Xây dựng công trình thu gom, thoát nước thải phải tuân thủ quy hoạch

Thùy Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Đầu tư xây dựng các công trình thu gom, thoát nước thải đô thị và khu dân cư tập trung phải tuân thủ quy hoạch đô thị, quy hoạch xây dựng, quy hoạch thoát nước thải đô thị (nếu có) theo từng lưu vực thoát nước.

Bộ Xây dựng vừa ban hành Thông tư 15/2021/TT-BXD hướng dẫn về công trình hạ tầng kỹ thuật thu gom, thoát nước thải đô thị, khu dân cư tập trung.
Thông tư được áp dụng đối với các cơ quan, tổ chức, cá nhân, hộ gia đình có liên quan đến hoạt động xây dựng, vận hành công trình hạ tầng kỹ thuật thu gom, thoát nước thải đô thị và khu dân cư tập trung.
 Quy định mới về công trình thu gom, thoát nước thải đô thị. Ảnh minh họa.
Theo đó, Thông tư quy định công trình hạ tầng kỹ thuật thu gom, thoát nước thải đô thị, khu dân cư tập trung (viết tắt là công trình thu gom, thoát nước thải) bao gồm: Hộp đấu nối, cống cấp 3, cống cấp 2, cống cấp 1, trạm bơm thoát nước, giếng tách nước thải, giếng thăm, cửa xả,...và các công trình phụ trợ khác nhằm mục đích thu gom, chuyển tải và xử lý nước thải đảm bảo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường để xả vào nguồn tiếp nhận.
Đối với các công trình thu gom, thoát nước thải được thực hiện theo quy định sau: Giếng tràn nước mưa trên hệ thống thoát nước chung. Trong đó, căn cứ hiện trạng thoát nước, đặc điểm địa hình, địa chất, thủy văn để xác định vị trí xây dựng giếng tràn nước mưa.
Vị trí xây dựng giếng tràn nước mưa phải đáp ứng khả năng tiếp cận trong quá trình quản lý, vận hành và giám sát công trình, thuận lợi cho việc xả nước mưa vào nguồn tiếp nhận và không ảnh hưởng đến các công trình hạ tầng kỹ thuật khác;
Đô thị, khu dân cư tập trung mới phải xây dựng hệ thống thu gom, xử lý nước thải riêng biệt với hệ thống thoát nước mưa để tổ chức đấu nối, thu gom và vận chuyển nước thải
Việc quản lý, vận hành giếng tràn nước mưa phải tuân thủ các quy trình quản lý, vận hành theo thiết kế đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt; Giếng tràn nước mưa phải được nạo vét, duy tu, bảo dưỡng định kỳ, bảo đảm công trình được duy trì hoạt động bình thường.
Cống bao, cống gom để vận chuyển nước thải đến nhà máy xử lý bao gồm: Vị trí, độ sâu đặt cống bao, cống gom nước thải phải bảo đảm thuận tiện trong quản lý vận hành và tuân thủ quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về các công trình hạ tầng kỹ thuật công trình thoát nước;..
Bên cạnh đó, Thông tư cũng nêu rõ nguyên tắc quản lý, xây dựng công trình thu gom, thoát nước thải. Cụ thể, đầu tư xây dựng các công trình thu gom, thoát nước thải đô thị và khu dân cư tập trung phải tuân thủ quy hoạch đô thị, quy hoạch xây dựng, quy hoạch thoát nước thải đô thị (nếu có) theo từng lưu vực thoát nước.
Việc xây dựng mới, sửa chữa, cải tạo công trình thu gom, thoát nước thải phải đồng bộ, bảo đảm kết nối với các công trình trên mạng lưới thoát nước và xử lý nước thải.
Bảo đảm công suất để vận chuyển, xử lý lượng nước thải của khu vực, có dự phòng với khối lượng nước thải phát sinh và xử lý đạt quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường theo quy định trước khi xả vào nguồn tiếp nhận.
Đô thị, khu dân cư tập trung mới phải xây dựng hệ thống thu gom, xử lý nước thải riêng biệt với hệ thống thoát nước mưa để tổ chức đấu nối, thu gom và vận chuyển nước thải, đáp ứng nhu cầu thoát nước trong khu vực trừ đặc thù do Chính phủ quy định.
Bên cạnh đó, Thông tư cũng hướng dẫn đấu nối hệ thống thoát nước với nhiều nội dung quan trọng; Ngoài ra, Thông tư cũng hướng dẫn xác định rõ trách nhiệm quản lý về công trình thu gom, thoát nước và đấu nối hệ thống thoát nước của đơn vị thoát nước, UBND các cấp.
Thông tư 15/2021/TT-BXD có hiệu lực từ ngày 10/2/2022.