Xe công nông gây tai nạn trên đường đê Phù Đổng

Tin, ảnh: Ngọc Dũng
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - rnVào tối 19/7/2017, tại dốc đê trên đoạn đường Phù Đổng đi Phù Chẩn, tuyến đường tránh trạm thu phí BOT Hà Nội đi Bắc Giang, vốn vô cùng phức tạp vì số lượng xe quá đông, xe công nông do Bạc Cầm Thích (sinh năm 1988, tại Mường Lầm, Sông Mã, Sơn La) điều khiển, đang chở xi măng, không làm chủ được tốc độ, mất phanh, tuột dốc lao thẳng vào nhà anh Đào Công Dũng (sinh năm 1988, tại xóm Tự, xã Phù Đổng, huyện Gia Lâm, Hà Nội).

 Chiếc xe đâm vào nhà dân khiến tường sập, chủ nhà gẫy chân.

 Vụ việc khiến anh Dũng đang làm thợ mộc tại nhà bị thanh gỗ xuyên thủng bắp chân trái, nghi gãy chân, chuyển bệnh viện cấp cứu. Toàn bộ phần trước của nhà anh Dũng bị sập đổ. Vụ việc may mắn không gây thiệt hại về người khi trên xe công nông còn chở thêm 2 người bốc vác nhưng một lần nữa dóng lên hồi chuông cảnh tỉnh về hiểm họa từ công nông, xe ba bánh tự chế!

Cho đến nay đã được 10 năm thực hiện Nghị định số 32/2007/NQ-CP của Chính phủ về việc buộc phải ngừng hoạt động công nông, xe lôi máy, xe cơ giới ba bánh, xe thô sơ ba, bốn bánh không đủ điều kiện lưu hành, nhưng vẫn còn đó những nỗi lo về hiểm họa công nông. Xe công nông là loại phương tiện chuyên chở phổ biến nhất trên các tuyến đường vùng ven, ngoại thành. Sự tiện lợi, giá cả hợp lý của loại phương tiện này đã khiến nhiều người chọn làm phương tiện vận chuyển, còn các chủ xe thì thấy cái lợi mà quên cả quy định cấm của cơ quan chức năng và cũng chẳng cần quan tâm đến sự an toàn của người khác cũng như vấn đề bảo vệ môi trường. Ngoài chở đất, chở cỏ, chở phân bón, hiện nay các cửa hàng vật liệu xây dựng còn sử dụng chở gạch ngói, sắt thép, xi măng… Xét khía cạnh nào đó, xe công nông đã góp phần không nhỏ trong việc vận chuyển tại nông thôn, nhưng khi lưu thông, những chiếc xe này không an toàn. Đó là chưa kể, các bác tài, vốn là những nông dân, rất ít người có bằng lái xe, tham gia giao thông mà có khi không hiểu luật lệ, đi ẩu và liều lĩnh.