Xét xử vụ án Vạn Thịnh Phát: Không có tài sản vẫn vay được 2.500 tỷ

Tân Tiến
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi – Ngày 12/3, TAND TP Hồ Chí Minh tiếp tục xét xử vụ án xảy ra tại Tập đoàn Vạn Thịnh Phát và Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) với phần xét hỏi.

Trả lời HĐXX về việc bị cáo bị cáo Dương Tấn Trước (SN 1983, nguyên Tổng Giám đốc Công ty Tường Việt) đứng tên vay 3.500 tỷ đồng. Bị cáo Trương Mỹ Lan (SN 1956, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Vạn Thịnh Phát) khai rằng bị cáo Trước không vay, khoản nợ 3.500 tỷ đồng do bị cáo Lan nhờ Trước đứng tên vay giúp.

Các bị cáo trong vụ án Tập đoàn Vạn Thịnh Phát và SCB tại phiên tòa. Ảnh: Trung tâm báo chí TP Hồ Chí Minh.
Các bị cáo trong vụ án Tập đoàn Vạn Thịnh Phát và SCB tại phiên tòa. Ảnh: Trung tâm báo chí TP Hồ Chí Minh.

Trong vụ án này, bị cáo Dương Tấn Trước bị xét xử tội “Tham ô tài sản” với hành vi đồng phạm giúp sức Trương Mỹ Lan chiếm đoạt số tiền 4.752.935.046.662 đồng.

Từ cuối năm 2020, Trước quen Trương Mỹ Lan. Khoảng tháng 4/2021, Lan và Trương Khánh Hoàng (nguyên quyền Tổng Giám đốc SCB) trao đổi và đồng ý với Trước về việc Lan chuyển nhượng dự án bất động sản Thanh Yến cho Trước và Công ty Tường Việt với giá 2.500 tỷ đồng, nhưng Trước không phải thanh toán tiền, chỉ cần lập hồ sơ vay vốn tại SCB, số tiền nhận nợ sẽ là 3.500 tỷ đồng, trong đó 2.500 tỷ đồng là tiền nhận chuyển nhượng dự án bất động sản Thanh Yến; 1.000 tỷ đồng để Lan sử dụng và có trách nhiệm thanh toán cho SCB.

Trước chỉ đạo nhân viên Công ty Tường Việt liên hệ với Hoàng cùng một số cán bộ nhân viên SCB lập Công ty CP Thuận Tiến và Công ty Khánh Minh để đứng tên hồ sơ vay vốn. Ngày 19/5/2021, SCB ký hợp đồng cho Công ty CP Thuận Tiến và Công ty Khánh Minh vay số tiền lần lượt là 1.700 và 1.800 tỷ đồng. Mục đích vay bổ sung vốn nhận chuyển nhượng phần vốn góp trong Công ty TNHH Đầu tư Xây dựng và Thương mại Sông Hàn (công ty nắm 100% cổ phần Công ty Cổ phần Đầu tư Hermes Power - chủ sở hữu dự án bất động sản Thanh Yến).

Sau khi giải ngân, tiền được chuyển vòng vào tài khoản của nhiều cá nhân, nhóm công ty thuộc hệ sinh thái Vạn Thịnh Phát để sử dụng vào nhiều mục đích khác nhau của Trương Mỹ Lan. Tài sản bảo đảm cho 2 khoản vay trên là quyền sử dụng đất diện tích 7.092m2 thuộc dự án bất động sản Thanh Yến tại phường Bình An (TP Thủ Đức, TP Hồ Chí Minh). Đến ngày 17/10/2022, hai khoản vay của Công ty CP Thuận Tiến và Khánh Minh còn dư nợ gốc 3.500 tỷ đồng, nợ lãi hơn 589 tỷ đồng.

Ngoài ra, do Trước giúp Lan thực hiện những việc liên quan đến xin cấp giấy phép xây dựng hạ tầng giai đoạn 1 dự án Mũi Đèn Đỏ (quận 7), thay đổi về hệ số xây dựng (tăng) của dự án này; giấy phép xây dựng dự án Sài Gòn Bình An (SDI), nên Trương Mỹ Lan chỉ đạo Trần Thị Mỹ Dung (nguyên Phó Tổng Giám đốc SCB) lập hồ sơ cho Công ty Tường Việt vay 1.500 tỷ đồng, thực chất là rút tiền SCB để Lan cho Trước số tiền trên.

Mặc dù thời điểm này Công ty Tường Việt không có nhu cầu vay tiền, không có tài sản để đảm bảo cho khoản vay, nhưng Cao Việt Dũng (Chủ tịch HĐQT Công ty Tường Việt) vẫn đồng ý với Trước làm hạn mức vay vốn tại SCB; ký thỏa thuận cấp hạn mức tín dụng đề ngày 10/6/2021 với hạn mức 1.000 tỷ đồng, thỏa thuận này sau đó được Dũng ký lại với hạn mức 1.500 tỷ đồng. Sau đó, Trước chỉ đạo nhân viên lập hồ sơ vay vốn khống với phương án kinh doanh là các hợp đồng mua bán khống giữa các công ty thuộc nhóm Tường Việt, và được SCB giải ngân 18 lần, tổng số tiền 1.498 tỷ đồng.

Trong số tiền giải ngân khoản vay của Công ty Tường Việt, Lan chỉ đạo Dung giữ lại 240 tỷ đồng để sử dụng. Sau đó, Lan tiếp tục chỉ đạo Dung lập hồ sơ vay vốn khống để rút tiền chuyển cho Trước bù vào 240 tỷ đồng Lan đã sử dụng, và Trước chỉ đạo nhân viên phối hợp với nhân viên SCB dùng Công ty Việt Đức (nhóm Công ty Tường Việt) đứng tên vay, lập các đồng mua bán khống giữa các công ty trong nhóm Tường Việt để hợp thức phương án vay.

Ngày 18/8/2022, SCB chi Nhánh Chợ Lớn cho Công ty Việt Đức vay 248,5 tỷ đồng. Dù hồ sơ vay chưa có, nhưng do có chỉ đạo từ Trần Thị Mỹ Dung, số tiền này vẫn được giải ngân.

Thông qua hai khoản vay của Công ty Tường Việt và Công ty Việt Đức, các bị cáo đã rút của SCB hơn 1.746 tỷ đồng. Trong đó, Trương Mỹ Lan sử dụng 240 tỷ đồng, Dương Tấn Trước sử dụng 1.368,5 tỷ đồng, Công ty Tường Việt dùng cho hoạt động kinh doanh 138 tỷ đồng.

15 khoản vay đứng tên Công ty Thuận Tiến, Khánh Minh, Tường Việt, Việt Đức đến ngày 17/10/2022, có tổng dư nợ 5.695.508.319.728 đồng (gồm nợ gốc và lãi). Đối với 18 khoản vay trong hạn mức 1.500 tỷ đồng của Công ty Tường Việt, SCB đã giải ngân 1.498 tỷ đồng, tại thời điểm 17/10/2022 dư nợ gốc là 1.342 tỷ đồng, dư nợ lãi là 8.538.319.727. Trong đó, tổng giá trị tài sản đảm bảo hiện tại của các khoản vay theo kết quả định giá của Công ty Thẩm định giá Hoàng Quân và đánh giá đủ pháp lý của SCB chỉ hơn 184 tỷ đồng.

Ngoài ra, Trước còn nhận của Trương Mỹ Lan hơn 2.697 tỷ đồng, trong số này Trước đã đưa lại Lan 492,5 tỷ đồng (thông qua Trương Huệ Vân là cháu ruột của Lan). Đến nay còn hơn 2.204 tỷ đồng, Trước xin tự nguyện trả lại toàn bộ để Lan giải quyết hậu quả vụ án. Sau khi vụ án khởi tố vào ngày 17/10/2022, Trước và Công ty Tường Việt đã trả lại SCB hơn 813 tỷ đồng đối với 2 khoản vay của Công ty Tường Việt và Công ty Việt Đức.