“Xe điên” - nỗi ám ảnh trên phố!

Trực Nguyên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Lâu nay, cánh đàn ông vẫn thường tếu táo với nhau “ra đường sợ nhất công nông/ về nhà sợ nhất vợ không nói gì”.

Thế nhưng 2 mối “sợ” này gần như không còn nguy hiểm vì công nông đã bị cấm lưu thông, còn vợ lặng im thì đã có… smart phone. Bây giờ, sợ nhất là “xe điên”.

Theo thống kê, từ đầu tháng 11 đến nay, trên địa bàn TP đã xảy ra ít nhất là 4 vụ “xe điên”. Trong số đó, kinh hoàng nhất là vụ người phụ nữ điều khiển xe Lexus mất lái lao vào người đi đường, làm bị thương 6 người trên phố Trích Sài hôm 18/12.

Thiệt hại về con người và tài sản từ những tai nạn đã xảy ra là vô cùng to lớn, lời cảnh báo cũng đã được đưa ra rất nhiều thông qua các phương tiện truyền thông, nhưng hiện tượng “xe điên” vẫn không thuyên giảm. Và cứ một vài tuần, truyền thông lại dậy sóng vì những vụ việc mang tính…kế tục này.

Theo cơ quan chức năng, trong đa phần các vụ tai nạn, tài xế đều có nồng độ cồn trong máu vượt mức cho phép. Vậy gọi “điên” là không công bằng bởi chiếc xe là vật vô tri, trong trường hợp này kẻ điên chính là người cầm lái.

Từ thập niên 90 của thế kỷ trước, việc có chiếc xe máy để mỗi lúc đi làm hay đi nhậu đã là đại gia trong mắt mọi người. Thời điểm ấy, anh bạn thân của tôi đã có ô tô, nhưng ngoài lúc có công việc anh mới sử dụng. Còn mỗi lúc bù khú với bạn bè, anh đều chọn xe ôm hoặc taxi. Đến nay, trong gara của anh có tới 3 chiếc xe sang và tài xế riêng nhưng mỗi khi cần bù khú với bạn bè, anh vẫn chọn taxi chứ không tự lái xe đi nhậu. Anh bảo, khi đã nhậu, tốt nhất cứ chọn phương tiện công cộng, vừa lành cho mình, vừa an toàn cho người khác. Cái xe không biết uống rượu, đừng bắt nó biến thành…“xe điên”!