Dù được công nhận là di sản văn hóa, song nhiều di sản hiện nay chưa thực sự tỏa sáng, chưa được giới thiệu rộng rãi, thường xuyên tới người dân và du khách mà chủ yếu còn mang tính thời vụ, nhất là các di sản nghệ thuật biểu diễn, lễ hội. Trong khi đó, công tác quản lý, phát huy giá trị di sản vẫn còn nhiều khó khăn, vướng mắc chưa được tháo gỡ, dẫn tới di sản vẫn luôn ở trạng thái “tiềm năng”.
Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên Hợp quốc (UNESCO) chia di sản văn hóa thành 2 loại: di sản văn hóa vật thể và di sản văn hóa phi vật thể. Di sản văn hóa vật thể gồm di tích, di vật và môi trường cảnh quan xung quanh di tích đó, công trình lịch sử, đền đài, cung điện, sách cổ, mẫu vật ở bảo tàng, công cụ sản xuất ở từng giai đoạn lịch sử, các di tích danh thắng... Di sản văn hóa phi vật thể bao gồm tiếng nói, chữ viết, tác phẩm văn học, nghệ thuật, khoa học, ngữ văn truyền miệng, diễn xướng dân gian, lối sống, nếp sống, lễ hội, bí quyết về nghề thủ công truyền thống, văn hóa ẩm thực, trang phục truyền thống dân tộc…
Nhiều chuyên gia nhận định, bên cạnh những kết quả đã đạt được, quá trình bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa vẫn còn không ít hạn chế, như: di sản văn hóa chưa được quan tâm và phát triển tương xứng với kinh tế và chính trị, chưa thật sự trở thành nguồn lực nội sinh, động lực của sự phát triển bền vững. Việc trùng tu, tôn tạo, chống xuống cấp các di tích có lúc, có nơi vẫn chưa bảo đảm các quy định của pháp luật, dẫn đến làm biến dạng di tích. Bên cạnh đó, nguồn nhân lực hoạt động trong lĩnh vực di sản văn hóa còn mỏng…
Thực tế, nhiều di sản văn hóa phi vật thể dù đã được công nhận danh hiệu, song để phát huy giá trị, nhất là đóng góp vào phát triển thành ngành công nghiệp văn hóa theo tinh thần Nghị quyết số 09-NQ/TU ngày 22/2/2022 của Thành ủy Hà Nội về phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2021 - 2025 là chưa nhiều. Đơn cử, tháng 2/2024, Lễ hội truyền thống, tập quán xã hội và tín ngưỡng Hội diều làng Bá Dương Nội, xã Hồng Hà, huyện Đan Phượng đã được Bộ VHTT&DL công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Tiếp đó, tháng 6/2024, UBNT TP Hà Nội vừa ký Quyết định số 2982/QĐ-UBND về việc công nhận nghề làm diều sáo Làng Bá Dương Nội, xã Hồng Hà, huyện Đan Phượng là nghề truyền thống. Đây là tiền đề thuận lợi để phát huy giá trị di sản độc đáo có một không hai của Thủ đô này. Dù vậy, theo Chủ tịch UBND xã Hồng Hà Nguyễn Mạnh Hà, ngoài lễ hội diều mỗi năm được tổ chức một lần vào rằm tháng Ba âm lịch hàng năm, thì địa phương chưa có trung tâm giới thiệu sản phẩm làng nghề, chưa xây dựng được các tour tuyến liên kết di sản văn hóa với các địa chỉ làng nghề, cơ sở sản xuất sản phẩm OCOP. Đặc biệt, sản phẩm diều của địa phương phần lớn mới chỉ phục vụ nhu cầu thú chơi diều, chưa thực sự trở thành sản phẩm hàng hóa…
Hay như “Hội thề Trung hiếu” đền Đồng Cổ, phường Bưởi, quận Tây Hồ được ghi nhận vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia năm 2023. Nét đặc sắc của Hội thề đền Đồng Cổ chính là sự hòa hợp, kết quyện giữa nghi thức cung đình và dân gian, mượn oai thần linh để tạo nên sự thăng hoa và hết mình của toàn thể cộng đồng vì sự ổn định xã hội, phát triển đất nước. Đây thực sự là một lễ hội đặc biệt, là nét văn hóa độc đáo và đặc sắc của Thăng Long - Hà Nội ngàn năm văn hiến. Dù vậy, độ lan tỏa của di sản văn hóa phi vật thể quốc gia này phần nào vẫn còn hạn chế nhất định. Nói như TS Lê Thị Minh Lý - Phó Chủ tịch Hội Di sản văn hóa Việt Nam góp ý khi làm hồ sơ đề nghị công nhận xếp hạng: “Sở VH&TT Hà Nội, UBND quận Tây Hồ cần làm hồ sơ một cách “bình thường” để di sản được sống trong đời sống đương đại. Bởi, di sản văn hoá phi vật thể không thể quay ngược trở lại, thực hiện như trong quá khứ”. Các chuyên gia cũng khuyến nghị, di sản văn hoá phi vật thể “Hội thề Trung hiếu đền Đồng Cổ” cần phải tạo ra giá trị mới; xác định rõ giá trị về không gian kiến trúc, di sản tư liệu (văn bia, chữ cổ, hiện vật)…
Theo Giám đốc Ban Quản lý di tích danh thắng Hà Nội Nguyễn Doãn Văn, hiện nay, công tác quản lý, bảo tồn và phát huy di sản văn hóa của Hà Nội vẫn còn một số hạn chế. Không ít các cấp, ngành và người dân vẫn chưa nhận thức đầy đủ về tầm quan trọng của công tác quy hoạch, quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị của các di sản văn hóa; về vị trí của mối quan hệ giữa bảo tồn và phát triển. Thực tế cho thấy, một số địa phương của Hà Nội chưa có sự điều tiết hài hòa giữa bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa với quá trình phát triển kinh tế - xã hội, còn tình trạng coi trọng tăng trưởng kinh tế, dẫn đến nhiều vấn đề bất cập nảy sinh, phá vỡ các kiến trúc truyền thống đô thị…
Nhắc đến di sản văn hóa phi vật thể Hà Nội là nhắc đến nghệ thuật trình diễn độc đáo, làng nghề truyền thống, lễ hội dân gian đặc sắc như: ca trù, xẩm, rối nước, rối dây, chầu văn, hát trống quân, hát chèo Tàu, múa đánh bồng, múa rắn lột... Thế nhưng, đối với các di sản văn hóa thực hành, nghệ thuật biểu diễn, một vấn đề nan giải hiện nay là đội ngũ nghệ nhân lớn tuổi rơi rụng dần, trong khi nguồn kế cận như “sao buổi sớm”.
Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia hát Dô (xã Liệp Tuyết, huyện Quốc Oai) có 3 kiểu: hát thờ (hát trong đền), hát trúc, hát múa bỏ bộ (hát ngoài sân đền). Hát Dô không có nhạc, chỉ có phách và quạt để làm đạo cụ. Mộc mạc, giản dị vậy thôi nhưng hát Dô truyền tải đến tai người nghe những giai điệu đầm ấm, thanh thoát của quê hương xứ Đoài. Hội hát Dô được quy định 36 năm mới mở một lần, do quá trình thăng trầm của lịch sử và thời gian, điệu hát Dô có nhiều lúc bị mai một, trầm xuống thời gian khá dài.
Đau đáu bảo tồn và truyền dạy di sản hát Dô, Nghệ nhân Nhân dân Nguyễn Thị Lan – Chủ nhiệm Câu lạc bộ hát Dô Quốc Oai cho biết, lớp trẻ hiện đang tiếp xúc với nền văn hóa hiện đại, có nhiều thú vui chơi giải trí, theo đuổi dòng nhạc trẻ, nên không thiết tha với những làn điệu truyền thống. Chính vì vậy, rất cần mở những lớp truyền dạy lại nghề cho lớp sau. Để nuôi dưỡng những thế hệ kế cận, bà Lan tìm đến các trường học trên địa bàn, tuyên truyền và tìm kiếm những cháu nhỏ yêu mến làn điệu hát Dô, kết nạp vào Câu lạc bộ hát Dô của địa phương.
Hiện Câu lạc bộ hát Dô Quốc Oai đang có 35 thành viên thường xuyên sinh hoạt, luyện tập và biểu diễn trong các sự kiện văn hóa nghệ thuật quần chúng của địa phương và các hội biểu diễn của địa phương khác khi được mời. Tuy nhiên, hoạt động biểu diễn không đều đặn, chỉ mang tính phong trào, văn hóa văn nghệ quần chúng. Chia sẻ về những khó khăn thực tế, Nghệ nhân Nhân dân Nguyễn Thị Lan cho than thở: “Hiện Câu lạc bộ hát Dô đang rất thiếu nguồn kinh phí để duy trì hoạt động, đầu tư trang phục biểu diễn, phụ kiện. Trong khi, từ năm 2019 đến nay, Câu lạc bộ mới được huyện cấp 20 triệu đồng để mở các lớp đào tạo, trao truyền di sản”.
Hay tại huyện Ba Vì, với 7 xã có đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, mảnh đất núi Tản sở hữu vốn di sản văn hóa phong phú và đặc sắc. Toàn huyện có 397 di tích (trong đó 129 di tích được xếp hạng), 126 di sản văn hóa phi vật thể. Trong đó, năm 2018, tục thờ Tản Viên Sơn Thánh huyện Ba Vì được Bộ VHTT&DL công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia. Gần đây nhất, ngày 2/2/2023, Bộ trưởng Bộ VHTT&DL có Quyết định số 154/QĐ-BVHTTDL về việc ghi danh Tập quán xã hội và tín ngưỡng Mo Mường của các huyện Ba Vì, Thạch Thất, Quốc Oai thuộc TP Hà Nội vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Bên cạnh đó, văn hóa cồng chiêng có vị trí quan trọng trong đời sống tinh thần của dân tộc Mường huyện Ba Vì trong những dịp lễ hội, ngày Tết...
Tuy nhiên, theo Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Ba Vì Phùng Tân Nhị, trải qua những biến thiên của lịch sử, việc thay đổi phương thức sản xuất kéo theo những biến đổi trong nếp sống, sinh hoạt của người dân tộc thiểu số đã tác động tiêu cực đến việc lưu giữ các nhạc cụ. Nhiều gia đình không còn lưu giữ được bộ cồng chiêng quý; các thiết chế văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số như: nhà sàn, trang phục, lễ hội và một số nét văn hóa đặc sắc của người Mường và người Dao xưa có sự biến đổi do tác động của mặt trái cơ chế thị trường. “Đáng nói, số nghệ nhân có am hiểu về nghệ thuật cồng chiêng tuổi cao, sức yếu, khả năng truyền thụ kiến thức nghệ thuật hạn chế khiến cho văn hóa cồng chiêng của huyện có nguy cơ mai một” – ông Phùng Tân Nhị chia sẻ.
Theo kết quả đề án “Tổng kiểm kê, bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể trên địa bàn Hà Nội”, hiện trên địa bàn Hà Nội chỉ còn 7 thầy mo đang thực hành Mo Mường thường xuyên. Trước thực trạng này, TP Hà Nội đang triển khai nhiều biện pháp bảo tồn Mo Mường. Trong đó, chủ động phối hợp các ban, ngành T.Ư, các cơ quan liên quan và địa phương có di sản Mo Mường xây dựng bộ hồ sơ quốc gia đệ trình UNESCO ghi danh vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể bảo vệ khẩn cấp.
PGS.TS Trần Thị An - Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian Hà Nội từng nhận định, trong mối quan hệ giữa di sản văn hoá phi vật thể với việc hình thành bản sắc văn hóa người Hà Nội, nghệ nhân di sản với vai trò là trung tâm trao truyền di sản, giá trị tinh tuý của văn hóa hàng nghìn năm, giúp kiến tạo vốn văn hoá cho con người Hà Nội hôm nay. Dẫu vậy, nhìn từ thực tế có thể thấy, vẫn còn những di sản văn hóa do nghệ nhân nắm giữ chưa thể được phát huy đúng mức, trong khi cơ chế đãi ngộ cũng như việc phong tặng danh hiệu cho các nghệ nhân có lúc chưa kịp thời… đã ảnh hưởng tới mục tiêu bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa.
Trên địa bàn huyện Thanh Trì có 154 di tích lịch sử văn hóa, được phân bố trên địa bàn 15 xã và 45 lễ hội truyền thống. Cùng với hệ thống các di sản vật thể quý, hiếm được hiện hữu và bảo tồn, Thanh Trì còn bảo lưu được hệ thống các di sản văn hóa phi vật thể với nhiều loại hình phong phú, đa dạng: nghệ thuật trình diễn dân gian, tập quán xã hội, lễ hội truyền thống, tiêu biểu là Lễ hội Triều Khúc, xã Tân Triều được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia năm 2019. Tuy nhiên, lãnh đạo huyện Thanh Trì cũng nhìn nhận, huyện gặp không ít thách thức trong việc phát huy nguồn lực văn hóa từ sự tăng trưởng kinh tế chưa ổn định; các không gian sáng tạo văn hóa còn hoạt động ở mức độ nhỏ lẻ, chưa thu hút được nhiều nghệ sĩ đam mê sáng tạo văn hóa và kết nối với thế giới bằng công nghệ hiện đại...
Theo Sở VH&TT Hà Nội, nguồn ngân sách đầu tư cho các thiết chế văn hóa còn chưa đồng đều giữa các quận, huyện. Nhiều huyện còn khó khăn nhưng phải quản lý và đầu tư số lượng di tích lớn, các di tích xuống cấp nhiều nên không cân đối được nguồn vốn kịp thời để tu bổ, tôn tạo di tích và hoàn thiện thiết chế nhà văn hóa thôn, làng. Tại buổi tiếp xúc với Tổ đại biểu HĐND TP Hà Nội, Đơn vị bầu cử số 25 sau Kỳ họp thứ 17, HĐND TP khóa XVI, nhiệm kỳ 2021 – 2025 mới đây, cử tri Bùi Văn Chức, thôn Đại Phùng, xã Đan Phượng, huyện Đan Phượng nêu, di tích quốc gia đặc biệt đình Đại Phùng hiện bị xô ngói, dột nước thấm vào các cấu kiện gỗ. Cử tri đã kiến nghị nhiều lần nhưng đến nay vẫn chưa được khắc phục. “Nhân dân rất lo lắng về sự xuống cấp của di tích, đề nghị TP chỉ đạo các đơn vị liên quan sớm tiến hành đảo lại ngói, sửa chữa và thay thế các cấu kiện xuống cấp để bảo vệ di tích” - cử tri Bùi Văn Chức kiến nghị.
Lãnh đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội chia sẻ, đầu tư cho phát triển văn hóa giai đoạn này được TP quan tâm hơn, vốn đầu tư tăng 30% so với nhiệm kỳ trước. Phân bổ vốn kế hoạch tập trung, khắc phục tình trạng đầu tư dàn trải. Mặc dù vậy, so với khối lượng di tích lịch sử di sản văn hóa hiện có của Thủ đô thì vốn đầu tư cho văn hóa là chưa tương xứng. Tiến độ thực hiện các dự án trọng điểm lĩnh vực văn hóa còn chậm như: Bảo tàng Hà Nội; bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị khu di tích Hoàng thành Thăng Long và khu vực lõi Thành Cổ Loa; các dự án làng nghề Bát Tràng, Vạn Phúc gắn với phát triển du lịch… “Hà Nội là địa phương dẫn đầu cả nước về số lượng di sản văn hóa vật thể và phi vật thể nên nguồn lực để bảo tồn, tôn tạo phát huy giá trị các di sản văn hóa là rất lớn” – đại diện Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội nêu.
Cùng với đó, sau hơn 20 năm Luật Di sản văn hóa được ban hành và hơn 10 năm được sửa đổi, bổ sung, trước những yêu cầu và đòi hỏi cấp bách từ thực tế đang diễn ra, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về di sản văn hóa cũng dần bộc lộ một số hạn chế, bất cập. Trong đó, một số quy định của Luật còn mang tính nguyên tắc chung chung, chưa thuận lợi cho việc triển khai trong thực tiễn như: quy định về trình tự, thủ tục hủy bỏ xếp hạng, ghi danh di sản, hủy bỏ công nhận bảo vật quốc gia; thủ tục điều chỉnh khoanh vùng bảo vệ di tích… Bên cạnh đó, vấn đề quản lý các di sản, mô hình quản lý di tích của các địa phương hiện nay rất đa dạng, chưa thống nhất nên khó quản lý, khó xác định trách nhiệm khi có sai phạm trong hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa…
Theo TS Nguyễn Huy Phòng - Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, trong những năm qua, việc phát huy giá trị và nguồn lực văn hóa trong phát triển kinh tế - xã hội đạt được nhiều kết quả nổi bật, tạo nên diện mạo, sức sống mới cho Thủ đô. Tuy nhiên, so với tiềm năng, thế mạnh hiện có, việc khai thác, phát huy giá trị, nguồn lực văn hóa vẫn chưa tương xứng. Nhận diện những bất cập đang đặt ra để có giải pháp khắc phục các điểm nghẽn nhằm khơi thông những mạch nguồn văn hóa, đảm bảo quá trình phát triển nhanh, bền vững của Thủ đô “Văn hiến - Văn minh - Hiện đại” là việc làm cần thiết.
(còn nữa)
07:40 07/08/2024