"Xung đột quân sự Ukraine tác động đến châu Âu nhiều hơn Nga"

Nguyễn Phương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Nhận định trên được chuyên gia Trung Quốc Huang Renwei đưa ra khi trả lời báo chí nhân dịp dự hội thảo khoa học Nga-Trung Quốc tổ chức tại Thượng Hải từ ngày 16-17/11.

Nga hiện đang đẩy mạnh xuất khẩu dầu mỏ sang thị trường châu Á, đặc biệt là Ấn Độ và Trung Quốc . Ảnh: Reuters
Nga hiện đang đẩy mạnh xuất khẩu dầu mỏ sang thị trường châu Á, đặc biệt là Ấn Độ và Trung Quốc . Ảnh: Reuters

Phát biểu tại cuộc họp báo hôm 17/11, ông Huang Renwei - Giám đốc Điều hành của Viện Vành đai, Con đường và Quản trị Toàn cầu Phúc Đán cho biết, cuộc xung đột quân sự tại Ukraine đã tạo ra một bức tranh địa chính trị mới, trong đó khu vực châu Âu bị ảnh hưởng nặng nề hơn so với nước Nga.

"Theo quan điểm của tôi, cuộc xung đột Nga-Ukraine đã dẫn đến những thay đổi đáng kể đối với chuỗi cung ứng hàng hóa và ngành công nghiệp toàn cầu. Đặc biệt là dòng chảy năng lượng Nga, vốn tập trung tại thị trường châu Âu, đã giảm mạnh kể từ khi bùng phát chiến sự tại Ukraine hồi tháng 2/2022. Việc châu Âu hạn chế nhập khẩu dầu mỏ và khí đốt Nga là một đòn giáng mạnh. Tuy nhiên, trên thực tế lục địa già lại gánh chịu thiệt hại kinh tế nhiều hơn so với Moscow" - chuyên gia Huang nói tại buổi họp báo sau phiên họp của hội nghị khoa học Nga-Trung tại Thượng Hải hôm 17/11.

Vị chuyên gia này lưu ý thêm, việc Nga chuyển hướng xuất khẩu năng lượng sang châu Á có lợi cho Trung Quốc. Theo ông Huang, Ả Rập Saudi - nhà cung cấp dầu mỏ hàng đầu cho khu vực châu Á, sẽ phải cạnh tranh với Nga về giá bán tại thị trường đầy tiềm năng này, điều này giúp kiểm soát giá dầu.

Bên cạnh đó, ông Huang cho rằng một thay đổi quan trọng khác trên hệ thống tài chính thế giới là việc Moscow tìm giải pháp thay thế hệ thống thanh toán SWIFT.

"Hiện ngày càng nhiều quốc gia bắt đầu hạn chế sử dụng đồng USD trong giao dịch thương mại và đồng nhân dân tệ của Trung Quốc đang được lựa chọn nhiều hơn. Điều này đang làm lung lay vị thế của đồng bạc xanh trong hệ thống tiền tệ quốc tế" - ông Huang cho hay.

SWIFT có trụ sở tại Bỉ, là hệ thống nhắn tin liên ngân hàng có độ bảo mật cao, cho phép giao dịch tài chính trên toàn cầu. Năm ngoái, Liên minh châu Âu (EU) đã loại các ngân hàng quan trọng của Nga ra khỏi hệ thống SWIFT trong khuôn khổ các lệnh trừng phạt do xung đột Ukraina.

Đài RT hôm 16/11 đưa tin, Tinkoff - một trong những ngân hàng tư nhân lớn nhất của Nga, đã triển khai chuyển khoản bằng đồng baht Thái thông qua hệ thống thanh toán SWIFT.

Theo đại diện ngân hàng Tinkoff, Thái Lan được liệt kê là một trong những điểm đến để chuyển khoản quốc tế trên trang web của ngân hàng này. Theo đó, khách hàng tư nhân của ngân hàng Tinkoff có thể gửi tiền đến bất kỳ ngân hàng Thái Lan nào thông qua hệ thống SWIFT.

Chuyên gia Huang nói thêm rằng do các lệnh trừng phạt của phương Tây, Nga chuyển hướng tập trung phát triển kinh tế tại vùng Viễn Đông, nơi có nguồn tài nguyên khổng lồ. Nếu xu hướng này tiếp tục, chuyên gia Trung Quốc dự đoán có thể xuất hiện thêm khu vực mới mà ông tạm gọi là Bắc Á, bao gồm khu vực phía đông nước Nga, Mông Cổ và Trung Quốc.

Hội thảo khoa học Nga-Trung năm 2023 với chủ đề "Khủng hoảng và chuyển đổi toàn cầu: Trung Quốc và Nga đối mặt với những thách thức của một trật tự thế giới đang thay đổi" được tổ chức tại Thượng Hải vào ngày 16-17/11 với sự tham gia của hơn 40 chuyên gia hàng đầu của hai nước.

Câu lạc bộ Thảo luận Valdai và Trường Đại học Sư phạm Hoa Đông của Trung Quốc (ECNU) hợp tác tổ chức hội nghị khoa học Nga-Trung thường niên kể từ năm 2010. Sự kiện năm nay lần đầu tiên diễn ra trực tiếp sau 4 năm bị hoãn do thực hiện các biện pháp hạn chế chống đại dịch Covid-19.