Xuất khẩu nông sản của Việt Nam tăng trưởng hơn 30% trong bối cảnh dịch Covid-19

Trọng Tùng
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thông tin từ Bộ NN&PTNT ngày 15/6 cho biết, kim ngạch xuất khẩu nông lâm sản và thủy sản 5 tháng đầu năm 2021 của Việt Nam đạt 22,58 tỷ USD, tăng 30,1% so với cùng kỳ năm 2020.

Giá trị xuất khẩu các mặt hàng nông sản chính của Việt Nam đạt 7,78 tỷ USD, tăng 13%. Các ngành hàng chăn nuôi, thủy sản và lâm sản cũng đều có giá trị xuất khẩu tăng so với cùng kỳ năm 2020, đạt lần lượt 166 triệu USD (tăng 43,9%); 3,24 tỷ USD (tăng 12%); 7,06 tỷ USD (tăng 61,8%). Đáng chú ý có nhiều nhóm sản phẩm, sản phẩm có giá trị xuất khẩu tăng cao như: Cao su, chè, hạt điều, sắn và sản phẩm từ sắn.
Xuất khẩu nông sản của Việt Nam tăng trưởng mạnh trong bối cảnh dịch Covid-19
Khu vực châu Á vẫn chiếm thị phần xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với 46,5% tổng kim ngạch. Tiếp đến là các thị trường: Mỹ (27%), châu Âu (10,1%), châu Phi (1,7%) và châu Đại Dương (1,3%). 4 thị trường xuất khẩu chính của sản phẩm nông nghiệp Việt Nam là: Mỹ (24,6%), Trung Quốc (22,6%), Nhật Bản (6,6%) và Hàn Quốc (4,9%).
Riêng đối với thị trường Trung Quốc, trong 5 tháng đầu năm 2021, lượng hàng trái cây tươi đã xuất khẩu được là 2,5 triệu tấn, bằng 76,2% so với cả năm 2020. Trong đó, thanh long là trái cây có lượng xuất khẩu lớn nhất với 1,2 triệu tấn, tăng 138% so với cùng kỳ năm 2020.
Nhằm đáp ứng yêu cầu nhập khẩu từ Trung Quốc, Bộ NN&PTNT đã cấp 1.703 mã số vùng trồng với diện tích 178.697ha và 1.776 mã số cơ sở đóng gói cho các sản phẩm trái cây. Hiện, Trung Quốc đang xem xét phương án nhập khẩu đối với khoai lang và ớt, bên cạnh 9 trái cây đã được xuất khẩu chính ngạch gồm: Xoài, thanh long, chuối, nhãn, vải, dưa hấu, chôm chôm, mít và măng cụt.
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến cho biết, năm 2021, ngành NN&PTNT phấn đấu tăng trưởng ở mức 3%. Tốc độ tăng giá trị sản xuất nông, lâm sản và thủy sản trên 3%. Kim ngạch xuất khẩu đạt ít nhất 44 tỷ USD. Mặc dù chịu tác động lớn của dịch Covid-19, tuy nhiên đến nay toàn ngành vẫn đang nỗ lực phấn đấu để đạt được các mục tiêu đề ra theo nội dung chỉ đạo của Chính phủ.
Để đạt được các mục tiêu tăng trưởng trong năm 2021, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho biết Bộ đã và đang phối hợp với các bộ ngành liên quan xây dựng kho dữ liệu ngành, lĩnh vực, khối sản xuất để đánh giá tình hình và kịp thời tham mưu chính sách phù hợp. Đồng thời, chủ động phối hợp với các hiệp hội, hội ngành hàng để nắm bắt thị trường. Phát huy vai trò của các doanh nghiệp, hợp tác xã gắn với nông dân trong sản xuất, chế biến, tiêu thụ nông sản...                                                                      

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần