Xét xử đường dây đánh bạc nghìn tỷ: “Ông trùm” Nguyễn Văn Dương khai gì?

Đạt Lê - Đông Phong
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 19/11, HĐXX TAND tỉnh Phú Thọ tiếp tục xét xử sơ thẩm vụ án đánh bạc nghìn tỷ qua mạng. “Ông trùm” của đường dây Nguyễn Văn Dương (cựu Chủ tịch HĐTV Công ty TNHH đầu tư phát triển an ninh công nghệ cao (Công ty CNC) lần đầu tiên bị yêu cầu để HĐXX thẩm vấn. Bị cáo Dương bị truy tố về tội danh “Tổ chức đánh bạc” và “Rửa tiền”...

Bị cáo Nguyễn Văn Dương tại phiên tòa.
CNC “kết nối” với C50 mở game đánh bạc
Cáo trạng xác định, sau khi Nguyễn Văn Dương thành lập Công ty CNC, được Phan Văn Vĩnh (cựu Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát, Bộ Công an), Nguyễn Thanh Hóa (cựu Cục trưởng Cục Cảnh sát phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao - C50, Bộ Công an) tạo điều kiện thuận lợi để hoạt động. Đầu năm 2015, Dương đã nhất trí tiếp nhận đề nghị của Phan Sào Nam để đứng ra phát hành game bài, sau đó chỉ đạo Lưu Thị Hồng (cựu Tổng Giám đốc CNC) ký hợp đồng hợp tác với Phan Sào Nam tổ chức đánh bạc trực tuyến trên mạng Internet bằng hình thức game bài Rikvip/Tip.Club, 23Zdo, Zon/Pen.
Sau khi ký hợp đồng, Dương chỉ đạo các thành viên trong công ty thuê tên miền, đăng ký tin nhắn thương hiệu; xây dựng cổng thanh toán kết nối với Công ty HomeDirect, Công ty VNPT EPAY, Công ty Ngân Lượng và Công ty GTS thực hiện việc vận hành, đối soát sản lượng doanh thu từ hành hành vi tổ chức đánh bạc, thu lời bất chính hơn 1.600 tỷ đồng (trong đó, giai đoạn Rikvip là hơn 370 tỷ đồng, Giai đoạn Tip.Club là hơn 1.200 tỷ đồng)...
Tại phiên tòa, đứng trước bục khai báo, khi HĐXX hỏi, với cáo trạng truy tố về tội danh “Tổ chức đánh bạc” và “Rửa tiền” của Viện kiểm sát, bị cáo thấy đúng không? Dương khai, sau khi nhận được bản cáo trạng truy tố của VKSND tỉnh Phú Thọ, bị cáo tôn trọng bản cáo trạng đã truy tố mình về 2 tội danh. Chủ tọa nhiều lần nhấn mạnh đang hỏi bị cáo thấy cáo trạng truy tố mình có đúng hay không, Dương xác nhận là đúng.
Về mối quan hệ với Phan Sào Nam, bị cáo Dương khai có quen biết Phan Sào Nam từ năm 2015, qua mối quan hệ người khác giới thiệu. Tại phiên tòa cuối tuần trước, sau khi bị cách ly rồi được HĐXX tóm tắt nội dung, Dương nói tôn trọng lời khai của Phan Sào Nam, không bổ sung gì.
Về việc thành lập Công ty CNC và hợp tác với C50, bị cáo Dương cho biết: “Về quá trình thành lập công ty CNC, bị cáo đã trình bày trong các lời khai với CQĐT. Thời gian đầu tiên, khi ông Phạm Quý Ngọ làm Thứ trưởng Bộ Công an, bị cáo đang làm một DN về đầu tư. Qua một số lần trao đổi, ông Hóa (Nguyễn Thanh Hóa, cựu Cục trưởng C50) có nói rằng, hiện C50 phải có công ty bình phong để hoạt động nghiệp vụ. Có một lần bị cáo và ông Hóa lên báo cáo với ông Ngọ và bị cáo được giới thiệu phụ trách công ty.
Khi được HĐXX hỏi về mối quan hệ của bị cáo với nguyên Cục trưởng Nguyễn Thanh Hóa và nguyên Tổng Cục trưởng Phan Văn Vĩnh như thế nào, Nguyễn Văn Dương cho biết: “Qua người khác giới thiệu, bị cáo biết anh Hóa và sau đó biết anh Vĩnh”. Hỏi “Lý do giới thiệu để làm gì?”. Trả lời “Để bàn về việc thành lập công ty giúp C50 đấu tranh với tội phạm sử dụng công nghệ cao”.
Bị cáo Dương khai nhận, theo đề án ban đầu thành lập Công ty CNC, C50 góp 20% vốn, 80% vốn còn lại là của Dương. Sau đó, ông Hóa nói lại với Dương, các đơn vị của C50 không đủ điều kiện góp vốn. HĐXX hỏi “Khi ông Hóa nói rõ không đủ điều kiện góp vốn, vậy bị cáo hợp tác với C50 để làm gì?”. Dương trả lời “Vì bị cáo muốn giúp C50 đấu tranh có hiệu quả với tội phạm công nghệ cao. Và thực tế Công ty CNC đã giúp C50 nhiều hoạt động nghiệp vụ”.
Dương khai, trong khi hệ thống game Rikvip đang vận hành nhưng chưa được phép, bị cáo có nhờ ông Nguyễn Thanh Hóa giúp đỡ việc này. Sau đó, ông Phan Văn Vĩnh đã ký văn bản gửi Bộ Thông tin và Truyền thông xin cấp phép cho hoạt động game bài… Sau đó Dương mang công văn sang Bộ Thông tin và Truyền thong. Tuy nhiên, Bộ Thông tin và Truyền thông không cấp phép nhưng hệ thống game bài của Dương và Nam vẫn tiếp tục hoạt động.
Trả lời về HĐXX về hành vi của của mình khi không được cấp phép mà game bài vẫn hoạt động, Dương nói: “Bị cáo thấy đó là việc làm vi phạm pháp luật”.
Tiếp đó, chủ tọa phiên tòa truy vấn: “Ai là người phía Bộ Công an có chức năng giám sát CNC?", bị cáo Dương khẳng định là bị cáo Nguyễn Thanh Hóa. Trong thời gian hoạt động từ 2011 - 2015; hàng tháng, quý, năm CNC đều báo cáo với C50. Và C50 cũng thỉnh thoảng cử người xuống kiểm tra. Trụ sở của CNC thời gian đầu phải thuê bên ngoài, sau năm 2012 thuê trụ sở số 10 Hồ Giám, địa điểm thuộc quản lý của Tổng cục Cảnh sát. Đầu 2015, CNC mới chính thức là công ty nghiệp vụ của C50 theo quyết định của Tổng cục Cảnh sát.
“Ông trùm” nghẹn ngào nhận trách nhiệm
Cũng tại phiên tòa, luật sư Trần Hồng Phúc thẩm vấn bị cáo Nguyễn Văn Dương đã đặt câu hỏi về việc C50 có kế hoạch tuyển bị cáo Dương vào ngành công an? Xác nhận việc này, bị cáo Dương nói là đúng.
Theo Nguyễn Văn Dương, trong quá trình hợp tác với VTC Online, Dương thường xuyên báo cáo các cán bộ của C50 về tình trạng hoạt động các game khác trên thị trường. Tuy nhiên khi đó lãnh đạo C50 trả lời Dương rằng, chế tài xử lý còn bất cập. Vì thế, Dương thấy rằng cần xin cấp phép cho hoạt động game bài Rikvip và báo cáo C50 để báo cáo cấp trên.
Đối với trách nhiệm của bản thân, đứng trước HĐXX, bị cáo Nguyễn Văn Dương nghẹn ngào nói rằng: “Ban đầu nghĩ việc vận hành, phát triển game bài với quy mô nhỏ, không nghĩ rằng số lượng người chơi và doanh thu lớn đến như vậy.
“Ông trùm” Nguyễn Văn Dương nói rằng, nhiều người chơi game bài Rikvip bị thiệt hại, phải bán nhà cửa, vay vợ ngân hàng. Nguyễn Văn Dương đã tự nhận thấy hành vi của mình vô cùng nghiêm trọng.
“Bị cáo xin nhận toàn bộ trách nhiệm, nhận thay cho nhân viên của bị cáo. Bởi, họ chỉ làm theo chỉ đạo của bị cáo. Hành vi của bị cáo gây ra sự mất mát quá lớn lao. Bị cáo mong HĐXX bao dung, giảm nhẹ hình phạt cho nhân viên CNC và người chơi bạc”, Nguyễn Văn Dương trình bày.