Xuất khẩu ấm lên, làm sao đón bắt cơ hội?

Hà Lâm
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trong khi hầu hết các nhóm hàng đều suy giảm kim ngạch đáng kể do các thị trường lớn giảm đặt hàng từ các nhà cung ứng Việt Nam thì 4 nhóm hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam vẫn có mức tăng trưởng dương.

Các tháng cuối năm, xuất khẩu vẫn có nhiều điểm sáng. Làm sao để phát huy những điểm sáng này là câu hỏi được các DN, chuyên gia quan tâm.

Theo thống kê, trong 10 tháng, có 33 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm 92,9% tổng kim ngạch xuất khẩu (có 7 mặt hàng xuất khẩu trên 10 tỷ USD, chiếm 66,2%).

Trong đó, 4 nhóm hàng xuất khẩu chủ lực, đóng góp đến vài chục tỷ USD cho xuất khẩu, gồm máy tính, sản phẩm điện tử - linh kiện, phương tiện vận tải và phụ tùng, nhóm nông sản với các mặt hàng rau quả, cà phê, gạo… Các nhóm hàng này đang tăng trưởng ấn tượng và không lo thiếu đơn hàng cho những tháng còn lại của năm 2023.

Tính chung những tháng gần đây, hoạt động xuất khẩu cũng liên tục được cải thiện. Kim ngạch xuất khẩu tháng 10/2023 đạt 32,25 tỷ USD, tăng 5,1% so với tháng 9. Những tín hiệu tích cực đang xuất hiện nhiều hơn, nhờ khách hàng ở các thị trường truyền thống đã giải phóng được lượng hàng tồn kho. Các thị trường tiêu thụ hàng hóa lớn của Việt Nam như Trung Quốc, các nước Tây Á, châu Phi… cũng đang khởi sắc.

Theo Bộ Công Thương, trong tháng 10/2023, kim ngạch xuất khẩu hầu hết các mặt hàng chính đều đạt mức tăng trưởng tích cực so với cùng kỳ năm ngoái do sự phục hồi ở phía cầu và mức nền tương đối thấp của các tháng cuối năm 2022.

Bộ này cũng đánh giá, hoạt động xuất nhập khẩu được dự báo khởi sắc trong 2 tháng cuối năm. Nguyên nhân là do được hỗ trợ bởi các yếu tố thuận lợi từ môi trường quốc tế và trong nước.

Việc các nước đẩy mạnh chiến lược đa dạng hóa nguồn cung, đa dạng hóa chuỗi cung ứng, đa dạng hóa đầu tư sẽ giúp Việt Nam trở thành một trung tâm sản xuất và xuất khẩu quan trọng trong chuỗi giá trị toàn cầu.

Trong bối cảnh này, làm sao để phát huy những thế mạnh xuất khẩu bền vững? Một trong các giải pháp được giới chuyên gia đề cập là đẩy mạnh triển khai có hiệu quả các cam kết quốc tế trong khuôn khổ các hiệp định thương mại tự do (FTA) mà Việt Nam đã tham gia.

Đây cũng là nhiệm vụ mà ngành công thương đang thực hiện rốt ráo nhằm tận dụng tối đa cơ hội tăng xuất khẩu trong 2 tháng cuối năm, đưa xuất khẩu về đích với kết quả cao nhất có thể.

Ngoài ra, giữa những khó khăn của bối cảnh thương mại toàn cầu giảm, xuất khẩu cũng cần tiếp tục thực hiện tốt việc đa dạng hóa thị trường, thực hiện hiệu quả các giải pháp về xuất khẩu sang các nước có chung đường biên giới. Phải có các giải pháp để hàng hóa cơ bản không bị ách tắc, kể cả lúc cao điểm thời vụ để gia tăng kim ngạch xuất khẩu sang Trung Quốc.

Những khó khăn, ảnh hưởng bất lợi do sự bất ổn, không chắc chắn của kinh tế thế giới đang ở mức cao trong nhiều năm, tác động đến triển vọng tăng trưởng của Việt Nam trong thời gian tới.

Nước ta có nền kinh tế độ mở lớn, phụ thuộc vào xuất khẩu. Vì thế, việc chủ động đón bắt các cơ hội dù là nhỏ nhất từ các thị trường, khách hàng sẽ giúp các ngành hàng có thêm đơn hàng, cải thiện kết quả trong hoạt động thương mại.