Yêu cầu xuất hóa đơn từng lần bán lẻ xăng dầu: Liệu có ách tắc?

Phương Nga
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Nhiều người lo ngại yêu cầu các cây xăng dầu xuất hóa đơn điện tử (HĐĐT) theo từng lần bán hàng sẽ gây lãng phí, ách tắc. Tuy nhiên, Bộ Tài chính khẳng định, việc lập HĐĐT là theo phần mềm, được thực hiện tự động, lưu trữ đầy đủ bằng hình thức điện tử nên thuận lợi.

Xử lý nghiêm cây xăng không xuất hóa đơn điện tử

Theo Nghị định 123/2020/NĐ-CP (Nghị định 123) quy định về hóa đơn, chứng từ có hiệu lực từ ngày 1/7/2022, các cửa hàng phải xuất HĐĐT theo từng lần bán. Người bán phải đảm bảo lưu trữ đầy đủ HĐĐT khi bán xăng dầu cho khách hàng là cá nhân và đảm bảo có thể tra cứu khi cơ quan có thẩm quyền yêu cầu.

Tuy nhiên, theo thống kê sơ bộ của Bộ Tài chính, hiện mới chỉ có Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) và Công ty Dầu khí TP Hồ Chí Minh xuất HĐĐT sau từng lần bán hàng với khoảng trên 2.700 cửa hàng, chiếm khoảng 16% số cửa hàng bán lẻ cả nước. Các doanh nghiệp, cửa hàng bán lẻ còn lại dù đã xuất HĐĐT nhưng vẫn đang xuất theo ngày hoặc theo tuần, chưa tuân theo quy định.

Các cửa hàng bán lẻ xăng dầu phải xuất HĐĐT trong tháng 12.
Các cửa hàng bán lẻ xăng dầu phải xuất HĐĐT trong tháng 12.

Ngày 4/12, Bộ Tài chính đã có văn bản đề nghị các tỉnh, thành phố phối hợp, xử lý vướng mắc trong quá trình áp dụng HĐĐT với lĩnh vực bán lẻ xăng dầu. “Việc lập HĐĐT theo từng lần bán tại các cửa hàng kinh doanh xăng dầu theo Nghị định 123 là nhiệm vụ bắt buộc, quan trọng phải thực hiện tại địa phương” - Bộ Tài chính nêu quan điểm.

Liên quan tới vấn đề này, mới đây, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cũng vừa ký Công điện số 1284/CĐ-TTg ngày 1/12/2023 về tăng cường công tác quản lý, sử dụng HĐĐT đối với hoạt động kinh doanh, bán lẻ xăng dầu. Đây là lần thứ hai trong nửa tháng, Thủ tướng Chính phủ có công điện nhắc đến việc này.

Theo đó, Thủ tướng yêu cầu các doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu phải lập HĐĐT theo từng lần bán và kết nối dữ liệu với cơ quan thuế trong tháng 12 này. Trường hợp doanh nghiệp không thực hiện hoặc cố tình không thực hiện sẽ bị kiểm tra, xử lý.

Tại Công điện, Thủ tướng cũng yêu cầu chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo giám sát, kiểm tra, cùng cơ quan thuế nắm bắt thực trạng triển khai HĐĐT theo từng lần bán hàng. Xử lý nghiêm các trường hợp sai phạm, không thực hiện hoặc cố tình không thực hiện việc phát hành HĐĐT theo từng lần bán hàng đối với hoạt động bán lẻ xăng dầu tại địa phương và kết nối điện tử với cơ quan thuế.

Phó Thủ tướng Lê Minh Khái sẽ trực tiếp chỉ đạo, kiểm tra việc triển khai thực hiện Công điện này. Văn phòng Chính phủ theo dõi, đôn đốc và kịp thời báo cáo Thủ tướng Chính phủ các vấn đề phát sinh vượt thẩm quyền.

Tính khả thi đã được minh chứng

Có ý kiến người dân đang lo ngại việc yêu cầu các cây xăng xuất hóa đơn điện tử theo từng lần bán hàng gây lãng phí và ách tắc tại các cây xăng.

Tuy nhiên theo Bộ Tài chính, thực tế thực hiện tại Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam cho thấy việc phát hành HĐĐT theo từng lần bán hàng cho khách hàng có nhu cầu lấy hóa đơn sẽ nhận được HĐĐT về hộp thư điện tử của mình để có thể tra soát, đối chiếu. Đối với khách hàng không kinh doanh (không có nhu cầu lấy hóa đơn), hệ thống ứng dụng phát hành HĐĐT của doanh nghiệp tự động xử lý, phát hành hóa đơn và lưu trữ dưới hình thức điện tử và truyền về cơ quan thuế theo bảng tổng hợp dữ liệu HĐĐT từng mặt hàng bán trong ngày. Việc phát hành HĐĐT theo từng lần bán hàng được Tập đoàn thực hiện từ ngày 1/7/2023 tại 2.700 cửa hàng thuộc hệ thống và không xảy ra tình trạng ách tắc tại các cửa hàng xăng dầu.

Cũng theo Bộ Tài chính, quy định các công ty kinh doanh xăng dầu phải thực hiện phát hành HĐĐT theo từng lần bán hàng đã được quy định cụ thể tại Luật Quản lý thuế số 38/2019/QH14, Nghị định số 123, Nghị định 80/2023/NĐ-CP của Chính phủ và ngày 01/12/2023, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Công điện số 1284/CĐ-TTg về tăng cường công tác quản lý, sử dụng HĐĐT đối với hoạt động kinh doanh, bán lẻ xăng dầu.

Tại điểm c khoản 14 Điều 10 Nghị định số 123 quy định: “Đối với HĐĐT bán xăng đầu cho khách hàng là cá nhân không kinh doanh thì không nhất thiết phải có các chỉ tiêu tên hóa đơn, ký hiệu mẫu số hóa đơn, ký hiệu hóa đơn, số hóa đơn; tên, địa chỉ, mã số thuế của người mua, chữ ký điện tử của người mua; chữ ký số, chữ ký điện tử của người bán, thuế suất thuế giá trị gia tăng”.

Tại điểm a.1 khoản 3 Điều 22 Nghị định số 123 quy định về việc chuyển dữ liệu HĐĐT đã lập đến cơ quan thuế: “Riêng đối với trường hợp bán xăng dầu cho khách hàng thì người bán tổng hợp dữ liệu tất cả các hóa đơn bán xăng dầu trong ngày theo từng mặt hàng để thể hiện trên bảng tổng hợp dữ liệu HĐĐT và chuyển bảng tổng hợp dữ liệu hóa đơn này ngay trong ngày”.

Căn cứ quy định nêu trên, đối với các khách, cửa hàng xăng dầu thực hiện lập HĐĐT với đẩy đủ các chỉ tiêu theo quy định. Đối với khách hàng không lấy hóa đơn, cửa hàng xăng dầu cũng phải lập hóa đơn, tuy nhiên, việc xuất HĐĐT đối với trường hợp này là cho khách hàng cá nhân không kinh doanh nên trên hóa đơn không nhất thiết phải có đầy đủ các chỉ tiêu. Việc lập HĐĐT là theo phần mềm, được thực hiện tự động, số lượng HĐĐT đã xuất sẽ được lưu trữ đầy đủ bằng hình thức điện tử (không phải in ra) tại các cửa hàng xăng dầu và đảm bảo có thể tra cứu khi cơ quan có thẩm quyền yêu cầu. Do đó, việc xuất HĐĐT theo từng lần bán hàng không làm mất thời gian của người mua không có nhu cầu lấy hóa đơn nhưng vẫn đảm bảo doanh nghiệp tuân thủ đúng quy định và HĐĐT được lưu trữ, tra cứu khi cơ quan có thẩm quyền yêu cầu.