Xe gắn máy đang là nguồn phát thải chất gây ô nhiễm lớn nhất

Thương Huế
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Đó là chia sẻ của Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung tại Hội nghị triển khai các Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ về phát triển kinh tế - xã hội năm 2019 do Bộ Tài nguyên & Môi trường (TN&MT) tổ chức ngày 8/1.

Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung phát biểu tại hội nghị
Theo Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung, năm 2018, Hà Nội đã xây dựng và thực hiện đồng bộ các giải pháp về điều hành kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) và bước đầu đạt được kết quả tích cực, đóng góp vào kết quả chung của cả nước. Tất cả 20 chỉ tiêu Hà Nội đều đạt và vượt kế hoạch. Thu ngân sách vượt dự toán và 9 chỉ tiêu KT-XH vượt kế hoạch. GRDP tăng 7,61% (cách tính cũ 8,73%).
Cùng với việc thực hiện “Năm nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị”, đồng thời, được sự hướng dẫn, giúp đỡ, phối hợp thường xuyên của Bộ TN&MT, hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trên lĩnh vực TN&MT trên địa bàn TP đã có nhiều chuyển biến và đạt được kết quả tích cực.
Đạt 99,6 cấp giấy chứng nhận lần đầu
Trong lĩnh vực đất đai, thực hiện Nghị định số 01 ngày 6/1/2017 của Chính phủ, UBND TP Hà Nội đã kịp thời ban hành 9 văn bản quy phạm pháp luật nhằm hoàn thiện cơ sở pháp lý trong công tác quản lý đất đai; trình và được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 và kế hoạch sử dụng đất 5 năm kỳ cuối.
Lãnh đạo TP cũng luôn xác định công tác cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất là nhiệm vụ quan trọng, là yêu cầu thiết thực của người dân, DN và yêu cầu của công tác quản lý. Vì thế, đã thực hiện nhiều biện pháp, quyết liệt trong chỉ đạo, điều hành, tháo gỡ vướng mắc trong quá trình thực hiện như: Ban hành chỉ thị và tham mưu Thành ủy ban hành chỉ thị về các nhiệm vụ và giải pháp đẩy nhanh tiến độ cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ cấp đổi, cấp lại GCN cho các hộ gia đình, cá nhân sau dồn điền đổi thửa; thành lập các tổ công tác liên ngành để tháo gỡ vướng mắc, khó khăn cho các quận, huyện, thị xã; xây dựng kế hoạch nâng cao chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước; chỉ số tiếp cận đất đai...
Toàn cảnh hội nghị
Hiện, Hà Nội đã thực hiện cấp giấy chứng nhận (GCN) và đăng ký kê khai đất đai lần đầu 1.545.686 thửa (đạt 99,6%); cấp GCN cho người mua nhà tại dự án phát triển nhà ở 182.405 căn (đạt 95,79%); cấp GCN cho hộ gia đình, cá nhân sau dồn điền đổi thửa đất nông nghiệp là 617.531 GCN (đạt 99,14%).
Chỉ số chất lượng không khí được công bố rộng rãi
Trong lĩnh vực môi trường, 3 năm 2016 - 2018, Hà Nội đã phê duyệt hơn 1.100 báo cáo đánh giá tác động môi trường, 520 Đề án bảo vệ môi trường, kế hoạch bảo vệ môi trường; đã điều tra, khảo sát tình hình bảo vệ môi trường tại 300 cơ sở hoạt động tại 8 khu công nghiệp, 500 cơ sở hoạt động tại 42 cụm công nghiệp; đã xử lý triệt để 25/25 cơ sở ô nhiễm môi trường nghiêm trọng; di dời 67 cơ sở nghiệp không phù hợp quy hoạch ra khỏi khu vực đô thị.
Đã tập trung xử lý ô nhiễm môi trường nước tại 129 hồ; công tác thu gom rác, vệ sinh môi trường theo hướng cơ giới hóa; tỷ lệ thu gom chất thải rắn sinh hoạt đạt 98% ở khu vực các quận nội thành và 87% ở khu vực ngoại thành. Tỷ lệ chất thải y tế nguy hại được thu gom và xử lý đạt 100%; đưa vào vận hành thí điểm công nghệ nghiền phế thải xây dựng;…
Hiện, Hà Nội đã đưa vào vận hành 10 trạm quan trắc không khí tự động; 1 xe quan trắc lưu động, 6 trạm quan trắc nước mặt; xây dựng trung tâm điều hành và quản lý dữ liệu tài nguyên môi trường và nhiều phương tiện, công nghệ, thiết bị quan trắc môi trường hiện đại khác; số liệu quan trắc môi trường không khí được cập nhật liên tục 24/24h, được công bố rộng rãi trên nhiều phương tiện thông tin khác nhau… góp phần giúp người dân nắm được chất lượng không khí theo từng khu vực và cùng chung tay bảo vệ môi trường.
Chủ tịch UBND TP cũng cho biết, theo tài liệu khảo sát, nghiên cứu thì trong tổng lượng phát thải gây ô nhiễm môi trường không khí đô thị, khí thải từ các phương tiện giao thông cơ giới đường bộ chiếm vị trí hàng đầu. Trong các loại phương tiện giao thông thì xe mô tô, xe gắn máy chiếm tỷ lệ lớn nhất đồng thời cũng là nguồn phát thải chất gây ô nhiễm lớn nhất.
Chủ tịch UBND TP Hà Nội bày tỏ mong muốn Chính phủ, Bộ TN&MT có những quyết sách với khí thải của phương tiện tham gia giao thông với chế tài phù hợp để ngăn chặn và giảm thiểu ô nhiễm môi trường.
5 nhiệm vụ trong tâm 2019
Về nhiệm vụ trọng tâm năm 2019, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung cũng cho biết, Hà Nội sẽ tập trung vào 5 nội dung cơ bản: Thứ nhất, tăng cường hiệu lực, hiệu quả trong quản lý nhà nước về đất đai; tiếp tục kiểm tra, rà soát, chấn chỉnh công tác quản lý, sử dụng đất, công tác triển khai thực hiện các dự án có sử dụng đất, đảm bảo việc giao đất, cho thuê đất góp phần phát triển KT-XH Thủ đô, đúng quy định của pháp luật.
Thứ 2, đẩy nhanh, hoàn thiện việc xây dựng hệ thống hồ sơ địa chính tổng thể và cơ sở dữ liệu đất đai trên toàn địa bàn TP để tích hợp cơ sở dữ liệu lớn của TP, trong đó, thực hiện quyết liệt để cơ bản hoàn thành 100% cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; giải quyết vướng mắc và nâng cao tỷ lệ cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các tổ chức, cơ sở tôn giáo; phấn đấu đến hết tháng 6/2019, hoàn thành việc giao đất dịch vụ cho các hộ gia đình, cá nhân.
Thứ 3, chủ động tổ chức thanh tra và phối hợp với Giấy chứng nhận Bộ TN&MT, Thanh tra Chính phủ thực hiện thanh tra chuyên đề, đột xuất các dự án, các đơn vị, địa phương để chấn chỉnh công tác quản lý đất đai, quản lý quy hoạch, kết hoạch sử dụng đất…
Thứ 4, xây dựng danh mục di dời cơ sở gây ô nhiễm, không phù hợp quy hoạch; Đề án thu gom, xử lý chất thải nguy hại TP Hà Nội đến năm 2020 và những năm tiếp theo; chủ động phối hợp với Bộ TN&MT và các tỉnh triển khai thực hiện đề án bảo vệ môi trường lưu vực sông Nhuệ - sông Đáy.
Thứ 5, rà soát, đánh giá, xây dựng cơ sở dữ liệu về khoáng sản (bao gồm cả nguồn nước), lập bản đồ khoáng sản toàn TP làm cơ sở để quản lý, khai thác, gắn với việc bảo vệ môi trường.