Bài 2: Cuộc chiến chính sách - Ảnh 1

Thuốc lá mới, bao gồm thuốc lá điện tử và thuốc lá nung nóng (TLĐT, TLNN) đã xâm nhập bất hợp pháp vào thị trường Việt Nam khoảng 10 năm trở lại nay. Hàng loạt câu hỏi đã được đặt ra xung quanh việc cấm hay thí điểm quản lý thuốc lá mới tại nhiều cuộc hội thảo, hội nghị và cả ở nghị trường Quốc hội. “Cuộc chiến chính sách” hiện vẫn rất gay gắt, trong khi đó, hàng nghìn trẻ em đang bị đầu độc hàng ngày bởi làn khói trắng hiểm nguy này.

Bài 2: Cuộc chiến chính sách - Ảnh 2

TLĐT gây hại đối với hệ thần kinh và sức khỏe, bằng chứng là đã có nhiều người bị đột quỵ, tổn thương cả hai bên não, gây nguy hiểm đến tính mạng. Theo ông Nguyễn Tuấn Lâm, chuyên gia phòng chống tác hại thuốc lá của Văn phòng Tổ chức Y tế (WHO) tại Việt Nam thì nếu như sản phẩm thuốc lá truyền thống tác hại lâu dài, các căn bệnh đã được nghiên cứu nhiều, với các sản phẩm nicotine và thuốc lá mới cho thấy nó gây nguy hại cả về dài hại và ngắn hạn.

Cụ thể về dài hạn, khoa học đã chứng minh có những chất độc có thể gây bệnh tim mạch, hô hấp, ung thư trong khói tỏa các sản phẩm này. Còn tác hại ngắn hạn có thể kể đến như là tổn thương phổi cấp. Nhiều bạn trẻ hút thuốc lá điện tử một thời gian sau thấy khó thở, khi chụp phổi, phổi bị trắng đi.

Bài 2: Cuộc chiến chính sách - Ảnh 3

WHO dẫn chứng số liệu ở Mỹ, có 2.800 ca nhập viện và 68 ca tử vong do hội chứng tổn thương phổi cấp gây ra. Ngoài ra, pin trong TLĐT có thể lỗi gây cháy nổ, chấn thương, có em bị nổ pin làm vỡ xương hàm. Và tại Mỹ, theo ước tính trong 2 năm có hơn 2.000 ca chấn thương do nổ pin phải vào viện cấp cứu.

Trước mối nguy của các sản phẩm thuốc lá mới, Bộ Y tế kiên định với quan điểm cùng WHO và nhiều nước trên thế giới đề nghị cấm TLĐT và thuốc TLNN để bảo vệ sức khoẻ Nhân dân, đặc biệt là thế hệ trẻ.

Tuy nhiên, do Luật Phòng chống tác hại thuốc lá (PCTHTL) chưa có khái niệm hay định nghĩa về TLĐT, TLNN nên hiện nay đang còn có các ý kiến khác nhau giữa các cơ quan quản lý, các tổ chức bảo vệ sức khoẻ và doanh nghiệp. Khoản 1 Điều 23 Luật PCTHTL quy định: “Thuốc lá được sản xuất, nhập khẩu để tiêu thụ tại Việt Nam phải bảo đảm tuân thủ quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về thuốc lá mà nhà sản xuất đã công bố”. Khoản 3 Điều 23 Luật này quy định “Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành quy chuẩn quốc gia về thuốc lá điếu”. Như vậy hiện nay chưa có quy chuẩn Việt Nam về TLĐT, TLNN.

Bài 2: Cuộc chiến chính sách - Ảnh 4

Bởi vậy, thời gian vừa qua, đang tồn tại khoảng trống pháp lý trong quản lý nhà nước đối với loại hình sản phẩm này. Bộ Công Thương từng đề xuất thí điểm quản lý TLĐT. Tuy nhiên, tại kỳ họp Quốc hội lần thứ 7, khóa XV vừa qua, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Diên Hồng cho biết: "Nếu Bộ Y tế khẳng định sản phẩm này có hại đến sức khỏe tới mức phải cấm thì Bộ Công Thương ủng hộ việc sớm sửa đổi quy định pháp luật có liên quan để các sản phẩm này không được lưu hành ở nước ta".

 Bộ trưởng Bô Công Thương Nguyễn Hồng Diên cũng khẳng định chưa cấp phép cho bất kỳ đại lý hoặc website nào lưu hành sản phẩm này. Do chưa có quy định rõ ràng về thuốc lá mới nên việc xử lý còn gặp nhiều khó khăn. Bộ Công Thương đang xử lý vi phạm mặt hàng này chủ yếu hành vi buôn bán hàng nhập lậu, không có nguồn gốc xuất xứ, hóa đơn chứng từ. Còn Bộ Công an chủ yếu xử lý hành vi vi phạm về pha trộn, tẩm ướp, bơm tinh chất ma túy và chất cấm trong TLĐT, TLNN.

Luật Đầu tư, Luật PCTHTL chưa đưa thuốc lá mới vào danh mục cấm đầu tư kinh doanh hoặc hành vi bị nghiêm cấm sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu, quảng cáo thuốc lá mới nên việc xử lý các sản phẩm độc hại, nguy hiểm này còn thiếu cơ chế pháp lý hoặc đã có chế tài nhưng chế tài chưa đủ mạnh, chưa đủ sức răn đe.

Bài 2: Cuộc chiến chính sách - Ảnh 5

Cấm hay cấp phép thí điểm quản lý thuốc lá mới là vấn đề tranh luận giữa Bộ Y tế và Bộ Công Thương trong nhiều năm qua. Trong khi Bộ Công Thương muốn đề xuất thí điểm và cho quản lý thì nhiều ý kiến của các bộ, ngành có cùng quan điểm với Bộ Y tế khi cho rằng cần cấm hoàn toàn TLĐT vì gây hại cho sức khỏe.

Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan kiên quyết bảo vệ quan điểm của Bộ, là cấm triệt để tác hại của TLĐT, TLNN với những lý lẽ, số liệu thuyết phục như: Mỗi năm nước ta có khoảng 40.000 người chết vì thuốc lá; Nhân dân, đặc biệt là lớp trẻ chưa nhận thức đầy đủ tác hại của TLĐT. Hàng nghìn trẻ em co giật, tổn thương phổ, thần kinh… đã phải nhập viện sau khi hút TLĐT, TLNN.

Bài 2: Cuộc chiến chính sách - Ảnh 6

Trong khi, vì lợi nhuận cao, các nhà sản xuất TLĐT đã không ngừng cải tiến mẫu mã; tạo mùi và tuyên truyền quảng cáo để đánh lừa người dùng, nên chỉ một thời gian ngắn, TLĐT đã xâm nhập vào giới trẻ rất nhanh, gây ra những hậu quả khôn lường.

Tại phiên giải trình về trách nhiệm quản lý nhà nước về phòng, chống tác hại của TLĐT, TLNN do Ủy ban Văn hóa, Giáo dục và Ủy ban Xã hội của Quốc hội phối hợp tổ chức mới đây, một số ý kiến cho rằng, cần kiểm soát chặt chẽ loại thuốc lá mới này. Quan điểm của Bộ Y tế và nhiều bộ, ngành, đại biểu Quốc hội là cần cấm hoàn toàn việc sản xuất, nhập khẩu, kinh doanh TLĐT, TLNN.

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Thị Kim Chi bày tỏ lo ngại sâu sắc về tác hại của TLĐT, TLNN đối với học sinh, sinh viên - đối tượng mà bộ này chịu trách nhiệm quản lý. Theo Thứ trưởng Nguyễn Thị Kim Chi, những sản phẩm thuốc lá mới này không chỉ ảnh hưởng lớn đến sức khỏe thể chất và tinh thần của học sinh, sinh viên mà còn là nguyên nhân dẫn đến lệch chuẩn về lối sống, là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng vi phạm trật tự an toàn xã hội. "Quan điểm của Bộ luôn nhất quán, là phải cấm sản xuất, kinh doanh, mua bán, quảng cáo TLĐT, TLNN" - Thứ trưởng Nguyễn Thị Kim Chi nói.

Bài 2: Cuộc chiến chính sách - Ảnh 7

Còn thiếu tướng Trần Nguyên Quân - Phó Cục trưởng Cục Pháp chế và Cải cách hành chính, tư pháp (Bộ Công an) cho rằng, TLĐT có tác hại đến sức khỏe con người, đặc biệt là thanh thiếu niên.  Sản phẩm này không chỉ gây hại về sức khỏe, mà còn về kinh tế. Đặc biệt, hiện nay các đối tượng phạm tội về ma túy thường lợi dụng sản phẩm TLĐT để tẩm ướp, pha trộn ma túy.

Trong thời gian qua, lực lượng công an phát hiện nhiều vụ kinh doanh, sử dụng TLĐT có các chất ma túy. Mối liên hệ giữa thuốc lá mới với việc các đối tượng phạm tội về ma túy lợi dụng để phạm tội dưới dạng mua bán, sử dụng TLĐT, TLNN đang gây nên sự phức tạp về an ninh, trật tự ở Việt Nam. Nếu cho phép thí điểm nhập khẩu, sẽ tạo cơ hội cho tình trạng trà trộn chất cấm, chất ma túy, rất khó kiểm soát.

Trước những tác hại khôn lường, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan nêu câu hỏi: “Với trào lưu mới, tập trung chính ở thế hệ trẻ, có nên mở ra cho thử, thí điểm hay không? Mai sau mở ra rồi mà không dừng lại được, lúc đó ai chịu trách nhiệm trước sinh mạng của người dân?”.

Bài 2: Cuộc chiến chính sách - Ảnh 8

 “Các sản phẩm thuốc lá mới xuất hiện trên thị trường Việt Nam hiện nay đều đã được cảnh báo về các nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe cũng như trật tự an toàn xã hội, bằng chứng khoa học rõ ràng nhưng lại chưa được pháp luật điều chỉnh hay quản lý. Các sản phẩm này có đặc tính hấp dẫn cao, đặc biệt là thế hệ thanh thiếu niên, các chiêu thức quảng cáo đang tràn lan trên các kênh, mạng xã hội, dễ mua bán và sử dụng. Do đó việc ban hành các chính sách cấm là cần thiết. Nếu cho thí điểm TLĐT, TLNN chả khác nào thả gà ra đuổi, hệ lụy vô cùng lớn” - ông Nguyễn Tuấn Lâm nêu quan điểm.

Đề cập đến vấn đề khó kiểm soát được thuốc lá mới trên thị trường, bà Trần Thị Nhị Thuỷ, Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ TT&TT cho rằng, các công ty thuốc lá cần mở rộng thị trường và đa dạng đối tượng người sử dụng, đặc biệt giới trẻ là nguồn khách hàng tiềm năng và tương lai sẽ sử dụng các sản phẩm này trong thời gian dài. WHO đã khuyến cáo “không có một sản phẩm thuốc lá nào là không có hại cho sức khỏe”. Bởi vậy, cụm từ “sản phẩm thuốc lá giảm hại” được đưa ra bởi ngành công nghiệp thuốc lá đa quốc gia và là một cách để thuyết phục người sử dụng tin rằng các sản phẩm thuốc lá mới mà họ sản xuất ra ít có hại hơn thuốc lá điếu thông thường. Mối quan tâm chính của ngành này là mở rộng và bảo vệ thị trường thuốc lá và các sản phẩm nicotin gây nghiện khác nhằm tối đa hóa lợi nhuận.

Bài 2: Cuộc chiến chính sách - Ảnh 9

Về vấn đề này, lãnh đạo Bộ Y tế cho rằng: “Nếu ngành công nghiệp thuốc lá thực sự muốn người hút thuốc chuyển sang các sản phẩm thuốc lá ít độc hại hơn, vậy tại sao họ vẫn chi số tiền khổng lồ để tiếp thị các loại thuốc lá gây chết người và gây nghiện cũng như phản đối các chính sách kiểm soát thuốc lá đã được chứng minh là có tác dụng giảm hút thuốc”.

Trong báo cáo tại Hội nghị các bên tham gia Công ước khung lần thứ 6 và 7 (COP7) đã nêu: “Tất cả các sản phẩm thuốc lá đều gây hại đối với sức khỏe. Việc tuyên truyền TLNN ít hóa chất độc hại hơn so với thuốc lá điếu thông thường sẽ gây hiểu nhầm cho người sử dụng về tác hại của thuốc lá nung nóng”. WHO kêu gọi các quốc gia cần ngăn ngừa việc đưa ra các kết luận thiếu căn cứ về tính an toàn của các sản phẩm này, đồng thời thực hiện đầy đủ các biện pháp phòng chống tác hại thuốc lá hiệu quả được quy định trong Công ước khung thay vì sử dụng các sản phẩm mới được quảng cáo là ít có hại.

Tại Hội nghị các bên tham gia Công ước khung của WHO về kiểm soát thuốc lá (COP 8), WHO đã khuyến cáo: Việc cho phép các sản phẩm mới sẽ làm tăng nhanh tỷ lệ sử dụng các sản phẩm này, dẫn tới nghiện nicotine và sử dụng thuốc lá điếu thông thường ở giới trẻ. Các bên tham gia cần cân nhắc ưu tiên áp dụng các biện pháp để ngăn chặn sự bắt đầu sử dụng các sản phẩm thuốc lá mới, bao gồm ở cấp độ cao nhất là ban hành quy định cấm.

(còn nữa)

Bài 2: Cuộc chiến chính sách - Ảnh 10

16:28 05/09/2024