Xe buýt Hà Nội: Thiếu không gian lưu thông riêng

Minh Tường
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Dù nỗ lực thực hiện tốt kế hoạch vận hành, đáp ứng nhu cầu đi lại cho Nhân dân, nhưng thời gian qua, nhiều vấn đề bất cập đã ảnh hưởng không nhỏ đến năng lực hoạt động của mạng lưới xe buýt Hà Nội.

Lượng hành khách tăng
Theo thống kê của Trung tâm Quản lý & điều hành giao thông đô thị Hà Nội, 6 tháng đầu năm nay, sản lượng hành khách trên toàn mạng lưới xe buýt của TP ước đạt 221,5 triệu lượt, tăng 5% so với cùng kỳ năm 2017; tăng 1,9% so với năm 2016. Hiện Thủ đô đã có 112 tuyến xe buýt phủ khắp 30 quận, huyện, thị xã, tương ứng với 411/582 xã, phường, thị trấn (đạt 70%). Dịch vụ xe buýt đã tiếp cận tới khoảng 98% bệnh viện, 100% các trường đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp, 86% các khu công nghiệp, hơn 90% khu đô thị trên địa bàn TP với tổng chiều dài tuyến hơn 3.781km. Trong đó, có 92 tuyến buýt trợ giá; 20 tuyến buýt không trợ giá (9 tuyến nội đô, 10 tuyến buýt kế cận, 1 tuyến City Tour); do 12 đơn vị cung ứng, khai thác.
 Xe buýt hoạt động trên đường Giải Phóng. Ảnh: Phạm Hùng
Nửa đầu năm nay, Hà Nội đã mở mới 3 tuyến buýt (số 108, 212 và tuyến City Tour). Dự kiến ngày 1/7 tới, 3 tuyến buýt sử dụng nhiên liệu sạch (CNG) cũng sẽ được đưa vào vận hành. Sở GTVT Hà Nội và các đơn vị liên quan cũng đang chuẩn bị tổ chức đấu thầu 17 tuyến (đến nay đã mở thầu 4 tuyến: 61, 62, 91, 92; trình giá gói thầu 3 tuyến, xây dựng thiết kế kỹ thuật 10 tuyến). Đồng thời, 26 tuyến buýt khác cũng được điều chỉnh theo tổ chức giao thông; hợp lý hóa mạng lưới đối với 13 tuyến; mở rộng vùng phục vụ của 2 tuyến buýt; thay mới 31 phương tiện tiêu chuẩn Euro 4, nâng tổng số phương tiện đạt tiêu chuẩn Euro 4 lên 61 xe.

Phó Giám đốc Sở GTVT Hà Nội Ngô Mạnh Tuấn cho biết, trước mắt xe buýt vẫn là lực lượng chủ công của hệ thống vận tải hành khách công cộng của TP. “Sở sẽ tích cực phối hợp với các đơn vị, DN vận tải, tiếp tục điều chỉnh mạng lưới, ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động vận hành để nâng cao năng lực, hiệu quả phục vụ hành khách, Nhân dân, góp phần hạn chế phương tiện cá nhân, kéo giảm UTGT trên địa bàn Thủ đô” - ông Tuấn cho hay.

Còn nhiều khó khăn

Phó Tổng giám đốc Tổng Công ty Vận tải Hà Nội Nguyễn Công Nhật cho biết, mặc dù đạt được những kết quả rất đáng khích lệ nhưng mạng lưới xe buýt của Hà Nội cũng đang gặp một số khó khăn nhất định. Đặc biệt, việc phải lưu thông chung với các phương tiện giao thông cá nhân, bị lấn làn, chèn ép… đang ảnh hưởng rất lớn đến hiệu suất hoạt động của xe buýt.

Nhiều chuyên gia cũng đồng quan điểm khi cho rằng, một trong những yếu tố quyết định chất lượng dịch vụ của xe buýt là thời gian thực hiện chuyến đi. Hiện, Hà Nội đang quá thiếu làn đường riêng cho xe buýt, là nguyên nhân trực tiếp khiến tốc độ lưu thông của loại hình này bị hạn chế nghiêm trọng. Ngay cả tuyến buýt BRT với làn dành riêng cũng thường xuyên bị các phương tiện khác lấn làn, phải rất chật vật mới đảm bảo được tiêu chí thời gian của mỗi chuyến đi.

Một vấn đề khác được dư luận rất quan tâm là hệ thống điểm dừng, nhà chờ xe buýt của Hà Nội còn rất thiếu và yếu. Toàn mạng lưới có trên 3.000 điểm đón – trả khách nhưng chỉ 12% trong số đó là nhà chờ, còn lại là điểm dừng, thiếu điều kiện che mưa nắng, đảm bảo an toàn, khiến hành khách chưa mặn mà với xe buýt. Trong khi đó, nhiều loại hình dịch vụ khác như: Grab taxi, xe ôm… với giá cả phải chăng, đưa đón tận nơi, nhanh chóng hơn cũng đang khiến xe buýt gặp bất lợi lớn trong việc thu hút hành khách.

Ông Nguyễn Công Nhật cho rằng, đây là những khó khăn, bất cập cố hữu, tồn tại lâu nay chưa có giải pháp nào giải quyết triệt để. “Xe buýt ngoài nhiệm vụ phục vụ người dân đi lại còn là một giải pháp nhằm hạn chế phương tiện cá nhân, góp phần giảm UTGT và ô nhiễm môi trường. Nếu không có những điều kiện ưu tiên tốt hơn, xe buýt sẽ không phát huy được hết thế mạnh của mình” - ông Nhật khẳng định.