Xử lý vi phạm trật tự đô thị: Cơ hội để thay đổi thói quen

Vân Nhi
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thời gian qua, ảnh hưởng của dịch Covid – 19, lượng người đến mua sắm tại các chợ “cóc”, chợ tạm trên địa bàn TP đã giảm đáng kể. Nhờ đó, tình trạng lấn chiếm lòng đường vỉa hè làm nơi kinh doanh đã có nhiều chuyển biến tích cực. Theo nhiều chuyên gia, đây là cơ hội để chính quyền cấp cơ sở tạo ra những bước ngoặt trong ý thức của mỗi người dân.

Các lực lượng chức năng phường Nghĩa Đô xử lý vi phạm trật tự đô thị tại chợ Nghĩa Đô.
Giảm nhiệt các điểm nóng
Theo ghi nhận của phóng viên Kinh tế & Đô thị, sau thời điểm Hà Nội xuất hiện những ca dương tính đầu tiên với Covid – 19, tại một số khu vực chợ “cóc” như Vĩnh Hồ (Đống Đa), Nam Trung Yên, ngõ 89 Lạc Long Quân (Cầu Giấy), Thanh Xuân Bắc (Thanh Xuân), chợ hoa Hoàng Hoa Thám… tình trạng lấn chiếm lòng đường vỉa hè làm nơi kinh doanh đã giảm đáng kể. Ngoài việc các lực lượng chức năng đã và đang tiếp tục duy trì hiệu quả công tác quản lý trật tự đô thị, kết quả trên có một phần tác động lớn từ dịch Covid -19.
Bà Nguyễn Thu Hằng, khu tập thể Vĩnh Hồ, phường Thịnh Quang cho biết, trước đây, tại khu vực này, chợ “cóc” họp từ sáng đến tối, nhìn đâu cũng thấy người, song, từ khi Hà Nội có ca dương tính đầu tiên với Covid – 19, người dân đã hạn chế tụ tập, đến những nơi đông người. “Bây giờ, người dân đi chợ thường sẽ phải chuẩn bị danh sách đồ cần mua ngay từ nhà, đến chợ là mua nhanh rồi về. Nhiều người thay đổi thói quen không như trước là cứ chỗ nào đông người lại rẽ vào ngó nghiêng dù không có nhu cầu mua những mặt hàng đó” – bà Hằng chia sẻ.
Trao đổi với phóng viên, một tiểu thương kinh doanh tại chợ cây, hoa trên đường Hoàng Hoa Thám chia sẻ, từ ngày có dịch, lượng người đến mua, bán tại khu vực này đã giảm đáng kể. Cũng theo tiểu thương này, nếu như trước đây, các hộ kinh doanh tận dụng từng centimet mặt đường để bày hàng hóa, thu hút người mua thì nay mọi chuyện đã khác, hàng hóa được bày biện gọn gàng lại.
Tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm
Lãnh đạo nhiều phường trên địa bàn TP cho biết, những ngày qua, công tác quản lý trật tự đô thị đã bớt áp lực vì sức mua tại các chợ "cóc", chợ tạm giảm đáng kể. Tuy nhiên, không vì thế mà các địa phương lơ là công tác quản lý trật tự đô thị, bởi theo lý giải của lãnh đạo UBND phường Thịnh Quang (Đống Đa), mặc dù người mua không còn kéo dài thời gian đi chợ nhưng đây vẫn là khu vực tập trung đông người. Do đó, ngoài việc duy trì trật tự đô thị, các lực lượng chức năng sẽ còn có trách nhiệm tuyên truyền, hướng dẫn người dân các biện pháp phòng chống dịch để bảo đảm an toàn sức khỏe cho mình và xã hội.
Đồng quan điểm, Chủ tịch UBND phường Nghĩa Đô Chử Mạnh Hùng cho biết, nhằm xây dựng đô thị “xanh – sạch – đẹp – văn minh”, hưởng ứng kỷ niệm 90 năm Ngày thành lập Đảng bộ TP Hà Nội (17/3/1930 – 17/3/2020) từ đầu năm đến nay, UBND phường đã chỉ đạo Công an phường phối hợp với các bộ phận chuyên môn tăng cường xử lý vi phạm trật tự đô thị, vệ sinh môi trường kết hợp tuyên truyền các biện pháp phòng chống dịch Covid - 19 trên địa bàn, đặc biệt tại khu vực chợ tạm, chợ “cóc”, nơi tập trung đông người. Nhờ đó, bộ mặt đô thị, công tác phòng chống dịch đã đem lại những hiệu quả nhất định.
Đại diện lãnh đạo nhiều phường cho biết, trong thời gian tới, lực lượng chức năng sẽ tăng cường kiểm tra, xử lý các trường hợp vi phạm trật tự đô thị, vệ sinh môi trường… nhằm hạn chế nguy cơ lây lan dịch Covid -19. Qua đó, tạo ra sự thay đổi bền vững trong nhận thức, ý thức của người dân trong việc quản lý, sử dụng lòng đường, vỉa hè; dần từ bỏ thói quen “tiện đâu mua đó” đã ăn sâu vào tiềm thức của người dân trong nhiều năm qua.