Xử lý nghiêm cán bộ công chức tiếp tay cho buôn lậu

Lê Nam - Khắc Kiên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Để ngăn chặn tình trạng buôn lậu, sản xuất hàng giả đòi hỏi các cấp, các ngành cần tích cực vào cuộc, đó là ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình - Trưởng ban Chỉ đạo Quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (BCĐ 389 Quốc gia) tại Hội nghị Sơ kết công tác 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2017 trong sáng 20/7.

Lấy kinh tế để xử lý vi phạm kinh tế

Thông tin từ BCĐ 389 Quốc gia cho thấy hoạt động buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới diễn ra phức tạp, hàng hóa vi phạm đa dạng, tập trung nhiều vào các nhóm mặt hàng tiêu dùng thiết yếu, hàng có thuế suất cao. Tại các cảng hàng không, mặt hàng vi phạm tập trung chủ yếu là hàng cấm, hàng hóa có giá trị kinh tế lớn như: Ma túy, ngoại tệ, rượu ngoại, mỹ phẩm... Với thị trường nội địa, tình trạng buôn bán, tiêu thụ hàng lậu, hàng cấm, hàng giả chủ yếu là nhóm hàng thiết yếu, nhu cầu tiêu thụ cao.

 Toàn cảnh hội nghị.

Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Lê Hồng Sơn cho biết: Từ đầu năm đến nay lực lượng chức năng TP Hà Nội qua kiểm tra đã phát hiện trên 19.000 vụ buôn lậu, sản xuất hàng giả, gian lận thương mại, khởi tố hình sự 42 vụ đối với 48 bị can. Mặc dù lực lượng chức năng đã tích cực vào cuộc nhưng quá trình xử lý gặp nhiều khó khăn do luật pháp còn nhiều kẽ hở đã tạo điều kiện cho nhiều đối tượng lách luật để làm hàng giả, buôn lậu, sẵn sàng vi phạm để trục lợi. “Tại Khoản 3 Điều 1 Nghị định số 124/2015/NĐ-CP sửa đổi bổ sung một số điều Nghị định số 185/2013/NĐ-CP quy định khái niệm hàng giả: Hàng hoá có ít nhất một trong những chỉ tiêu chất lượng hoặc đặc tính kỹ thuật cơ bản tạo nên giá trị, công dụng của hàng hoá chỉ đạt mức 70% trở xuống… “Tuy nhiên, hiện chưa có văn bản quy phạm pháp luật giải thích rõ nội dung này để làm cơ sở cho cơ quan chức năng xác định hàng giả”- Phó chủ tịch UBND TP Hà Nội Lê Hồng Sơn nêu ví dụ.

"Thời gian qua, lực lượng Hải quan đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp chống buôn lậu, gian lận thương mại qua đó phát hiện dân buôn lậu lợi dụng loại hình trung chuyển, quá cảnh hàng hóa để thực hiện các hành vi vi phạm; Bắt giữ các vụ hàng cấm liên quan đến động, thực vật hoang dã như sừng tê giác, hàng hóa có thuế tiêu thụ đặc biệt như xì gà; hàng hóa vi phạm về sở hữu trí tuệ..." - Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Nguyễn Văn Cẩn

Tại hội nghị các đại biểu có chung ý kiến đề nghị trong thời gian tới nghiên cứu thêm giải pháp để công tác chống buôn lậu có hiệu quả. Đơn cử như giải pháp, lấy kinh tế đánh kinh tế, tăng tiền thưởng lên 50% giá trị hàng hóa bắt được và có cơ chế khen thưởng kịp thời cho lực lượng chức năng; Không nên tiêu huỷ những hàng buôn lậu có chất lượng để lấy tiền đó phục vụ công tác chống buôn lậu. Để khắc phục tình trạng thiếu nhân lực chống buôn lậu của các tỉnh biên giới, Nhà nước nên cho phép các địa phương biên giới sử dụng lực lượng dân quân tự vệ tham gia chống buôn lậu.

Vẫn còn tình trạng nể nang

Để khắc phục những tồn tại trong công tác kiểm tra, kiểm soát và xử lý hành vi buôn lậu sản xuất, buôn bán, hàng giả... phần lớn ý kiến cho rằng: Trong thời gian tới cần nâng cao hiệu quả công tác điều tra trinh sát về các hoạt động buôn lậu, sản xuất buôn bán hàng giả. Phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng và chính quyền địa phương trong công tác kiểm tra, kiểm soát, ngăn chặn vi phạm về sản xuất, buôn bán hàng giả nhằm tạo điều kiện thuận lợi trong thực thi nhiệm vụ, đặc biệt khi gặp những vụ việc lớn, phức tạp có liên quan đến nhiều cấp, ngành, địa phương.

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình yêu cầu các bộ, ngành, địa phương phải tìm giải pháp căn cơ để đấu tranh có hiệu quả, tiến tới đẩy lùi tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả. Nhất là phải đánh đúng, đánh trúng các đối tượng đầu sỏ, đầu nậu. Phó Thủ tướng giao Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo 389 quốc sớm đưa ra các tiêu chí đánh giá cụ thể để xếp hạng hiệu quả thực hiện nhiệm vụ chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả của các bộ, ngành, địa phương; Nghiên cứu tổ chức thực hiện thí điểm việc bán đấu giá thuốc lá tang vật, còn đảm bảo chất lượng trong các vụ việc vi phạm...

Thời gian tới, các bộ, ngành cần tiếp tục thực hiện tốt Nghị quyết 41/NQ - CP; đồng thời tăng cường công tác quản lý phân bón, vật tư nông nghiệp; chú trọng đấu tranh có hiệu quả với nạn buôn lậu xăng dầu... Đồng thời cần phải chú trọng phát triển kinh tế, sản xuất trong nước, nhất là các địa phương biên giới; chăm lo và nâng cao đời sống kinh tế người dân... để góp phần ngăn chặn buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả. Phó Thủ tướng cũng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương xử lý nghiêm cán bộ công chức có hành vi vi phạm bao che tiếp tay cho buôn lậu, sản xuất hàng giả, quán triệt quan điểm không có “vùng cấm” trong đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.

Theo thống kê sơ bộ, 6 tháng đầu năm 2017, các lực lượng chức năng đã phát hiện, xử lý 88.654 vụ vi phạm, bằng 93,7% so với cùng kỳ năm 2016, thu nộp ngân sách Nhà nước từ tiền xử phạt vi phạm hành chính, bán hàng tịch thu, truy thu thuế đạt hơn 7,9 nghìn tỷ đồng, tăng 40,4% so với cùng kỳ; khởi tố 1.189 vụ/1.372 đối tượng.