Xếp lương giáo viên ở bậc cao nhất: Không nên “đầu hàng” trước chính sách nhân văn

Tuệ Nhi
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đã rút đề xuất xếp lương giáo viên (GV) ở bậc cao nhất. Theo nhận định của nhiều chuyên gia, đại biểu quốc hội, không nên “đầu hàng” trước một chính sách nhân văn và mang tính đột phá.

Đáng tiếc!
Đáng tiếc nhưng không bất ngờ là nhận định của nhiều chuyên gia giáo dục khi đề xuất này bị bác bỏ. Nguyên nhân được Bộ Nội vụ và Bộ Tài chính đưa ra là ngân sách còn hạn hẹp và GV đã có nhiều ưu đãi.
 Giáo viên trường Tiểu học Tràng An, quận Hoàn Kiếm hướng dẫn học sinh học bài. Ảnh: Công Hùng 
GS.VS Đào Trọng Thi - nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa giáo dục Thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội cho rằng, việc rút đề xuất này “rất đáng tiếc”, tuy nhiên, khó khăn về ngân sách là điều thấy rõ. Ở một góc nhìn khác, GS Thi đặt vấn đề về trách nhiệm thực hiện Nghị quyết của Đảng của các cơ quan có thẩm quyền. Ông nhấn mạnh: “Việc quy định xếp lương GV cao nhất trong hệ thống bậc lương hành chính sự nghiệp đã được đề ra hơn 20 năm qua.
Tại Nghị quyết Hội nghị lần thứ hai Ban Chấp hành T.Ư Đảng khóa VIII (năm 1996) về định hướng chiến lược phát triển giáo dục đào tạo trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa khẳng định: “Lương GV được xếp cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp và có thêm chế độ phụ cấp, tùy theo tính chất công việc, theo vùng do Chính phủ quy định”.

Suốt 20 năm qua, các văn kiện của Đảng luôn kiên trì khẳng định nội dung đó. Tại Nghị quyết 29-NQ/TW một lần nữa đã nhắc lại nội dung này. “Nghị quyết của Đảng là đường lối, phương hướng và cần có thời gian để thực hiện, bởi vậy, có độ trễ. Nhưng tôi rất ngạc nhiên bởi cả một quan điểm khẳng định hơn 20 năm mà vẫn không chuẩn bị được thì các cơ quan có trách nhiệm thực hiện đường lối đó đã thực sự thấm nhuần quan điểm của Đảng?” - GS Thi bày tỏ.

Đồng quan điểm, TS Trịnh Ngọc Thạch - nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa giáo dục Thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội, thành viên Ban soạn thảo Dự án Luật Giáo dục sửa đổi cho rằng: Nếu không đưa 2 nội dung này vào luật thì sẽ khó khả thi. Tuy nhiên, nếu Đảng và Chính phủ thực sự quan tâm chăm lo cho giáo dục thì các văn bản dưới luật như nghị định, nghị quyết của Chính phủ cũng có thể thực hiện được những chính sách lớn, được coi như các chính sách mở đường, thí điểm để sau này luật hóa khi đủ điều kiện.

Chưa thể thực hiện

Trái ngược với ý kiến trên, ông Bùi Sỹ Lợi - Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội cho rằng, không thể đưa vào luật vì không có luật chuyên ngành nào quy định chi tiết việc trả lương thế nào, tổ chức ra sao. Vấn đề tiền lương ở ngành giáo dục cũng như y tế cần có sự thống nhất tổng thể trong chính sách tiền lương quốc gia.

ĐB Quốc hội Dương Trung Quốc bày tỏ, việc đãi ngộ tốt cho GV hết sức quan trọng bởi việc này tương xứng với vị thế của GV trong giáo dục đối với sự phát triển xã hội. Tuy nhiên, việc đưa vào luật là chưa hợp lý, bởi như ông Dương Trung Quốc lý giải: “Nếu chúng ta cứ dùng chữ “cao nhất” thì rất khó định lượng”.

Rất cần thể chế hóa nội dung “xếp lương GV cao nhất trong hệ thống bậc lương hành chính sự nghiệp” trong lần sửa đổi Luật Giáo dục này. Dù đất nước còn khó khăn, nhưng không có nghĩa là không có lối thoát.

Trước hết, Chính phủ, Quốc hội tiếp tục đổi mới phương thức phân bổ nguồn lực, đặc biệt là phải luôn đặt giáo dục là quốc sách hàng đầu, ưu tiên trong mọi chương trình, kế hoạch, thực hiện tiết kiệm toàn xã hội, tích cực chống tham nhũng, lãng phí, nhất là lãng phí trong đầu tư để có nguồn lực; tích cực xã hội hóa giáo dục; giảm biên chế, tinh gọn bộ máy, nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ các cấp, các ngành. 

ĐB Quốc hội Ngọ Duy Hiểu – Ủy viên Đoàn Chủ tịch, Trưởng ban Quan hệ lao động, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam
Trong quá trình nghiên cứu để đưa vào Luật Giáo dục chính sách ưu tiên về lương nhà giáo, chúng tôi đã có những tính toán nhất định. Tại thời điểm này vẫn có thể thực hiện được vì có thể thu xếp được ở trong khoản ngân sách 20% chi cho giáo dục mà không cần lấy sang ngân sách của lĩnh vực khác. Bởi khi thực hiện tốt xã hội hóa trong giáo dục đại học và giáo dục nghề nghiệp, có nghĩa là không sử dụng ngân sách nhà nước, hoặc sử dụng rất ít ngân sách nhà nước chi cho lương nhà giáo và các hoạt động chi khác trong khu vực này, thì phần ngân sách chi thường xuyên cho khu vực này sẽ tăng cường cho giáo dục phổ thông.

TS Trịnh Ngọc Thạch - nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa giáo dục Thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội