Xuất khẩu nông sản: Thách thức từ rào cản kỹ thuật cao

Thắng Văn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Muốn tiếp cận được nhiều thị trường xuất khẩu (XK), tránh tình trạng được mùa mất giá, nông sản thực phẩm của Việt Nam phải đáp ứng được các yêu cầu, tiêu chuẩn kỹ thuật ngày càng cao của quốc tế.

Đó là khuyến cáo của nhiều chuyên gia tại Hội thảo quốc tế “Những yêu cầu mới về tiêu chuẩn để nông sản, thực phẩm Việt hội nhập” do Hội DN hàng Việt Nam chất lượng cao tổ chức ngày 23/5.

Gia tăng áp lực

Câu chuyện mở rộng thị trường, đưa nông sản hội nhập là vấn đề rất được quan tâm hiện nay khi nhiều nông sản sản xuất ra không tiêu thụ được, dẫn tới tình trạng rớt giá thê thảm như chăn nuôi lợn thời gian qua. Tuy nhiên, việc tiếp cận các thị trường, nhất là những thị trường khó tính như Mỹ, EU, Nhật Bản… đối với nông sản Việt Nam là rất khó khăn bởi những quy định ngặt nghèo. Đơn cử như thị trường Mỹ, Luật Hiện đại hóa ATTP được đưa ra từ năm 2011 nhằm đảm bảo nông sản thực phẩm đưa vào nước này an toàn như sản xuất trong nước. Ông Herb Cochran - Cố vấn chương trình thuận lợi hóa thương mại của Mỹ tại Việt Nam cho hay, hệ thống kiểm soát của Luật này mang tính phòng ngừa, từ văn bản tới yêu cầu kiểm tra với tần suất khoảng 600 cơ sở ở nước ngoài mỗi năm. Nếu DN vi phạm trong một thời gian dài có thể bị cấm xuất khẩu vĩnh viễn vào thị trường Mỹ.

Vải thiều Lục Ngạn (Bắc Giang) phụ thuộc nhiều vào thị trường Trung Quốc. Ảnh: Thanh Xuân

Liên quan đến vấn đề này, ông Nestor Scherbey - cố vấn cấp cao Liên minh thuận lợi hóa thương mại toàn cầu cho biết, muốn tiếp cận thị trường Mỹ, các DN XK nông sản thực phẩm của Việt Nam phải chấp nhận quyền đến kiểm tra cơ sở sản xuất, kinh doanh của Cục Quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ (FDA). Nếu DN không đảm bảo yêu cầu sẽ bị FDA hủy đăng ký, như vậy không thể XK vào thị trường này. Ông Nestor Scherbey cho biết thêm, từ năm 2014 - 2016, nhiều chuyến hàng XK sang Mỹ bị từ chối tại cửa khẩu, gây rắc rối cho các DN Việt Nam, không chỉ đối mặt với bài toán kinh tế mà còn có khả năng bị phạt hợp đồng.

Điều đáng lo ngại là FDA hiện chỉ kiểm tra 2% lô hàng nhưng bắt đầu từ cuối tháng 5 này, theo đạo luật mới sẽ kiểm tra nhiều hơn. Một thống kê khác của Viện Chính sách, chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn (Bộ NN&PTNT) cho thấy, hiện nay, trên website của FDA vẫn còn 466 thư cảnh báo đối với nông sản thực phẩm Việt Nam, chủ yếu là thủy sản, rau quả. Các lỗi cảnh báo chủ yếu là về dư lượng thuốc bảo vệ thực vật và vi sinh vật. Đáng nói, có những cảnh báo tồn tại từ năm 2009 nhưng đến nay vẫn chưa được giải quyết triệt để, cho thấy nhiều DN vẫn còn thờ ơ với các quy định của các thị trường nhập khẩu.

Thay đổi quan niệm sản xuất

Lâu nay, nhiều mặt hàng nông sản của Việt Nam bị phụ thuộc quá lớn vào thị trường Trung Quốc như dưa hấu, vải thiều, thịt lợn…, trong khi thị trường này tiềm ẩn nhiều rủi ro, bất trắc và thiếu ổn định. Bởi vậy, khi thị trường Trung Quốc ngừng mua hoặc thay đổi chính sách nhập khẩu, nông sản thực phẩm Việt Nam lập tức bị ùn ứ. Ông Đào Đức Huấn – Giám đốc Trung tâm PTNT (Viện Chính sách, chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn) cho rằng, việc các nước chuyển cơ chế giám sát từ kiểm tra chất lượng tại cửa khẩu sang phòng ngừa thực sự gây khó khăn cho DN Việt Nam. Do đó, các DN cần phải thay đổi mạnh mẽ thói quen thương mại, giảm giá thành sản xuất và tiếp cận tiêu chuẩn chất lượng của các nước.

Bà Vũ Kim Hạnh - Chủ tịch Hội DN hàng Việt Nam chất lượng cao cũng cho rằng, phải thay đổi quan niệm và cách tổ chức sản xuất chuỗi cung ứng. Trong đó, mỗi khâu đều phải có tiêu chuẩn phòng ngừa rủi ro, có thiết bị, chuyên gia để khi nông sản thực phẩm xuất sang các nước đáp ứng được quy trình, tiêu chuẩn của nước đó. Theo bà Hạnh, các cơ quan quản lý của Nhà nước như Bộ NN&PTNT, Bộ KH&CN, Bộ Công Thương phải nhanh chóng nghiên cứu những quy định mới này. Từ đó đưa ra những hướng dẫn phù hợp và các yêu cầu của giai đoạn mới như truy xuất nguồn gốc, áp dụng và tuân thủ tiêu chuẩn minh bạch, công khai theo đúng yêu cầu của thị trường nước nhập khẩu.

Tại hội thảo, Hội DN hàng Việt Nam chất lượng cao đã đưa ra bộ tiêu chí “Hàng Việt Nam chất lượng cao tiêu chuẩn hội nhập”. Trong đó khuyến khích các DN quan tâm hơn đến tiêu chuẩn, quy chuẩn chất lượng của Việt Nam và quốc tế, đáp ứng tốt các yêu cầu hiện đại hóa về ATTP của thế giới.