Xung lực mới từ kiều hối

Thảo Nguyên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Dòng kiều hối vẫn chảy mạnh về Việt Nam trong năm 2018, vượt qua mọi dự báo, lên tới gần 16 tỷ USD. Đây là mức cao nhất từ trước tới nay.

 Khách hàng giao dịch ngoại tệ tại chi nhánh HDBank Hà Nội. Ảnh: Thanh Hải
Kiều hối không ngại chiến tranh thương mại

Trước đó, các tổ chức quốc tế cũng như giới quan sát đều thận trọng cho rằng kiều hối năm 2018 có nhiều áp lực giảm mạnh do tác động từ chính sách chống nhập cư của Tổng thống Mỹ Donald Trump và chính sách nâng lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) và chiến tranh thương mại Mỹ - Trung...

Đánh giá của UNDP cho thấy, kiều hối của Việt Nam chiếm 6 - 8% GDP hàng năm trong các năm 2006 - 2017, cao hơn các nước phát triển khác (bình quân chiếm 1 - 2% GDP). Quy mô nhiều gấp 4 lần khối lượng ODA năm 2016 và gần tương đương với lượng giải ngân FDI năm 2018.
Trong tổng lượng kiều hối vào Việt Nam, Mỹ là nguồn lớn nhất với 55%; tiếp theo là Australia, Canada, Pháp, Đức và Hàn Quốc. Những nhóm đối tượng chính gửi kiều hối về Việt Nam là Việt kiều hải ngoại và lao động xuất khẩu.
Phân tích nguyên nhân khiến dòng kiều hối tăng trưởng mạnh mẽ, TS Cấn Văn Lực cho rằng tác động tích cực là do tình hình kinh tế thế giới năm 2018 tăng trưởng vẫn tốt, kéo theo thu nhập, dòng tiền chuyển về nhiều hơn. Yếu tố quan trọng khác là môi trường kinh doanh, đầu tư của Việt Nam năm qua được cải thiện đáng kể, làm tăng niềm tin nhà đầu tư nước ngoài nói chung và Việt kiều nói riêng. Yếu tố nữa là chính sách tỷ giá, ngoại hối có tác động tích cực trong việc thu hút nguồn kiều hối về Việt Nam. Đến thời điểm này, nhờ chính sách tỷ giá linh hoạt, hiệu quả và giữ VND ổn định là điểm sáng trong kêu gọi đầu tư từ nước ngoài, trong đó có nguồn kiều hối. Bên cạnh đó, kiều hối còn chịu ảnh hưởng tích cực từ kết quả hội nhập kinh tế Việt Nam được thúc đẩy đặc biệt với nhiều thành công thời gian qua.

Tối ưu hoá hiệu quả nguồn ngoại tệ

Đầu tư từ nguồn kiều hối trong những năm gần đây với khoảng 3.000 dự án tập trung vào hoạt động sản xuất, kinh doanh, góp phần thúc đẩy kinh tế phát triển, nâng cao mức sống của xã hội. “Kiều hối đã góp phần hỗ trợ sự phát triển của nền kinh tế, làm tăng dự trữ ngoại hối và cân đối cán cân vãng lai của đất nước”. TP Hồ Chí Minh - khu vực luôn chiếm kiều hối lớn của cả nước, ước tính, trong hơn 5 tỷ USD kiều hối về TP này năm 2018, 70% lượng kiều hối được sử dụng vào mục đích sản xuất, kinh doanh.

TS Phan Hữu Thắng -nguyên Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ KH&ĐT) nhận xét, trong thời gian tới các ngành chức năng cũng cần nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế về khuyến khích kiều hối để hình thành các quỹ sản xuất từ dòng kiều hối, như Quỹ kiều hối bất động sản; quỹ kiều hối hỗ trợ cho sản xuất nhỏ và vừa… để hỗ trợ khởi nghiệp. “Khuyến khích dòng kiều hối chảy vào sản xuất thông qua các DN vừa và nhỏ không đủ điều kiện vay vốn ở ngân hàng hay các tổ chức tín dụng bằng cách lập một quỹ, như cách làm của Ấn Độ sẽ rất hay và hiệu quả” - ông Thắng nhấn mạnh.

Về phía các ngân hàng, lượng kiều hối chuyển về Việt Nam ngày càng nhiều không chỉ giúp ngân hàng tăng lợi nhuận từ hoạt động dịch vụ, mà còn phục vụ chính sách thu hút nguồn ngoại tệ cho Việt Nam, giúp ngành ngân hàng tăng dự trữ ngoại hối. Vì vậy các ngân hàng đang tìm cách để thu hút và huy động lượng ngoại tệ này, công bố chương trình khuyến mãi với những giải thưởng có giá trị lớn. NHNN đã từng bước đơn giản hóa thủ tục hành chính trong việc cấp giấy phép hoạt động chi trả kiều hối cũng như tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động chi trả kiều hối với mạng lưới rộng khắp cả nước. Ngoài ra, dịch vụ chuyển tiền kiều hối ngày càng phát triển, chất lượng được nâng cao với sự đa dạng các hình thức chi trả như chi trả tại nhà, chi trả tại quầy, chi trả qua hệ thống ngân hàng và dịch vụ chăm sóc khách hàng.