Xử lý tài sản tham nhũng: Tăng kênh giám sát của người dân

Đinh Nguyễn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Đề xuất đánh thuế nặng với những cá nhân có tài sản, thu nhập giải trình không hợp lý được đánh giá là động thái để hạn chế tham nhũng.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia kinh tế, đã là tài sản bất hợp pháp thì phải bị xử lý và không thể được công nhận dưới bất cứ hình thức nào. Câu chuyện không nằm ở việc đánh thuế cao hay thấp mà nằm ở việc giám sát nguồn gốc tài sản một cách chặt chẽ.
Không công nhận dưới bất kỳ hình thức nào

Tại phiên họp của Ủy ban Tư pháp của Quốc hội mới đây, Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái đã trình bày Dự án Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi), trong đó có điểm đáng chú ý là quy định về việc xử lý tài sản, thu nhập không được giải trình một cách hợp lý. Theo dự thảo, qua xác minh, nếu kết luận tài sản, thu nhập thực tế của cán bộ, công chức, viên chức lớn hơn tài sản, thu thập đã kê khai hoặc việc giải trình về tài sản, thu nhập tăng thêm không hợp lý thì cơ quan thuế sẽ xem xét thực hiện việc truy thu thuế thu nhập cá nhân với thuế suất 45%.
 Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.
Dù mới chỉ là đề xuất, tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, không nước nào đưa ra ý tưởng như thế. “Nếu như tài sản đó là bất hợp pháp thì phải xử lý, không thể công nhận dưới bất kỳ hình thức nào. Do đó, khi chúng ta đánh thuế đã vô hình chung thừa nhận tài sản bất hợp pháp thành hợp pháp. Với loại tài sản này, không những tịch thu xung công mà còn phải bị truy tố”- Luật sư Trương Thanh Đức - Chủ tịch HĐTV Công ty Luật BASICO nhấn mạnh. Theo Luật sư Đức, khi một người dân không chứng minh được tài sản là hợp pháp thì đó là bất hợp pháp và điều này không riêng với cán bộ, công chức.

Tương tự, PGS.TS Lê Xuân Trường - Học viện Tài chính cho rằng, một cá nhân không giải trình được nguồn gốc tài sản thì phải xem nguồn tin đó từ đâu. Có 2 khả năng, một là người đó trốn, không kê khai, hai là tham nhũng, hối lộ. “Nếu khả năng do tham nhũng thì không thể xử lý bằng biện pháp thuế mà cơ quan chức năng phải chứng minh, xử lý hình sự, tịch thu theo quy định pháp luật về phòng chống tham nhũng. Với trường hợp trốn thuế, tùy tính chất nguồn tiền, tài sản mà xem xét truy thu thuế. Ngoài ra, người đó có thể còn phải chịu tiền phạt từ 1 - 3 lần số thuế trốn. Tổng số tiền này theo ông có thể đã lớn hơn mức 45%”- ông Trường cho hay.

Kẽ hở thanh toán tiền mặt

Như vậy, có thể thấy, đề xuất đánh nặng thuế tài sản bất minh không những không hạn chế được tham nhũng mà còn là hình thức khoác áo “hợp pháp hóa” cho những tài sản bất hợp pháp. Giới chuyên gia cho rằng, vấn đề không nằm ở việc đánh vào túi tiền mà nằm ở câu chuyện cần minh bạch hóa việc kê khai tài sản và nguồn gốc tài sản đó để đông đảo Nhân dân có thể giám sát.

Ông Vũ Tiến Dũng- Chủ tịch Hội đồng quản trị Đại lý thuế Tâm Việt không cho rằng việc đánh thuế 45% là “to hay bé” mà theo ông, vấn đề cần tập trung là nguồn gốc hình thành tài sản. Lý do, theo ông, đây là câu chuyện chưa được xem xét trong thời gian qua.

Đồng tình với quan điểm này, Luật sư Trương Thanh Đức cho rằng, việc kê khai là cần thiết nhưng quan trọng hơn nữa là công bố công khai và xử lý ra sao cần có một Luật quy định rõ. “Nếu chỉ yêu cầu kê khai mà không có chế tài xử lý công khai thì hiệu quả rõ ràng là không được như mong muốn”- ông Đức nhấn mạnh. Theo ông Đức, muốn quản lý được nguồn gốc tài sản, giải pháp quan trọng là cần đẩy nhanh thanh toán không dùng tiền mặt. Việc nhiều tài sản trị giá hàng chục tỷ đồng vẫn có thể thanh toán bằng tiền mặt như hiện nay là một kẽ hở trong việc kiểm tra và giám sát nguồn gốc tài sản. Ông này đề xuất, việc cần thay đổi đầu tiên theo ông là phải thực sự công khai, khách quan trong đó đơn giản là lập một trang web để mọi người kê khai thông tin. Chỉ cần người dân giám sát theo dõi thì cũng sẽ hạn chế phần lớn gian lận.