Xuất khẩu thủy sản phục hồi nhờ EVFTA

Ánh Ngọc
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Dù mới đi vào thực thi được hơn một tháng, song Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) đã tạo thuận lợi cho xuất khẩu thủy sản Việt Nam phục hồi đáng kể. Tuy nhiên, để đẩy mạnh xuất khẩu sang thị trường EU, các DN cần tận dụng tốt hơn những ưu đãi từ Hiệp định này.

Nhiều tín hiệu khả quan
Thời gian qua, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, hoạt động xuất khẩu thủy sản của Việt Nam đối mặt với rất nhiều thách thức. Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản (VASEP), không chỉ sản lượng tiêu thụ thủy sản giảm mà xu hướng tiêu dùng cũng thay đổi, đơn đặt hàng giảm từ 35 - 50%.
Cùng với đó, giãn cách xã hội khiến sản xuất trong nước và thương mại quốc tế đình trệ, DN bị thiếu nguyên liệu chế biến, vận tải và thanh toán khó khăn dẫn đến thiếu vốn để duy trì và phục hồi hoạt động. Trong khi đó, lĩnh vực nhà hàng, dịch vụ cũng bị ngưng trệ khiến tiêu thụ thủy sản của phân khúc này giảm đáng kể, kéo theo giá sản phẩm thủy sản giảm đồng loạt trên thị trường thế giới. Các mặt hàng chủ lực đều bị giảm giá, khiến cho doanh thu của các DN xuất khẩu giảm mạnh.
 Chế biến thủy sản xuất khẩu tại tỉnh Cần Thơ. Ảnh: Hùng Thập
Tuy nhiên, sự nỗ lực của các DN vượt qua khó khăn, khôi phục hoạt động sản xuất đã mang lại những kết quả khả quan đối với ngành hàng này trong những tháng gần đây. Thống kê của Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho thấy, tháng 8/2020, kim ngạch xuất khẩu thủy sản của cả nước đạt 800 triệu USD, đưa giá trị xuất khẩu 8 tháng đạt 5,2 tỷ USD.
Đáng chú ý, dù dịch bệnh Covid-19 vẫn đang diễn biễn phức tạp trên thế giới nhưng số lượng đơn hàng trong tháng 8/2020 sang thị trường EU tăng khoảng 10% so với tháng 7/2020, chủ yếu tập trung vào các mặt hàng lợi thế của Việt Nam là tôm và mực.
Theo Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu Trần Thanh Hải, trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 ảnh hưởng đến kinh tế toàn cầu, mức tăng 10% trong xuất khẩu thủy sản là con số đáng khích lệ. Dự báo, xuất khẩu thủy sản sẽ hồi phục dần vào quý III và quý IV/2020, kim ngạch xuất khẩu cả năm có thể đạt 8,26 - 8,3 tỷ USD, song vẫn giảm 3,8% so với năm 2019.
Nỗ lực gỡ thẻ vàng IUU
Việt Nam có lợi thế về sản xuất, xuất khẩu nông, lâm thủy sản, còn EU lại có nhu cầu lớn các mặt hàng này với giá trị nhập khẩu chiếm 8,4% tổng giá trị nhập khẩu hàng năm. Do đó, dư địa tăng trưởng xuất khẩu vào EU vẫn rất lớn. Các DN Việt Nam có thể tiếp cận một thị trường tiêu thụ thủy sản khổng lồ với mức tiêu thụ trung bình đạt mức 22,03 kg/người, cao hơn 5,34kg so với mức trung bình của thế giới.
Mặc dù phía Ủy ban châu Âu (EC) ghi nhận những nỗ lực và tiến bộ của Việt Nam trong việc thực hiện các cảnh báo khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU), nhưng việc khắc phục các tồn tại vẫn chưa đạt yêu cầu. Do đó, cảnh báo thẻ vàng IUU với thủy sản Việt Nam đang được tiếp tục gia hạn chứ chưa được gỡ bỏ.
Nhiều chuyên gia nhận định, đứng trước những thách thức không nhỏ đó, đòi hỏi ngành thủy sản phải sớm xây dựng quy hoạch nuôi hợp lý, nâng cao công nghệ chế biến và thúc đẩy xuất khẩu. Cần có biện pháp vận động ngư dân tuân thủ hoạt động đánh bắt theo quy định, không vi phạm IUU.
Theo khảo sát của Bộ NN&PTNT, hiện các địa phương đang quyết liệt triển khai thực hiện nhiều biện pháp chống đánh bắt bất hợp pháp, đồng thời tăng cường kiểm soát, giám sát lắp đặt thiết bị giám sát hành trình tàu cá, có chế tài nghiêm khắc đối với những trường hợp cố tình vi phạm về việc sử dụng thiết bị định vị.
Tính đến ngày 31/8, số lượng tàu cá cả nước đã lắp thiết bị giám sát hành trình là 24.851/30.851 tàu từ 15m trở lên, đạt tỷ lệ 80,6%. “Sau gần 3 năm bị EC phạt thẻ vàng, với sự vào cuộc quyết liệt, đồng bộ của hệ thống chính trị, các cơ quan, địa phương, người dân và DN, Việt Nam đã hoàn thành được khối lượng công việc lớn theo 4 nhóm mà EC khuyến nghị” - Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường cho biết.

EVFTA được đánh giá là hiệp định có tác động mạnh nhất, tạo bước ngoặt lớn về cơ cấu thị trường cho mặt hàng tôm của Việt Nam. Cụ thể, gần 50% số dòng thuế đang có thuế suất cơ sở 0 - 22%, trong đó phần lớn thuế cao từ 6 - 22%, sẽ được giảm về 0%. Khoảng 50% số dòng thuế còn lại có thuế suất cơ sở 5,5 - 26% sẽ được về 0% sau từ 3 - 7 năm.