Xử lý trường hợp khai báo gian dối để trốn cách ly

KINHTEDOTHI.VN
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trước tình hình dịch bệnh Covid-19 lan rộng trên thế giới và nước ta, tất cả khách nhập cảnh vào Việt Nam đều yêu cầu bắt buộc phải khai báo, đồng thời thực hiện cách ly y tế đối với các trường hợp đến từ vùng dịch. Tuy nhiên, không tránh khỏi có những trường hợp khai báo gian dối để trốn tránh cách ly. Các trường hợp này sẽ bị xử lý thế nào? Nguyễn Văn Bình, quận Đống Đa, Hà Nội.

Trả lời: 
Trước tình hình dịch bệnh Covid-19 đang trở thành đại dịch ở nhiều nước trên thế giới, quy định khách nhập cảnh vào Việt Nam bắt buộc phải khai báo y tế là phù hợp hoàn cảnh khách quan của quốc gia, thế giới và với cá nhân mỗi người. Người nhập cảnh vào Việt Nam cần khai báo y tế trung thực, thể hiện trách nhiệm với chính bản thân mình, với gia đình và đây là nghĩa vụ bắt buộc với xã hội để phòng, chống dịch bệnh. Các trường hợp đi qua vùng dịch không khai báo hoặc khai báo y tế gian dối để trốn tránh cách ly có thể gây ra hậu quả khôn lường trong công tác phòng, chống dịch bệnh.
Đối với trường hợp khai báo y tế gian dối để trốn tránh cách ly y tế, tùy theo tính chất, mức độ và hậu quả của hành vi mà người vi phạm có thể bị xử phạt hành chính hay xử lý hình sự. Tại Điều 10 Nghị định 176/2013/NĐ-CP quy định, người nào từ chối hoặc trốn tránh việc áp dụng quyết định cách ly y tế, cưỡng chế cách ly y tế của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền đối với người mắc bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A, sẽ bị phạt tiền 5 - 10 triệu đồng.
Cụ thể, Nhà nước phạt tiền từ 5-10 triệu đồng đối với một trong các hành vi sau đây: Không tổ chức thực hiện việc cách ly y tế đối với người mắc bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A; Từ chối hoặc trốn tránh việc áp dụng quyết định cách ly y tế, cưỡng chế cách ly y tế của cơ quan nhà nước có thẩm quyền đối với người mắc bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A, đối tượng kiểm dịch y tế biên giới mắc bệnh hoặc mang tác nhân gây bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A. Biện pháp khắc phục hậu quả: Nhà nước buộc đối tượng vi phạm thực hiện việc cách ly y tế, cưỡng chế cách ly y tế đối với hành vi khai báo y tế gian dối.
Bên cạnh đó, cần lưu ý nếu người có hành vi trốn khỏi nơi cách ly mà mang mầm bệnh, lây nhiễm cho người khác còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 240 Bộ luật Hình sự về tội làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người. Nếu bị truy tố, tùy theo mức độ gây thiệt hại mà đối tượng phạm tội có thể bị phạt tù lên đến 12 năm và có thể bị phạt tiền 20 - 100 triệu đồng.
Theo quan điểm của chúng tôi, việc chế tài xử phạt với các trường hợp khai báo y tế gian dối để trốn cách ly khi nhập cảnh vào Việt Nam, mức độ xử phạt hành chính, phạt tiền như vậy còn quá nhẹ, so với hậu quả của dịch bệnh Covid-19 gây ra như hiện nay.
Luật sư Bùi Quang Thu - Đoàn luật sư TP Hà Nội