Xuất khẩu dần phục hồi, lấy lại đà tăng trưởng

Ánh Ngọc
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Xuất khẩu hàng hóa tăng trưởng dương trong những tháng gần đây cho thấy những tín hiệu tích cực của các thị trường xuất khẩu của Việt Nam. Tuy nhiên để giữ đà tăng trưởng cả năm 2023, ngành Công Thương và doanh nghiệp cần chú trọng hơn nữa việc khơi thông các thị trường mới.

Những dấu hiệu phục hồi

Thông tin từ Bộ Công thương, 8 tháng năm 2023, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 227,7 tỷ USD, giảm 10% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, khu vực kinh tế trong nước đạt 59,9 tỷ USD, giảm 9,2%, chiếm 26,3% tổng kim ngạch xuất khẩu; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 167,8 tỷ USD, giảm 10,3%, chiếm 73,7%.

Chế biến cá tra xuất khẩu. Ảnh minh họa
Chế biến cá tra xuất khẩu. Ảnh minh họa

Đáng chú ý, trong 8 tháng qua có 30 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm 91,8% tổng kim ngạch xuất khẩu (có 5 mặt hàng xuất khẩu trên 10 tỷ USD, chiếm 58,4%).

Về cơ cấu nhóm hàng xuất khẩu, nhóm hàng nhiên liệu và̀ khoáng sản ước đạt 2,82 tỷ USD, chiếm 1,2%; nhóm hàng công nghiệp chế biến ước đạt 201,31 tỷ USD, chiếm 88,4%; nhóm hà̀ng nông sản, lâm sản ước đạt 17,87 tỷ USD, chiếm 7,9%; nhóm hà̀ng thủy sản ước đạt 5,71 tỷ USD, chiếm 2,5%.

Về thị trường xuất khẩu, 8 tháng qua, Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch ước đạt 62,3 tỷ USD. Tiếp đến là Trung Quốc với kim ngạch xuất khẩu ước đạt 35,8 tỷ USD. Bên cạnh đó, xuất khẩu sang thị trường các nước Tây Á tăng 1,2%, ước đạt 5,19 tỷ USD và thị trường châu Phi tăng 1,1%, thị trường Bắc Phi tăng tới 11,8%... cho thấy những cố gắng vượt khó trong việc đa dạng hóa, khai thác các thị trường mới của các hiệp hội ngành hàng, doanh nghiệp Việt Nam.

Bốc xếp hàng hóa xuất khẩu tại cảng Đình Vũ (Hải Phòng). Ảnh: Công Hùng
Bốc xếp hàng hóa xuất khẩu tại cảng Đình Vũ (Hải Phòng). Ảnh: Công Hùng

Đánh giá tổng thể bức tranh xuất khẩu, Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) Trần Duy Đông cho biết, dù trong 8 tháng năm 2023 kim ngạch xuất khẩu vẫn giảm 10% so với cùng kỳ năm trước, tuy nhiên tính riêng từng tháng cho thấy những tín hiệu tích cực. Nếu như từ tháng 1 đến tháng 4 liên tục suy giảm, thì sang đến tháng 5 cho tới tháng 8, xuất khẩu đã lấy lại được đà tăng trưởng dương.

“Sự phục hồi này là kết quả của những nỗ lực trong việc xây dựng thể chế, chính sách nhằm đẩy mạnh xúc tiến thương mại và mở rộng thị trường xuất khẩu; đồng thời tận dụng hiệu quả những cam kết trong các Hiệp định thương mại tự do (FTA)” – ông Trần Duy Đông khẳng định.

Hỗ trợ doanh nghiệp kết nối chuỗi cung ứng quốc tế

Nhiều chuyên gia kinh tế nhận định, từ nay đến cuối năm, dự báo bối cảnh kinh tế thế giới còn nhiều diễn biến nhanh, khó lường do lạm phát vẫn ở mức cao tại các thị trường; chuỗi cung ứng toàn cầu đứt gãy; giá nguyên vật liệu đầu vào phục vụ sản xuất vẫn cao.

 

Một lượng lớn hàng tồn kho được giải phóng, việc làm được cải thiện, sức mua tại Mỹ dần phục hồi, nhất là dịp cuối năm 2023, do đó nhập khẩu vào thị trường này sẽ phục hồi nhẹ trong quý IV/2023. Với vị thế tốp 10 đối tác thương mại lớn nhất của Mỹ, cùng sự quan tâm và cam kết hợp tác kinh doanh với Việt Nam của Chính phủ và các doanh nghiệp Mỹ, triển vọng xuất khẩu sang thị trường này hứa hẹn tiếp tục rộng mở.

Tham tán thương mại Việt Nam tại Mỹ Đỗ Ngọc Hưng

Do đó, các bộ, ngành, địa phương cần tiếp tục hỗ trợ tối đa trong tháo gỡ vướng mắc, khó khăn trong nước, giảm chi phí cho doanh nghiệp, đẩy nhanh tiến độ hoàn thuế... Qua đó, doanh nghiệp xuất nhập khẩu có động lực duy trì sản xuất, kinh doanh, có nguồn vốn nhập khẩu nguyên liệu phục vụ sản xuất, xuất khẩu theo các đơn hàng mới.

Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập (Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam) Nguyễn Thị Thu Trang cho rằng, Bộ Công Thương cần tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành liên quan cần đẩy mạnh công tác phát triển thị trường, xúc tiến thương mại, tháo gỡ rào cản, vướng mắc, cảnh báo sớm về phòng vệ thương mại. Cùng với đó, cônng tác hỗ trợ doanh nghiệp tận dụng các cam kết trong các FTA cũng cần được đẩy mạnh, thông qua tuyên truyền về quy tắc xuất xứ và cấp giấy chứng nhận xuất xứ, các cơ hội và cách thức tận dụng cơ hội từ các FTA.

Nói về giải pháp, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên thông tin: Bộ sẽ tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp kết nối vào chuỗi cung ứng quốc tế. Đồng thời, Bộ sẽ đẩy mạnh đàm phán, ký kết các FTA mới, cam kết, liên kết thương mại mới, trong đó có hoàn tất đưa vào thực thi FTA với Israel để đa dạng hóa thị trường, sản phẩm, chuỗi cung ứng.

Trước mắt là chuỗi sự kiện “Kết nối chuỗi cung ứng hàng hóa quốc tế” sẽ được Bộ tổ chức tại TP Hồ Chí Minh vào trung tuần tháng 9 tới với kỳ vọng tìm kiếm đối tác nhập khẩu hàng Việt; thúc đẩy phát triển dịch vụ logistics nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh cho hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam; đẩy mạnh thương mại điện tử xuyên biên giới.

 

8 tháng năm 2023, cán cân thương mại hàng hóa ước tính xuất siêu 20,2 tỷ USD (cùng kỳ năm trước xuất siêu 5,26 tỷ USD). Trong đó, khu vực kinh tế trong nước nhập siêu 14 tỷ USD; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) xuất siêu 34,2 tỷ USD.