Xử lý nợ xấu dọn đường giảm lãi suất

Trâm Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 12/6, các đại biểu (ĐB) Quốc hội thảo luận ở hội trường về quyết toán ngân sách Nhà nước (NSNN) năm 2015 và dự thảo Nghị quyết về xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng (TCTD) lần 2.

Các ĐB cho rằng, hiện nay cả đầu tư tư nhân lẫn đầu tư công đều đang bị nợ xấu và nợ công cản trở. Bởi vậy, trong thời gian tới, tích cực xử lý nợ xấu để giảm lãi suất, khơi thông dòng tín dụng vẫn là giải pháp căn cơ hơn so với tăng khai thác dầu thô, khoáng sản.

Mỗi năm phải xử lý gần 130.000 tỷ đồng nợ xấu

Tại buổi thảo luận lần 2 về Nghị quyết về xử lý nợ xấu và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các TCTD, nhiều ĐB cho rằng, với một nền kinh tế mà tăng trưởng vẫn còn chủ yếu dựa vào vốn như Việt Nam, vẫn phải tăng đầu tư vào khu vực công nghiệp chế biến, chế tạo, xây dựng… Nhưng hiện nay cả đầu tư tư nhân lẫn đầu tư công đều đang bị nợ xấu và nợ công cản trở. Bởi vậy, trong thời gian tới tích cực xử lý nợ xấu để giảm lãi suất, khơi thông dòng tín dụng vẫn là giải pháp căn cơ hơn so với tăng khai thác dầu, khai thác tài nguyên…

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng giải trình tại phiên thảo luận của Quốc hội.  Ảnh: TTXVN

Theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước, phân loại thì hiện nay, trong số tổng nợ xấu nội bảng và nợ xấu bán cho Công ty Quản lý tài sản của các TCTD Việt Nam (VAMC) thì nợ các DN ngoài quốc doanh chiếm khoảng gần 64%; nợ của các DN Nhà nước (DNNN) chiếm khoảng 6,3%; nợ của hộ kinh doanh và cá nhân chiếm khoảng trên 21%; nợ của các DN có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) chiếm 1,8% tổng dư nợ.

Thống đốc Lê Minh Hưng cho biết, với dư nợ cho vay bình quân hàng năm là 16%, dự kiến nợ xấu phát sinh thêm cho năm 5 năm tới là khoảng trên 300.000 tỷ đồng. Để duy trì kiểm soát 3% trong năm 5 tới phải xử lý 640.000 tỷ đồng, và như vậy bình quân mỗi năm phải xử lý gần 130.000 tỷ đồng.

“Nếu Quốc hội sớm thông qua Nghị quyết sẽ tạo điều kiện xử lý triệt để nợ xấu. Từ đó, TCTD giảm được chi phí hoạt động để có điều kiện tiếp tục giảm lãi suất cho vay, tăng khả năng tiếp cận vốn ngân hàng cho DN và của nền kinh tế, qua đó đảm bảo an toàn cho hệ thống tín dụng” - Thống đốc bày tỏ.

Trước ý kiến lo ngại của các ĐB về việc cần quy định chặt chẽ để việc thu giữ tài sản bảo đảm không ảnh hưởng đến quy định của Hiến pháp về quyền công dân, quyền nhà ở của công dân; kéo dài thời gian thông báo về việc thu giữ, thu giữ tài sản bảo đảm..., Thống đốc Lê Minh Hưng cho hay, trong trường hợp có tranh chấp, theo quy định thì chỉ thực hiện đối với tài sản bảo đảm không có tranh chấp, không đang bị kê biên trong vụ án hình sự. Việc xác định phạm vi tranh chấp được thực hiện theo quy định của pháp luật về dân sự, tố tụng dân sự. Đồng thời, quy định phù hợp hơn về thẩm quyền của UBND cấp xã, cơ quan công an, kéo dài thời gian thông báo để người có tài sản bị thu giữ có thêm thời gian sắp xếp việc chuyển giao tài sản bảo đảm và sắp xếp chỗ ở cho những người liên quan nếu thu giữ tài sản bảo đảm là nhà ở.

Thu từ dầu thấp hơn cả phần nợ đọng thuế

Trong khi đó, khi thảo luận về quyết toán ngân sách Nhà nước (NSNN) năm 2015, ĐB Nguyễn Quang Hàm (đoàn Phú Thọ) cho rằng, để tăng thu ngân sách, các biện pháp từng được áp dụng như khai thác thêm tài nguyên từ dầu thô, các khoản từ đất, thoái vốn Nhà nước, thu nợ đọng thuế... Năm 2015, khai thác thêm so với kế hoạch 2,2 triệu tấn dầu thô; thu từ sử dụng đất tăng thêm 76% (29.000 tỷ đồng). Năm 2016, khai thác thêm 1,38 triệu tấn dầu, thu từ sử dụng đất tăng thêm 97,5% (48.000 tỷ đồng). Như vậy, dù muốn hay không, một phần lớn nguồn thu cho ngân sách vẫn đặt gánh nặng lên “mũi nhọn” xuất khẩu dầu thô. “Đây là vấn đề Chính phủ phải cân nhắc kỹ. Đất đai, dầu thô là của để dành, có giới hạn, cần khai thác hợp lý” - ĐB nêu.

ĐB Mai Sỹ Diễn (đoàn Thanh Hóa) phân tích, báo cáo của Bộ Tài chính cho thấy, thu ngân sách năm 2015 từ dầu thô đạt 67,5 nghìn tỷ đồng, chiếm tỷ trọng khoảng 6% tổng thu NSNN và con số thu được còn thấp hơn cả phần nợ đọng thuế (quyết toán cho thấy các khoản nợ thuế chậm nộp thuế đến 31/12/2015 là 79.276 tỷ đồng). Nói thêm về nợ đọng thuế, ĐB Mai Sỹ Diễn nhận xét, nợ đọng thuế do ngành thuế quản lý còn chiếm tới hơn 10%. Tình trạng hạch toán và kê khai thiếu doanh thu, xác định sai chi phí, từ đó tính thiếu thuế vẫn còn diễn ra khá phổ biến.

Phân tích các chỉ tiêu liên quan đến khả năng trả nợ và nợ công những năm gần đây, các ĐB chỉ ra, giai đoạn 2011 - 2015, tốc độ tăng nợ công nhanh hơn tốc độ tăng GDP khoảng 3 lần, tỷ lệ nghĩa vụ trả nợ trên tổng thu NSNN tăng nhanh, có thời điểm đã vượt trần 25%, năm 2013 là 21,7%, nhưng đến năm 2014 - 2015 tăng lên lần lượt là 28,2%, 29,2%. Cuối năm 2014, Quốc hội quyết định bội chi ngân sách 5% GDP; tới 1/11/2015, sau khi cân đối, Quốc hội quyết bội chi 5,3%, tới khi quyết toán lên 6,21%. Vay đảo nợ tăng nhanh, nếu năm 2013 là 47.000 tỷ đồng thì năm 2015 đã tăng lên 125.000 tỷ đồng. Chi trả nợ và viện trợ: Đầu năm 2015, Quốc hội biểu quyết đầu tư 150.000 tỷ đồng để trả nợ, nhưng cuối cùng tăng tới 167.000 tỷ đồng… “Nếu điều hành ngân sách như thế này trong năm 2017 và những năm sắp tới thì vấn đề vượt trần nợ công rất dễ xảy ra. Năm 2017 và các năm sau, dư địa điều hành nợ công chỉ còn 1,3%/GDP, nên chỉ cần lơi lỏng kiểm soát bội chi hoặc GDP không đạt thì nợ công sẽ vượt trần” - ĐB Phùng Đức Tiến (đoàn Hà Nam) lo ngại.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng thừa nhận, đúng là có tình trạng trốn thuế, khai man thuế như vừa qua, và Bộ Tài chính đã và đang đổi mới phương thức quản lý chặt chẽ gắn với hiện đại hóa. Đến nay, riêng về DN kê khai, nộp thuế điện tử lên tới 99%, phối hợp với 42 ngân hàng thương mại tập trung thu thuế. “Tới đây sẽ còn cải cách nữa” - Bộ trưởng cho biết. Năm 2015, Bộ Tài chính đã thanh tra, kiểm tra 79.297 DN, với số kiến nghị xử lý thu vào NSNN là 12.351 tỷ đồng, giảm khấu trừ 1.239 tỷ đồng, giảm lỗ qua thanh tra, kiểm tra 23.044 tỷ đồng. Có cả DN FDI rất lớn, tổng số đến 36.600 tỷ đồng phải xử lý tài chính. “Năm 2016 còn lớn hơn, và năm 2017 vẫn đang tiếp tục, phấn đấu bình quân một năm sẽ kiểm tra về thuế, thanh tra về thuế khoảng 20% số lượng DN. Trong đó có cả thanh tra về chuyển giá, điều rất mừng và rất khó mà vừa qua chúng tôi đã xây dựng, đã kiến nghị, đã trình với Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Nghị định chống chuyển giá” - Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho biết.

Trong dự thảo lần 2 về Nghị quyết xử lý nợ xấu đã bổ sung 2 phương án về xử lý nợ xấu, phương án 1 là tất cả nợ xấu cũ và mới phát sinh, và phương án 2 là nợ xấu trước 31/12/2016. Theo phương án 2, các ĐB cho rằng, nếu nợ xấu chốt đến 31/1/2016 chỉ giải quyết được 300.000 tỷ đồng, 50% của con số nợ xấu thì không đạt được mục tiêu. Còn theo phương án 1, theo các ĐB, phạm vi điều chỉnh như thế quá rộng. Không nên vô tình để Nghị quyết ban hành trở thành “lá bùa chống lưng” cho những sai phạm trong hoạt động tín dụng. Liên quan đến 2 phương án về phạm vi xử lý nợ xấu còn đang bất đồng ý kiến, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho biết, sẽ gửi phiếu đến các ĐB để ĐB quyết định.


Hàng năm, Quốc hội đều khống chế 2 chỉ tiêu là mức bội chi và tỷ lệ bội chi. Các Nghị quyết về tài chính ngân sách 5 năm, 10 năm của T.Ư Đảng, Bộ Chính trị và của Quốc hội chỉ yêu cầu một chỉ tiêu quản lý là bội chi nợ công theo tỷ lệ %/GDP, nên trong điều hành, Chính phủ cũng phải hướng tới mục tiêu này, quản lý cả mức và tỷ lệ bội chi, nợ công. Các năm sau, khi phấn đấu GDP ở mức cao thì điều hành ngân sách cần phải có dự phòng. Dự phòng ở đây là dự phòng rủi ro tài khóa chứ không phải dự phòng để xử lý các nhiệm vụ cấp bách, phát sinh theo Luật NSNN. Đại biểu Nguyễn Quang Hàm (đoàn Phú Thọ)


Để hỗ trợ nguồn thu, đối với DNNN đồng thời với việc tái cấu trúc cần cân đối việc thu để đảm bảo cho các tập đoàn, tổng công ty vừa cân đối được phần nộp cho NSNN vừa đảm bảo phát triển một cách bền vững; Đối với DN FDI cần có sự kiểm soát quản lý nguồn thu một cách chặt chẽ hơn, bởi trong những năm qua, vấn nạn chuyển giá, trốn thuế đã xảy ra tương đối nhiều. Đối với DN khu vực ngoài quốc doanh, đề nghị cần tạo điều kiện thuận lợi để đổi mới công nghệ, tăng sức cạnh tranh và phát triển bền vững. Đại biểu Phùng Đức Tiến (đoàn Hà Nam)