Xung đột Nga - Ukraine: Tuần thay đổi thế giới

Thảo Hương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chiến dịch quân sự của Moscow tại Ukraine mới diễn ra được một tuần, nhưng đã kịp khắc dấu trên toàn cầu: Nga bị cô lập, trong khi lại kết nối một phương Tây vốn chia rẽ, đồng thời dấy lên nỗi lo hạt nhân kể từ sau Chiến tranh Lạnh.

Những “lần đầu tiên” lịch sử

Một tuần sau khi Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố triển khai chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine, đã có những động thái của quốc tế được đánh giá là mang tính lịch sử. Khi thủ đô Kiev của Ukraine và các TP lớn khác bật báo động không kích lần đầu tiên kể từ sau Thế chiến II, lần đầu tiên Mỹ, Liên minh châu Âu (EU) và Vương quốc Anh tung ra các biện pháp trừng phạt sâu và rộng nhất đối với nền kinh tế Nga.

Trẻ em ngồi và phản ứng sau khi chạy trốn khỏi cuộc tấn công của Nga vào Ukraine, ở Vysne Nemecke, Slovakia, ngày 1/3. Ảnh: Reuters
Trẻ em ngồi và phản ứng sau khi chạy trốn khỏi cuộc tấn công của Nga vào Ukraine, ở Vysne Nemecke, Slovakia, ngày 1/3. Ảnh: Reuters

Từ việc làm tê liệt hệ thống tài chính của Nga, áp đặt các hình phạt đối với các nhà tài phiệt của nước này và bản thân Tổng thống Putin, đến việc cấm các hãng hàng không Nga tham gia không phận châu Âu và loại bỏ các vận động viên Nga khỏi các cuộc thi thể thao lớn, phương Tây đã tung ra một loạt lệnh trừng phạt chưa từng có đối với người Nga, bao gồm cả những người dân vô tội.

Căng thẳng hạt nhân cũng lần đầu tiên tăng lên mức cao nhất kể từ sau Chiến tranh Lạnh, khi khi Tổng thống Putin đặt lực lượng răn đe hạt nhân của Nga vào “tình trạng báo động đặc biệt”, để đáp lại những gì ông mô tả là hành động gây hấn của NATO. Đồng minh Belarus cũng đã quyết định từ bỏ quy chế phi hạt nhân hóa, cho phép Nga đặt vũ khí hạt nhân tại quốc gia này nếu được yêu cầu.

Vai trò quân sự mờ nhạt và ngân sách quốc phòng thấp của Đức cũng đã là quá khứ sau tuần vừa qua. Tân Thủ tướng Đức Olaf Scholz ngày 27/2 tuyên bố tăng chi tiêu quốc phòng lên 100 tỷ euro và cam kết chi 2% GDP của Đức cho quốc phòng hàng năm, vì tính cấp bách từ cuộc khủng hoảng ở Ukraine. Bình luận về quyết định này của Berlin, truyền thông phương Tây đã thay nhau “giật tít” rằng Tổng thống Nga Putin đã làm được điều mà “nhiều đời Tổng thống Mỹ trong hàng thập kỷ phải bó tay”.

Cô Natali Sevriukova đau buồn khi ngôi nhà của gia đình bị phá hủy sau một vụ tấn công bằng tên lửa của Nga ở TP Kiev. Ảnh: AP
Cô Natali Sevriukova đau buồn khi ngôi nhà của gia đình bị phá hủy sau một vụ tấn công bằng tên lửa của Nga ở TP Kiev. Ảnh: AP

Các quốc gia có truyền thống trung lập cũng đã tham gia với phần còn lại của phương Tây trong việc trừng phạt Nga và ủng hộ Ukraine. Thụy Điển, quốc gia trung lập trong cả Chiến tranh Thế giới và Chiến tranh Lạnh, đang gửi hàng nghìn vũ khí chống tăng tới Ukraine. Đây là chuyến hàng vũ khí đầu tiên của Stockholm tới một quốc gia có chiến tranh trong hơn 80 năm qua.

Ngay cả Thụy Sĩ, nơi các ngân hàng “phi chính trị” đang trông giữ tiền bạc của vô số tài phiệt Nga, đã đóng cửa không phận đối với các chuyến bay của Nga và cấm một số nhân vật hàng đầu của Nga nhập cảnh vào nước này.

Tại New York (Mỹ), lần đầu tiên sau 40 năm, Hội đồng Bảo an Liên Hợp quốc (HĐBA LHQ) ngày 28/2 đã thông qua một nghị quyết triệu tập một “phiên họp đặc biệt khẩn cấp”, để xem xét và khuyến nghị một hành động tập thể trong cuộc khủng hoảng ở Ukraine. Kết quả, trong phiên họp khẩn cấp ngày 2/3, 141/193 thành viên LHQ đã bỏ phiếu thông qua nghị quyết lên án hành động quân sự của Nga ở Ukraine.

5 quốc gia bỏ phiếu chống, bao gồm Nga, Belarus, Triều Tiên, Eritrea và Syria. Việt Nam nằm trong số 35 quốc gia bỏ phiếu trắng, cùng với Trung Quốc, Bangladesh, Karrzakhstan, Mông Cổ, Pakistan…

Nga hay Ukraine sẽ thay đổi?

Rõ ràng, thế giới đã chứng kiến loạt thay đổi vì quyết định của Nga. Nhưng liệu Moscow có thể bị lay động trước phản ứng mạnh mẽ toàn cầu?

Từ lâu, Tổng thống Putin đã tỏ rõ mong muốn đưa một Ukraine đang hừng hực quyết tâm trở thành thành viên NATO trở lại với “nước Nga toàn dân” - nơi mà một phần lịch sử quốc gia Liên Xô cũ thuộc về. Điều này được Moscow lý giải là nguyên nhân dẫn đến quyết định quân sự tuần trước, dưới dạng tuyên bố về mục tiêu “phi quân sự hóa” Ukriane. “Họ đang tính buộc chúng tôi phải thay đổi quan điểm. Đây là chuyện không bao giờ xảy ra”, phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov ngày 1/3 trả lời báo giới khi được hỏi về loạt lệnh trừng phạt khắc nghiệt của phương Tây nhằm vào Nga.

Một số nhà quan sát cảnh báo, những hình phạt của ngân hàng trung ương có thể đẩy chính quyền Tổng thống Putin “vào chân tường”, có khả năng dẫn đến leo thang nguy hiểm.

Richard Haass - Chủ tịch Hội đồng Quan hệ Đối ngoại có trụ sở tại New York - viết: “Các biện pháp trừng phạt là một công cụ quan trọng nhưng không phải là thuốc chữa bách bệnh. Chúng có thể làm tăng chi phí cho cuộc chiến của ông Putin, và góp phần gây bất bình cho công chúng ở Nga, nhưng điều quan trọng nhất lúc này là những gì xảy ra trên thực địa Ukraine”.

Nga và Ukraine đã bắt đầu các cuộc đàm phán hòa bình tại biên giới Belarus, vốn được coi là hy vọng để giải quyết cuộc khủng hoảng. Tuy nhiên, nhiều chiến lược gia không lạc quan rằng các cuộc đàm phán sẽ sớm dẫn tới một giải pháp nhanh chóng. Các chuyên gia cho rằng, hai biến số lớn trong các cuộc đàm phán là sự trung lập của Ukraine và biên giới lãnh thổ Ukraine.

Năm 2014, Nga sáp nhập bán đảo Crimea sau một cuộc trưng cầu dân ý và buộc Ukraine chấp thuận thực tế này. Moscow được cho cũng có thể tìm cách sáp nhập các vùng lãnh thổ ở miền Đông Ukraine.

Angela Stent, chuyên gia về các vấn đề Nga tại Đại học Georgetown, nhận định kịch bản này sẽ giúp Nga “chia Ukraine thành nhiều phần và cô lập miền tây nước này”. Nhưng điều đó đồng nghĩa một chính phủ thân phương Tây mà ông Putin từng mô tả là “bất hợp pháp” sẽ tồn tại ở Kiev. “Tôi thấy kịch bản này khó xảy ra”, bà Angela nói.

Một kịch bản được cho khả thi hơn là Nga sẽ tìm cách thay đổi hiến pháp của Ukraine, trong đó trao quyền độc lập đáng kể cho miền đông và quyền phủ quyết với các quyết sách của Chính phủ Ukraine.

Ukraine có thể đồng ý tổ chức các cuộc bầu cử, nhưng kết quả bỏ phiếu có thể không như Nga mong muốn, ngay cả ở miền Đông. Chuyên gia Michael Clarke - cựu Giám đốc Viện Nghiên cứu Quốc phòng và An ninh Hoàng gia (RUSI) ở London, Anh nói, một Ukraine trung lập mà Nga mong muốn có thể giống tình hình ở Áo, sau khi Liên Xô đồng ý rút khỏi vào năm 1955.

“Tôi không nghĩ rằng sau tất cả, người Ukraine sẽ chấp nhận điều đó” - Stephen Fidler, nhà phân tích của WSJ viết - “Họ có thể đưa ra một số đảm bảo về không triển khai lực lượng quân sự hay tên lửa nước ngoài trên lãnh thổ, nhưng sẽ khó từ bỏ ý định gia nhập NATO”.

 

"Các biện pháp trừng phạt là một công cụ quan trọng nhưng không phải là thuốc chữa bách bệnh. Chúng có thể làm tăng chi phí cho cuộc chiến của ông Putin, và góp phần gây bất bình cho công chúng ở Nga, nhưng điều quan trọng nhất lúc này là những gì xảy ra trên thực địa Ukraine."- Chủ tịch Hội đồng Quan hệ Đối ngoại có trụ sở tại New York - Richard Haass