Xuân về trên “cánh đồng mẫu lớn” ở Vĩnh Lợi - Bạc Liêu

Hoàng Nam
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi – Bằng việc liên kết các HTX, Vĩnh Lợi đang phát huy thế mạnh của cánh đồng mẫu lớn mà không cần“ mở rộng hạn điền.” Thành công của mô hình đã làm hàng ngàn hộ nông dân ngày càng ấm no ngay trên vùng đất thuần nông bao đời gắn liền với cây lúa.

"Cánh đồng mẫu lớn " ở Vĩnh Lợi Bạc Liêu đang vào vụ thu hoạch lúa hè thu (Hoàng Nam)
"Cánh đồng mẫu lớn " ở Vĩnh Lợi Bạc Liêu đang vào vụ thu hoạch lúa hè thu (Hoàng Nam)

Với việc liên kết các hợp tác xã (HTX) ở Vĩnh Lợi (Bạc Liêu) đã tạo ra một vùng liên kết sản xuất lúa diện tích rộng lớn hàng nghìn ha, tạo ra những sản phẩm chất lượng tốt nhất cho thị trường. Đặc biệt, tiết kiệm tối đa chi phí, chống biến đổi khí hậu, tạo thu nhập cao nhất cho người nông dân.

Trồng lúa kiểu “nông nhàn”

Nghề nông “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời”, nhưng thu hoạch bấp bênh theo thời tiết. Nhiều nơi ở Vĩnh Lợi nay đã khác, HTX đã làm thay nông dân hầu hết các khâu sản xuất để tạo ra hạt lúa. Chú Phạm Văn Mịn, 63 tuổi, nhà ở ấp Trung Hưng 3, xã Vĩnh Hưng A, huyện Vĩnh Lợi, cho biết: “Nhà có 4ha trồng lúa, từ khi vào HTX Đồng Tâm Vĩnh Hưng A năm 2018 đến nay, việc làm ruộng của gia đình rất nhàn. Bởi từ khâu nguồn giống, gieo sạ, chăm sóc, thu hoạch cho đến bán cho nhà máy chế biến đều có HTX lo hết.”

Chú Phạm Văn Mịn, 63 tuổi, nhà ở ấp Trung Hưng 3, xã Vĩnh Hưng A, huyện Vĩnh Lợi  nhàn hạ với 4ha lúa nhờ tham gia HTX, các con chú đều đi làm xa.
Chú Phạm Văn Mịn, 63 tuổi, nhà ở ấp Trung Hưng 3, xã Vĩnh Hưng A, huyện Vĩnh Lợi  nhàn hạ với 4ha lúa nhờ tham gia HTX, các con chú đều đi làm xa.

“Làm lúa bây giờ nhàn, từ khâu sạ giống bón phân HTX đều thuê máy bay làm hết. Thậm chí, hạn hán thiếu nước hay ngập úng khỏi lo đầu tư máy móc vì đã có máy bơm lớn hai chiều cho cả vùng. Năm nay, cho dù giá lúa đang giảm nhưng lợi nhuận đủ cho gia đình ăn tết lớn” – chỉ tay vào đám lúa đông xuân của gia đình đang tươi tốt, chú Mịn nói.

4ha của gia đình, sau khi trừ hết các chi phí còn lãi hơn 30 triệu đồng, một năm 3 vụ, chú cầm chắc trăm triệu, chưa kể các khoản lợi ích khác từ HTX. Tính ra lợi nhuận cao hơn 30 - 40% so với thu nhập hơn khi còn canh tác nhỏ lẻ, chưa kể phải tốn nhân công. Theo chú Mịn, hàng trăm xã viên của HTX Đồng Tâm - Vĩnh Hưng A nhiều năm nay cuộc sống được nâng cao rõ rệt nhờ thu nhập ổn định. 

  Mô hình thích ứng chống biến đổi khí hậu

Là vùng đất cuối nguồn sông Mekong nhưng gần biển, Vĩnh Lợi thường xuyên đối diện tình trạng ngập úng mùa mưa, thiếu nước ngọt lại bị xâm mặn mùa khô. Đặc biệt, thực trạng biến đổi khí hậu đang ngày càng tác động mạnh đến ngành nông nghiệp của ĐBSCL, Bạc Liêu nói chung và của Vĩnh Lợi nói riêng. Những năm gần đây mô hình HTX, liên kết HTX đã tạo ra một vùng sản xuất lúa rộng lớn cùng thống nhất phương án sản xuất, nên kịp thời xử lý các vấn đề liên quan đến biến đổi khí hậu, sâu rầy dịch bệnh.

Ông Hồ Văn Hải Trưởng phòng Nông nghiệp Vĩnh Lợi (thứ hai từ trái sang) đang trao đổi với phóng viên báo Kinh tế và Đô thị về chuỗi liên kết các HTX tạo ra "cánh đồng mẫu lớn." (ảnh Trần Thanh Phong)
Ông Hồ Văn Hải Trưởng phòng Nông nghiệp Vĩnh Lợi (thứ hai từ trái sang) đang trao đổi với phóng viên báo Kinh tế và Đô thị về chuỗi liên kết các HTX tạo ra "cánh đồng mẫu lớn." (ảnh Trần Thanh Phong)

Trao đổi với phóng viên, anh Hồ Văn Hải, Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Vĩnh Lợi cho biết: “Từ khi liên kết các HTX, tạo được vùng lúa rộng lớn đã mạnh dạn đầu tư hệ thống bơm – xả phục vụ sản xuất. Khi nước ngập, hàng ngàn ha lúa nhanh chóng được xả lũ, hoặc bơm nước đủ vào mùa khô rất nhanh. Khi có dịch sâu rầy hại lúa, HTX sẽ lên kế hoạch thuê máy bay không người lái phun thuốc trên diện rộng, nhanh chóng dập tắt dịch. ”

Anh Lê Văn Sơn, Chủ tịch HĐQT HTX Dịch vụ Nông nghiệp Hiệp Thành Vĩnh Hưng A cho biết: “HTX có 33 xã viên chuyên làm lúa 3 vụ trên diện tích hơn 85ha, năng suất bình quân nhiều nay năm đạt 6,5-7 tấn/ha, ít bị ảnh hưởng của biến đổi khí hậu hay sâu rầy dịch bệnh. Do quản lý chung nhiều diện tích xã viên cùng liên kết, HTX nhanh chóng xử lý bơm nước, tháo úng, phun thuốc kịp thời trên diện rộng một cách nhanh chóng.”

Tối đa lợi ích nhà nông

Sản xuất HTX và liên kết các HTX ngoài tạo nên hiệu quả chống biến đổi khí hậu, mô hình liên kết này con tạo được lợi ích kinh tế cao cho các xã viên. Anh Trịnh Văn Ngang, Chủ tịch HĐQT  HTX Đồng Tâm - Vĩnh Hưng A cho biết: “HTX có 152 xã viên canh tác trên diện tích 210 ha, chuyên sản xuất lúa chất lượng cao Đài Thơm, OM18, ST24. Mỗi năm thu hoạch hơn 4.000 tấn lúa, sau khi trừ chi phí các xã viên lãi ròng 2 tỷ đồng tiền lúa. Nhưng vui hơn, các thành viên của HTX còn được chia thêm tiền hoa hồng từ sử dụng phân bón, thuốc trừ sâu, thuê công cắt… cuối năm sau Đại hội cổ đông, mỗi xã viên được chia tiền lợi nhuận của HTX, trong khi góp vốn thành lập chỉ đóng từ 500.000 – 1.000.000 đ/người.”

Ông Trịnh Văn Ngang Chủ tịch HĐQT HTX  Đồng Tâm - Vĩnh Hưng A (bìa cùng bên trái) đang kiểm tra cánh đồng lúa vụ đông xuân của HTX. (Hoàng Nam)
Ông Trịnh Văn Ngang Chủ tịch HĐQT HTX  Đồng Tâm - Vĩnh Hưng A (bìa cùng bên trái) đang kiểm tra cánh đồng lúa vụ đông xuân của HTX. (Hoàng Nam)

Anh Lê Văn Sơn hào hứng cho phóng viên xem bảng chia lợi nhuận của HTX Dịch vụ Nông nghiệp Hiệp Thành - Vĩnh Hưng A, theo đó, mỗi xã viên năm 2023 có người lĩnh gần 2 triệu, cũng có người vài triệu. “Tuy không nhiều, nhưng mọi người đều thấy có trách nhiệm với việc ký kết liên kết.  Tôi đang yêu cầu HTX liên kết năm tới nên cung cấp toàn bộ 100% (hiện chỉ mới 40%) các sản phẩm phục vụ nông nghiệp cho các xã viên, vì có vậy xã viên mới càng có thêm thu nhập ” – anh Sơn nói.

Thành công nhờ chữ "tín"

Ông Hồ Văn Hải, Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Vĩnh Lợi cho biết, năm 2021, Vĩnh Lợi có hơn 30 HTX chuyên về dịch vụ, sản xuất nông nghiệp nhưng hiệu quả không cao. Nguyên nhân chính là từ khâu vào, đầu ra của sản phẩm lúa phải qua quá nhiều trung gian đại lý, sinh ra nhiều chi phí chênh lệch mà nông dân là người chịu thiệt chính. 

Dưới sự chỉ đạo quyết liệt của UBND huyện, Phòng Nông nghiệp đã “xốc lại đội hình các HTX”, mạnh dạn chấn chỉnh tìm nguồn liên kết ổn định lâu dài với các HTX, để bà con nông  dân yên tâm tham gia HTX, nâng cao thu nhập. Theo đó, huyện đã thuyết phục được một số doanh nghiệp hợp tác liên kết lâu dài với nông dân.

Anh Vũ Linh Giám đốc HTX Nam Hưng - Vĩnh Hưng (bìa trái) đang cùng đối tác liên kết kiểm tra chất lượng vụ lúa thu đông. Hiện Nam Hưng đang bao tiêu đầu vào đầu ra cho hàng chục HTX ở Vĩnh Lợi. (ảnh Hoàng Nam)
Anh Vũ Linh Giám đốc HTX Nam Hưng - Vĩnh Hưng (bìa trái) đang cùng đối tác liên kết kiểm tra chất lượng vụ lúa thu đông. Hiện Nam Hưng đang bao tiêu đầu vào đầu ra cho hàng chục HTX ở Vĩnh Lợi. (ảnh Hoàng Nam)

Anh Vũ Linh, 36 tuổi, Giám đốc HTX Nam Hưng - Vĩnh Hưng cho biết, HTX của anh đã ký liên kết nhiều năm nay với hơn 10 HTX của Vĩnh Lợi. Theo đó đã bao tiêu tất cả từ đầu vào đầu vào gồm giống lúa chất lượng cao, phân bón, thuốc trừ sâu… thu mua tất cả lúa của bà con theo giá bằng hoặc cao hơn thị trường dù giá lúa biến động. Sau khi cuối vụ thu hoạch lúa, mới đối trừ công nợ các chi phí đầu vào của bà con. Chính vì bà con được mua thiếu các sản phẩm chất lượng cao, giá ổn định tận gốc, cuối vụ mới thanh toán, lại bán được lúa với giá cao cho nhà máy mà không qua trung gian nào, nên có lòng tin và HTX.

Từ thành công của mô hình HTX,  nhiều năm trước Vĩnh Lợi đã đầu tư trạm bơm -xả nước bảo đảm chống úng ngập hay thiếu nước  đảm bảo ổn định sản xuất cho hàng trăm ha lúa. (Hoàng Nam)

Từ thành công trên, Vĩnh Lợi đang tập trung nâng cao chất lượng các HTX trên toàn huyện, qua đó sẽ mở rộng thêm diện tích và chuỗi liên kết bền vững. “Hiện Vĩnh Lợi đã liên kết được hơn 1.000 ha lúa của 10 HTX, đến 2025, khi liên kết được thêm 10 – 15  HTX, sẽ tạo vùng sản xuất liên kết có  diện tích lên 2.000 ha. Khi đó, huyện sẽ thành lập Liên hiệp các HTX nhằm tạo ra vùng nguyên liệu sản xuất lúa chất lượng cao bền vững. Điều này tạo an tâm cho các doanh nghiệp xuất khẩu chế biến, nhưng cũng sẽ ổn định cho sản xuất bền vững, tối đa thu nhập cho hàng ngàn hộ nông dân” –  anh Hồ Văn Hải nhấn mạnh.