[Xử lý nhà siêu mỏng, siêu méo: Giải pháp nào triệt để?] Bài 3: Hệ lụy từ giá trị đất mặt tiền

Vũ Lê - Doãn Thành
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng khó xử lý triệt để những ngôi nhà mỏng, méo sau khi mở đường.

Nhưng một thực tế, giá trị kinh tế của những mét đất mặt đường mang lại quá lớn, khiến người dân cố tình vi phạm, còn Nhà nước lại không đủ nguồn lực để thu hồi, bố trí những công trình công cộng, công trình hạ tầng đô thị.
Thiệt - hơn sau mở đường

Bà Lê Thị Thảo, một người dân tại ngõ 9, phố Minh Khai cho biết, nếu trước thời điểm tuyến đường khởi công, giá đất mặt đường Minh Khai từ 180 - 200 triệu đồng/m2, trong ngõ khoảng 150 triệu đồng/m2 thì hiện tại, giá trị mỗi mét vuông đất mặt đường tại đây lên tới 300 - 320 triệu đồng.
 Nhà siêu mỏng, siêu méo trên đường Võ Chí Công, Hà Nội. Ảnh Phạm Hùng
Theo bà Thảo, giá đất thị trường rất cao và liên tục gia tăng, song những hộ dân trong diện giải phóng mặt bằng lại được bồi thường chi phí chỉ ở mức: Loại 1 là 91,8 triệu đồng/m2, loại 2 hơn 50 triệu đồng/m2, loại 3 hơn 40 triệu đồng/m2. “Bấp cập là các hộ nhà mặt đường chịu thiệt rất lớn khi phải di dời và nhận đền bù chỉ bằng 1/3 giá trị thực tế, trong khi các nhà trong ngõ không phải giải tỏa bỗng nhiên được ra mặt đường, hưởng lợi cả về lợi thế kinh doanh lẫn giá nhà đất”- bà Thảo chia sẻ.

Tương tự, ông Nguyễn Văn Sáu, ngõ 128C Đại La (phường Đồng Tâm, quận Hai Hà Trưng) cho hay, khi tuyến đường Đại La được mở rộng, giá trị đất mặt đường lên tới 250 triệu đồng/m2, trong khi giá đền bù của Nhà nước là 91 triệu đồng/m2.
“Một căn nhà 5 tầng có diện tích khoảng 40m2 mới được xây dựng xong, nằm ở mặt tiền đang được chào thuê kinh doanh với giá trên 100 triệu đồng/tháng. Đây là lý do hầu hết các hộ dân có đất nhỏ, hẹp đều muốn giữ lại, tìm mọi cách xây dựng công trình để làm cửa hàng kinh doanh hoặc cho thuê, chứ ít người muốn hợp thửa hoặc bán cho nhà phía trong và cũng không muốn bán lại cho Nhà nước làm các công trình công cộng” - ông Nguyễn Văn Sáu chia sẻ.

Có thể dễ dàng nhận thấy, diện tích những ngôi nhà mặt tiền các tuyến đường, phố đã mang lại giá trị kinh tế cho người sở hữu rất lớn. Do đó, việc thỏa thuận để hợp thửa, hợp khối giữa các chủ sở hữa hầu như rất khó thực hiện nếu không phải là anh em, họ hàng thân thiết.
Ông Trần Văn Đ, ngõ 3 Trường Chinh (phường Phương Liệt, quận Thanh Xuân) cho hay, diện tích ngôi nhà của ông rộng 30m2 nằm sâu trong ngõ, khi mở rộng đường Trường Chinh, Nhà nước giải phóng mặt bằng lấy 21m2, đền bù với giá 32 triệu đồng/m2, diện tích còn lại gia đình hợp thửa với nhà em trai bên cạnh để xây dựng, giờ nằm giữa ngã tư Trường Chinh - Phố Vọng, giá thị trường đã lên tới 500 triệu đồng/m2. Do thấy đất ra mặt đường có giá cao nên hộ gia đình hàng xóm sát nhà ông Đ dù chỉ còn 3,8m2 nhưng vẫn không chịu hợp thửa.

“Mắc cạn” vì giá đất mặt đường

Trưởng phòng Quản lý đô thị quận Cầu Giấy Vũ Trung Kiên chia sẻ, tại quận Cầu Giấy hiện có 4 tuyến đường với 24 trường hợp đất không đủ điều kiện về mặt bằng để xây dựng đúng theo quy định hiện hành.
Để tập trung xử lý dứt điểm những trường hợp này, quận đã thường xuyên chỉ đạo các phường tuyên truyền, vận động hộ dân hợp thửa, hợp khối với các thửa đất liền kề. Việc tuyên truyền, vận động được thực hiện kiên trì, bề bỉ, có hộ gia đình cán bộ phải mất hàng năm đến nhà để giải thích nhưng kết quả đạt được cũng không nhiều. Lý do không phải hộ nào cũng có điều kiện để mua lại, bởi giá đất mặt đường tăng cao, nhiều trường hợp không có nhu cầu mua hợp thửa do công trình đã ổn định...

Theo KTS Trần Huy Hoàng - Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam, căn cứ theo Quyết định số 04/2008/QĐ-BXD của Bộ Xây dựng, nếu phần diện tích đất còn lại nhỏ hơn 15m2, chiều rộng mặt tiền hoặc chiều sâu so với chỉ giới xây dựng nhỏ hơn 3m thì không được phép xây dựng; TP Hà Nội cũng ban hành Quyết định số 15/2011/QĐ-UBND quy định về việc xử lý các trường hợp không đủ điều kiện mặt bằng xây dựng, những thửa đất này được đưa vào ranh giới thu hồi đất trình cấp có thẩm quyền thu hồi cùng với thu hồi đất thực hiện dự án giao thông.
“Tuy nhiên, khi thực hiện đơn vị triển khai không tính đến phương án thu hồi phần này hoặc do giá đất tại khu vực mở đường được định giá cao không bố trí được nguồn ngân sách bồi thường nên những thửa đất không đủ diện tích xây dựng vẫn tiếp tục tồn tại. Về phía người dân, do giá trị thương mại lớn đã tìm cách móc nối, lách luật để xây dựng nhà” - KTS Trần Huy Hoàng nhìn nhận.

Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch và phát triển đô thị Việt Nam Đào Ngọc Nghiêm cho biết, vấn đề chênh lệch giá đất trước và sau giải phóng mặt bằng đã được TP Hà Nội tính đến từ lâu nhưng với điều kiện thực tế chưa thể thực hiện được.
Đơn cử, đối với đường Vành đai 1, đoạn Ô Đống Mác - Nguyễn Khoái thời điểm năm 2010, TP đã có chủ trương mở rộng đường chỉ giới đỏ mỗi bên thêm 50m để bán đấu giá phần đất mặt đường tạo thêm nguồn ngân sách phục vụ công tác giải phóng mặt bằng. Tuy nhiên, những nhà trong diện giải phóng mặt bằng kịch liệt phản đối nên chủ trương này phải dừng lại.
Dự án thi công đường Vành đai 2 trên cao đoạn Ngã Tư Sở - cầu Vĩnh Tuy và mở rộng mặt đường bên dưới đoạn Ngã Tư Vọng - Vĩnh Tuy (dài 5,1km) với tổng mức đầu tư 9.500 tỷ đồng. Tuy nhiên, theo UBND quận Hai Bà Trưng, tổng số tiền chi trả bồi thường, hỗ trợ, tái định cư cho đoạn tuyến cầu Vĩnh Tuy – Ngã Tư Vọng đã lên đến 4.968,911 tỷ đồng.

(còn nữa)