Bài 1: Lối sống "MADE IN HANOI" một thời - Ảnh 1

Thế kỷ XXI, Hà Nội đang vươn mình thay đổi mạnh mẽ với hình ảnh những khu đô thị mới, các tòa nhà chung cư hiện đại đang hiện hữu khắp nơi. Thế nhưng, chúng ta cũng dễ dàng bắt gặp những mảng màu trầm mặc, loang lổ nhưng chưa bao giờ phai nhạt của các khu tập thể cũ. Đó là công trình cất giữ những dấu ấn đặc biệt, là di sản của một thời kỳ khó khăn nhưng đáng nhớ.

Ký ức nhà tập thể

“Với những đứa con Hà Nội thế hệ 6X, 7X, 8X như chúng tôi, khu tập thể  cũ là cả một ký ức tuổi thơ sống động và ngập tràn kỷ niệm? – PGS.TS.KTS Phạm Thúy Loan – Phó Viện trưởng Viện Kiến trúc Quốc gia mở đầu cho câu chuyện với chúng tôi khi gợi nhớ về nơi sinh ra và lớn lên ở khu tập thể Tăng Bạt Hổ. Đó là ký ức của niềm hạnh phúc, đầm ấm trong khu dân cư, của những ô cửa vàng đặc trưng, cầu thang bộ lấp lánh khe sáng xuyên qua từ những bức tường hoa bê tông; của tiếng hàng xóm ở căn hộ bên cạnh gọi cho bán canh chua; của người già trẻ nhỏ xì xào câu chuyện dưới sân nhà… Tất cả đều là những không gian quá đỗi thân thương với những người lớn lên trong các khu tập thể cũ.

Nhà tập thể là một trong những kiến trúc đặc trưng khi nhớ về những năm tháng gieo neo của một thời bao cấp. Theo lời kể của những người dân Hà Nội, khu tập thể Hàm Tử Quan hay còn được gọi là khu tập thể bờ sông (đoạn giữa cầu Long Biên và Chương Dương) được xây dựng đầu tiên, làm bằng gỗ. Tuy nhiên, do làm bằng vật liệu dễ tìm – dễ hư hỏng nên khu tập thể này đã không còn hiện hữu do hỏa hoạn và thiên tai. Vì vậy, theo góc nhìn thực tế đang hiện hữu, khu tập thể đầu tiên được xây dựng là khu Kim Liên - được bố trí theo hình thức tiểu khu: Có nhóm nhà, có hệ thống nhà trẻ, mẫu giáo, trường học, sân vận động, cửa hàng bách hóa. Nhà được xây cao tầng, bố cục chạy dài và song song.

Bài 1: Lối sống "MADE IN HANOI" một thời - Ảnh 2

Sống ở tập thể Kim Liên từ những ngày đầu, ông Vũ Công Chiến (B9, tập thể Kim Liên) chia sẻ: “Ý định xây dựng tập thể Kim Liên xuất phát từ lần Chủ tịch Hồ Chí Minh sang thăm Triều Tiên. Thấy nước bạn có những khu nhà khép kín với nhà ở, bách hoá, nhà trẻ, sân chơi, trạm y tế... Hồ Chủ tịch mong muốn Việt Nam cũng có một mô hình như vậy cho những cán bộ kháng chiến từ Việt Bắc trở về vẫn đang chưa có nhà ở, nên đề nghị Triều Tiên hỗ trợ xây dựng. Thời Pháp, Hà Nội chỉ xây 3 tầng là cao nhất thì có thể nói đây là khu nhà đầu tiên của Hà Nội xây 4 tầng”.

Nhận xét về khu tập thể Nguyễn Công Trứ, TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm – Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch và phát triển đô thị Hà Nội bày tỏ: Khu tập thể này cũng được xây dựng hoàn chỉnh theo hình mẫu có trường mẫu giáo, nhà trẻ, có cửa hàng bách hóa với mặt chính quay ra đường Nguyễn Công Trứ, mặt quay vào trong là nhà ăn, cửa hàng giải khát. Đến giai đoạn 1965-1986, Hà Nội bắt đầu phát triển các kiểu nhà lắp ghép đơn giản. Sau đó các mẫu nhà lắp ghép tấm lớn 5 tầng có nhiều ưu điểm hơn, được triển khai hàng loạt tại Trung Tự, Khương Thượng, Giảng Võ, Vĩnh Hồ, Nghĩa Tân, Thành Công, Thanh Xuân… xuất hiện dày đặc những khu tập thể cũ do Liên Xô hỗ trợ xây dựng. Mỗi khu tập thể hình thành là một cộng đồng dân cư với những lối sống mới nhưng cũng mang đặc trưng riêng của Hà Nội: Ấm áp tình cảm hàng xóm, êm đềm để vượt qua những khó khăn vất vả của thời bao cấp.

Nhà tập thể - nơi sang chảnh bậc nhất Thủ đô một thời

Theo lời kể của nhiều người cao tuổi sống ở khu tập thể, năm 1954, sau khi Hà Nội được giải phóng, nhiều cán bộ, bộ đội từ các chiến khu trở về Thủ đô. Cùng với đó, nhiều gia đình tư sản phải tản cư vào trong miền Nam để lại những căn biệt thự rộng dãi. Cùng với đó, cơ quan, công sở của chế độ cũ bị tịch thu. Vì vậy, cán bộ làm việc tại các cơ quan Nhà nước, ở các chiến khu trở về sau khi Hà Nội giải phóng, được phân vào ở trong những căn nhà biệt thự, công sở cũ. Cuộc sống chật chội trong những khu biệt cũ khó khăn là thế nên khi gia đình các cán bộ Nhà nước khi được chuyển về nhà tập thể, ai cũng đều vui mừng. Ông Vũ Công Chiến cho biết: “Tôi về đây khi 9 tuổi, nhớ lại cảm nhận của bố và mẹ mình khi đó rất sung sướng. Tôi thì chạy lăng xăng khắp nhà, mẹ thì sờ vào từng bức tường, từng viên gạch. Dù không nói gì, tôi vẫn thấy trong ánh mắt mọi người trong gia đình đều vỡ òa cảm xúc vì thấy cơ ngơi này thuộc về mình”.

Theo lời kể của ông Vũ Công Chiến, nhà tập thể thời những năm 60 của thế kỷ trước được xem là nơi ở cao cấp. Mỗi cầu thang đi lên sẽ có 2 cửa ra vào, tương ứng với 4 gia đình sinh sống. Diện tích mỗi căn khoảng 40m2, lớn hơn gấp đôi, thậm chí gấp 3 so với nơi ở cũ. Hai gia đình sẽ sử dụng chung nhà bếp, nhà tắm, vệ sinh. Đặc biệt, nhà ở có sẵn nước sạch nên việc sinh hoạt đảm bảo vệ sinh hơn nhiều so với nhà ở cũ. “Có thể nói, thời điểm trước đây, gia đình nào được ở nhà tập thể là một điều hãnh diện, là một sự đổi đời” – ông Vũ Công Chiến chia sẻ.

Bài 1: Lối sống "MADE IN HANOI" một thời - Ảnh 3

Những khu tập thể thành lập sau (khoảng những năm 70-80 của thế kỷ trước) như tập thể Nguyễn Công Trứ, tập thể Phương Mai, tập thể Nghĩa Tân… cũng vẫn là không gian sống lý tưởng của “người Hà Nội”. Theo bà Phạm Thị Hồng (P117 B2 tập thể Nghĩa Tân), năm 1982, 2 vợ chồng bà là cán bộ của Bưu điện Hà Nội nên được Nhà nước xét phân bán cho căn nhà rộng 50m2 ở khu tập thể Nghĩa Tân. Với gia đình 2 vợ chồng, 3 người con như nhà bà Hồng thì 50m2 tập thể ngày đó quả là thiên đường. Cả cơ quan thuộc Bưu điện Hà Nội có 6-7 gia đình như nhà bà Hồng được phân nhà tại khu tập thể này. Chính vì vậy, hàng xóm, đồng nghiệp ngoái đầu là gọi nhau. Trẻ con tíu tít chạy dọc tầng 1 lên tầng 4, căn nhà tầng 1 của bà Hồng đôi khi là nơi trông trẻ cho mấy hộ đồng nghiệp. Cả khu tập thể là cán bộ của một vài cơ quan khác như: Truyền tải điện I, Hội Mỹ thuật, Bưu điện… Sự hãnh diện thể hiện rõ nhất theo bà Hồng là bà con ở quê lên Thủ đô chơi, căn nhà chỉ 50m2 nhưng mùa hè có những ngày chứa đến 20 người, trải chiếu nằm ngủ giữa nhà nhưng vẫn thấy hạnh phúc, đủ thứ tiện nghi tập thể để khoe với họ hàng. 

Bài 1: Lối sống "MADE IN HANOI" một thời - Ảnh 4

Bài: Linh Anh - Lại Tấn
Trình bày: Tùng Quân

08:30 04/08/2021