trước vấn đề này, nhiều ý kiến cho rằng, không nhất thiết phải tổ chức thiết chế HĐND đủ từ cấp quận, huyện đến xã, phường. Nhưng khi bỏ HĐND, phải tăng kiểm soát quyền lực qua lăng kính của Nhân dân. Đồng thời, rà soát, giảm bỏ những tầng lớp trung gian, để gọn đầu mối, tiết kiệm ngân sách... Tuy nhiên, một số ý kiến lại cho rằng, không tổ chức HĐND sẽ đụng chạm đến những nhân sự thuộc biên chế HĐND, nhất là người đang nắm các vị trí lãnh đạo. Theo Chủ tịch UBND phường Ngọc Lâm (quận Long Biên) Nguyễn Thế Tuấn, nếu bỏ HĐND phường với 28 đại biểu, mỗi năm sẽ tiết kiệm được ít nhất là 130 triệu đồng. Đồng ý thực hiện mạnh kiêm nhiệm các chức danh không chuyên trách ở phường, tổ dân phố, Chủ tịch UBND phường Ngọc Lâm dẫn chứng: “Hiện nay, phường có 29 tổ dân phố, nếu giảm xuống còn 20 tổ dân phố và thực hiện kiêm nhiệm thì mỗi năm có thể tiết kiệm được cho ngân sách 500 triệu đồng”.

Khoán quỹ lương, nâng cao hiệu quả công tác

Một trong những đề xuất cần làm trong thí điểm xây dựng CQĐT là thực hiện khoán quỹ lương để có thể nâng lương cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, tạo động lực nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác. Trước thực tế, phụ cấp kiêm nhiệm hiện nay giới hạn ở mức tối đa 30%, nên nhiều ý kiến cho rằng, đây là điểm bất hợp lý, đồng thời đề xuất nên ở mức 60%, mới có thể khuyến khích mọi người làm việc. “Với chức danh của các xã loại I, cán bộ không chuyên trách, cán bộ Văn phòng Đảng ủy ở xã là hệ số 1,46, không có bảo hiểm, không có chế độ nào khác. Nên tăng thêm phụ cấp, thực hiện khoán chi để tạo điều kiện thuận lợi, tăng tính chủ động cho các cơ sở” - Bí thư Đảng ủy xã Nam Hồng (huyện Đông Anh) Tạ Xuân Hòa đề xuất.

Về việc mở rộng quy mô các đơn vị hành chính và tổ chức lại các cơ quan chính quyền địa phương cũng được nhận định có nhiều lợi ích, vì vừa giảm bớt được số lượng các đơn vị hành chính, nhất là cấp xã, vừa giảm bớt ngân sách Nhà nước. Đồng thời, việc ghép các đơn vị hành chính tạo điều kiện phân cấp, phân quyền nhiều hơn cho các địa phương. Bày tỏ sẵn sàng thực hiện thí điểm mô hình CQĐT, nhiều lãnh đạo quận, huyện, thị xã, xã, phường, thị trấn coi đây là cơ hội để tiếp tục phát triển mạnh. Tuy nhiên, lãnh đạo các địa phương cũng cho rằng, dù mô hình CQĐT hay chính quyền nông thôn đều cần bộ máy tinh gọn, hiệu quả và việc xây dựng đề án cần có lộ trình.

Theo Trưởng ban Tổ chức Thành ủy Vũ Đức Bảo, Hà Nội từng bước triển khai thực hiện Đề án thí điểm mô hình CQĐT gắn với thực hiện Nghị quyết T.Ư 6 (Khóa XII). Đây là vấn đề lớn cần thực hiện trong thời gian tới, sẽ nghiên cứu tổ chức chính quyền theo hướng tinh gọn, hiệu quả, không chồng chéo, nhưng vẫn đảm bảo sự lãnh đạo của Đảng. Trưởng ban Tổ chức Thành ủy cũng cho rằng, thí điểm mô hình CQĐT cần theo xu hướng tổ chức lại bộ máy chính quyền các cấp, trước thực tế hiện nay, có nhiều bất cập về chức năng nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, phân cấp quản lý phải giải quyết. Tuy nhiên, có những việc phải làm ngay, có những việc sẽ làm theo lộ trình.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần