Xử lý dự án thua lỗ, trách nhiệm của Vinachem

Nguyên Dương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Với dự án thua lỗ, hiện một đơn vị đã có lãi 83 tỷ đồng sau 6 tháng, 2 đơn vị giảm lỗ so với năm ngoái, giúp lợi nhuận Tập đoàn Hóa chất (Vinachem) tăng lên.

Tuy nhiên, tư lệnh ngành Công Thương khẳng định: Vinachem cần phải rà soát lại, cơ cấu một cách quyết liệt hơn để xử lý tại các dự án yếu kém thời gian qua. Đó là nhiệm vụ của Vinachem.
Nỗ lực gỡ khó
Trong báo cáo mới nhất về tình hình và kết quả xử lý tồn tại, yếu kém của các dự án, DN chậm tiến độ, kém hiệu quả thuộc ngành Công Thương, Tập đoàn Hóa chất (Vinachem) có 4 dự án, trong đó, với 3 dự án nhà máy sản xuất phân bón (gồm Dự án nhà máy sản xuất đạm Ninh Bình, Dự án nhà máy sản xuất đạm Hà Bắc và Dự án nhà máy sản xuất phân bón DAP số 2 - Lào Cai) đều chưa hoàn thành quyết toán hoàn thành dự án, vẫn đang tiến hành các bước triển khai thực hiện.
 
Tuy nhiên, theo Chủ tịch HĐTV Vinachem Nguyễn Phú Cường, với dự án thua lỗ, hiện một đơn vị đã có lãi 83 tỷ đồng sau 6 tháng; 2 đơn vị giảm lỗ so với năm ngoái, giúp lợi nhuận Tập đoàn tăng lên.“Kết quả có được nhờ các DN đã chủ động xây dựng định mức tiêu hao nguyên vật liệu, năng lượng và giảm lao động dôi dư” – vị này nói. Đồng thời cho rằng, những đơn vị cắt lỗ này, có 50% tiền cắt giảm được là do giảm chi tiêu, thực hành tiết kiệm, 50% là do tác động giá bán tăng lên.
"Phải làm sao để các dự án có lãi, cắt lỗ rồi thì phải phát triển bền vững chứ không chỉ là giải pháp nhờ vào thuế tự vệ, hay biện pháp hành chính của. Cần làm sớm những vấn đề đó để trong tháng 7, Bộ Công Thương làm việc với Ngân hàng nhà nước đánh giá và thống nhất triển khai thực hiện, khắc phục yếu kém các dự án tồn đọng này." - Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh
Ông Nguyễn Phú Cường cho biết thêm, thời gian qua, thuế VAT với sản phẩm thạch cao; gian lận thương mại, kê khai giá nhập khẩu săm lốp; hàng giả, hàng nhái ắc quy; thủ tục giấy phép khai thác quặng, giấy phép sử dụng phân bón… khiến cho tập đoàn gặp nhiều khó khăn trong hoạt động. Riêng với các dự án thua lỗ của Vinachem, Bộ Công Thương trong thời gian qua đã có nhiều sự hỗ trợ để gỡ khó. Nhưng lãi vay của các đơn vị hiện rất lớn, chiếm hơn 30% giá thành sản phẩm. Như Đạm Hà Bắc, riêng chi phí tài chính, lãi các loại của năm 2018 là hơn 850 tỷ…
Cần tự lực cánh sinh
Liên quan đến vấn đề của Vinachem, tại buổi họp sơ kết 6 tháng mới đây của ngành công thương, Bộ Trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh yêu cầu, Vinachem cần phải rà soát lại, cơ cấu một cách quyết liệt hơn để xử lý những khó khăn trong hoạt động của tập đoàn và tại các dự án yếu kém thời gian qua.
 Dự án thua lỗ
Để gỡ khó, khắc phục các dự án yếu kém, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nhấn mạnh, bản thân tập đoàn phải tập trung quyết liệt hơn nữa trong công tác tổ chức cán bộ. Đây là vấn đề rất cơ bản, trách nhiệm người đứng đầu cùng tập thể lãnh đạo để khắc phục khó khăn. “Không có cục, vụ, bộ nào có thể làm giúp được việc này cả, dứt khoát đó là nhiệm vụ của DN. Còn về cơ chế, chính sách thì Bộ sẽ lắng nghe và hỗ trợ” – Tư lệnh ngành nói.
Đồng thời khẳng định, ngành hóa chất với 4 dự án gặp khó khăn, cùng với đó là nhiều sản phẩm đang khó khăn trong cạnh tranh trên thị trường như săm lốp, ắc quy, thạch cao… đang là đơn vị cần hơn hết việc sắp xếp lại các DN yếu kém và cả DN thế mạnh để tập trung giải quyết được những tồn đọng cũ. Bộ trưởng Bộ Công Thương cho rằng, riêng với dự án tháo gỡ thua lỗ, vẫn còn tồn đọng hàng loạt vấn đề. Vấn đề nào nằm trong thẩm quyền của tập đoàn, của bộ thì cần chủ động xử lý và báo cáo. Nhưng vấn đề lớn hơn thì cần tổng hợp sớm để báo cáo và làm việc với các bên liên quan. “Vinachem phải đánh giá thật kỹ, chính xác xem dự án yếu kém, thua lỗ. Nếu tái cơ cấu lại nợ, cắt bỏ nợ và xóa nợ, giãn nợ, khoanh nợ có hiệu quả, nếu không phía ngân hàng sẽ khó hỗ trợ do quy định” – Bộ trưởng chỉ ra. Ngoài ra, Vinachem cũng phải đảm bảo, các phương án xử lý là thực sự có hiệu quả, tính tới thoái vốn Nhà nước, không thể tính chuyện “ốm thập tử nhất sinh mà đổ tiền của vào để trở thành khỏe mạnh”.
Hiện 3 dự án sản xuất phân bón đã được các ngân hàng thương mại điều chỉnh lãi suất vay theo hướng giảm biên độ lãi suất để giảm bớt chi phí tài chính trong giai đoạn khó khăn, tiếp tục duy trì hạn mức vốn lưu động đảm bảo đủ vốn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN.