Xây dựng nông thôn mới Hà Nội: Giữ vững vị thế lá cờ đầu

Trọng Tùng
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sau gần 5 năm thực hiện Chương trình số 02-CTr/TU về “Phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới (NTM), nâng cao đời sống nông dân giai đoạn 2016 - 2020”, Hà Nội tiếp tục gặt hái được nhiều kết quả đáng ghi nhận, giữ vững vị thế lá cờ đầu của cả nước.

Chủ trương đúng đắn, vào cuộc quyết liệt
Thực hiện Nghị quyết Đại hội XVI của Đảng bộ TP, Thành ủy Hà Nội đã ban hành Chương trình số 02-CTr/TU về “Phát triển nông nghiệp, xây dựng NTM, nâng cao đời sống nông dân giai đoạn 2016 - 2020”. Kế hoạch số 188/KH-UBND để tổ chức triển khai thực hiện Chương trình số 02-CTr/TU cũng được UBND TP ban hành ngay sau đó.

Song song với chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Chương trình số 02 của Thành ủy, HĐND, UBND TP Hà Nội cũng đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách, văn bản chỉ đạo các cấp, ban ngành, các địa phương, đơn vị, tạo điều kiện thuận lợi trong quá trình tổ chức thực hiện. Ban Chỉ đạo Chương trình 02 đã thành lập các đoàn kiểm tra, làm việc trực tiếp với các huyện, thị xã và sở, ngành liên quan.
Đường làng nông thôn mới tại huyện Đan Phượng. Ảnh: Đặng Linh
Trong quá trình triển khai, TP đặc biệt coi trọng việc sơ kết, tổng kết, đánh giá những thuận lợi, khó khăn trong tổ chức thực hiện. Đồng thời, rút kinh nghiệm và đề ra phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm để lãnh đạo, chỉ đạo hiệu quả, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho cơ sở nhằm đẩy nhanh tiến độ thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ Chương trình số 02 đề ra.

Để thực hiện có hiệu quả các mục tiêu của Chương trình số 02, Ban Chỉ đạo của Thành ủy xác định: Nâng cao năng lực cho cán bộ làm công tác xây dựng nông thôn mới ở các cấp là nhiệm vụ trọng tâm. Hàng năm, cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo phối hợp các sở, ngành tổ chức tập huấn cho đội ngũ cán bộ làm công tác xây dựng NTM các cấp, với phương châm “cầm tay, chỉ việc”.

Công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân được chú trọng. Qua đó, thực sự làm chuyển biến nhận thức trong các cấp chính quyền, đặc biệt là Nhân dân về vai trò chủ thể trong xây dựng NTM. Đồng thời, khơi dậy tính tích cực, chủ động, sáng tạo, tạo động lực để phong trào ngày càng phát triển, đi vào chiều sâu.

Đi đầu cả nước về số xã nông thôn mới

Nhờ sự vào cuộc chủ động, tích cực của các cấp, ban ngành, sự đồng thuận, ủng hộ của Nhân dân, đến nay, toàn TP đã có 6 huyện được công nhận đạt chuẩn NTM gồm: Đan Phượng, Đông Anh, Thanh Trì, Hoài Đức, Quốc Oai và Gia Lâm. Ngoài ra, thị xã Sơn Tây đã được Hội đồng T.Ư thẩm định, đang hoàn thiện hồ sơ trình Thủ tướng Chính phủ công nhận thị xã hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM.

Phó Chánh văn phòng Thường trực Điều phối xây dựng NTM Hà Nội Nguyễn Văn Chí cho biết thêm, hiện nay, các huyện: Thạch Thất, Thường Tín, Phúc Thọ đã trình hồ sơ lên Hội đồng thẩm định T.Ư; hai huyện Thạch Thất, Thường Tín đã được T.Ư thẩm định đủ điều kiện trình Hội đồng thẩm định T.Ư xem xét công nhận đạt chuẩn NTM năm 2020.

Bên cạnh đó, huyện Thanh Oai cũng đã được Ban Chỉ đạo các Chương trình mục tiêu Quốc gia TP Hà Nội bỏ phiếu đủ điều kiện trình Hội đồng thẩm định T.Ư xem xét công nhận đạt chuẩn NTM năm 2020. Các huyện Sóc Sơn, Phú Xuyên đã được Đoàn công tác TP thẩm tra đủ điều kiện và đang hoàn thiện hồ sơ trình Ban Chỉ đạo các Chương trình mục tiêu Quốc gia TP Hà Nội bỏ phiếu xem xét công nhận đạt chuẩn NTM năm 2020.

Sau nhiệm kỳ 2016 - 2020, toàn TP đã có 355/382 xã (chiếm 92,9%) được công nhận đạt chuẩn NTM. Đáng chú ý, Hà Nội là địa phương có tổng số xã về đích nhiều nhất của cả nước. Bên cạnh đó, TP cũng đã có 13 xã đạt chuẩn NTM nâng cao. Trong 27 xã còn lại chưa đạt chuẩn NTM, có 24 xã đạt và cơ bản đạt từ 15 - 18 tiêu chí, 3 xã đạt và cơ bản đạt từ 11 - 14 tiêu chí. Dự kiến đến cuối năm 2020, toàn TP sẽ có 368/382 xã đạt chuẩn NTM (chiếm 96,3%) và 23 xã đạt chuẩn NTM nâng cao.

Hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn

Trong giai đoạn 2020 - 2025, Hà Nội xác định xây dựng NTM theo hướng hiện đại. Cơ cấu kinh tế và các hình thức tổ chức sản xuất hợp lý, gắn nông nghiệp với phát triển nhanh công nghiệp, dịch vụ, đô thị theo quy hoạch. Phấn đấu xây dựng xã hội nông thôn ổn định, giàu bản sắc văn hóa dân tộc. Dân trí được nâng cao, môi trường sinh thái được bảo vệ. Hệ thống chính trị ở nông thôn được tăng cường, vững mạnh.

Để đạt được mục tiêu trên, Ban Chỉ đạo Chương trình số 02 xác định nhiệm vụ trọng tâm đặt ra là tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, nâng cao năng lực quản lý, điều hành bộ máy chính quyền. Đổi mới phương thức quản lý, đẩy mạnh cải cách hành chính. Đồng thời, phát huy vai trò của MTTQ, các đoàn thể chính trị - xã hội…

Rà soát chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan, đơn vị trong hệ thống quản lý nông nghiệp từ TP đến cơ sở cũng là giải pháp được đặt ra, nhằm sớm kiện toàn, tổ chức bộ máy ngành NN&PTNT theo tinh thần Nghị quyết số 18-NQ/TW và Nghị quyết số 19-NQ/TW Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành T.Ư (khóa XII). Hướng tới xây dựng bộ máy chính quyền, hệ thống chính trị ở khu vực nông thôn tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, đảm nhiệm tốt nhiệm vụ trong tình hình mới.

Đối với nhiệm vụ xây dựng NTM, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Ngô Thị Thanh Hằng nhấn mạnh, đây là quá trình có khởi đầu nhưng không có kết thúc. Chính vì vậy, trong giai đoạn 2020 - 2025, các cấp, ban ngành, địa phương cần tiếp tục tăng cường và đa dạng hóa công tác thông tin tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức trong cán bộ, đảng viên và mọi tầng lớp Nhân dân, tạo sự thống nhất trong nhận thức cũng như hành động tham gia xây dựng NTM.

Đẩy mạnh thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng NTM ở tất cả các xã trên địa bàn Hà Nội. Tiếp tục tăng cường nguồn lực đầu tư xây dựng NTM theo hướng nâng cao, kiểu mẫu, gắn với quy hoạch. Đầu tư xây dựng hạ tầng khung một số huyện phát triển thành quận theo kế hoạch, lộ trình của TP.

Bên cạnh đó, cần huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực đầu tư cho xây dựng NTM, ưu tiên nguồn lực cho phát triển sản xuất, bảo đảm sinh kế cho người dân. Đồng thời, phát triển đồng bộ, hiện đại kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội để đáp ứng được yêu cầu sản xuất, đời sống, hiện đại hóa và phát triển bền vững nông nghiệp, nông thôn.

Trong giai đoạn 2020 - 2025, Hà Nội sẽ tiếp tục duy trì và nâng cao chất lượng các tiêu chí ở các xã đã đạt chuẩn NTM, nhất là các tiêu chí về y tế, giáo dục, văn hóa, môi trường và thu nhập. Phấn đấu đến năm 2025, TP có thêm 5 quận mới (Hoài Đức, Đan Phượng, Đông Anh, Gia Lâm, Thanh Trì); 100% các huyện, xã đạt chuẩn NTM, trong đó, có ít nhất 3 huyện đạt chuẩn NTM nâng cao; 40% tổng số xã đạt chuẩn NTM nâng cao và 20% số xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu.


Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng NTM là trên 56.513 tỷ đồng. Trong đó, vốn huy động ngoài ngân sách Nhà nước khoảng 4.813 tỷ đồng.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần