Bài 2: ĐBSCL hướng tới khai thác du lịch bền vững - Ảnh 1

(Kinhtedothi) – Trước những tiềm năng, thế mạnh cũng như khó khăn nhất định trong việc phát triển du lịch của các tỉnh ĐBSCL, việc tổ chức Hội thảo: "Xây dựng, phát triển tour tuyến và sản phẩm du lịch đặc thù của ĐBSCL" là một trong những giải pháp “tháo gỡ” các “nút thắt” đang hạn chế phát triển du lịch của khu vực, đồng thời quảng bá các điểm du lịch đặc sắc đến với du khách trong và ngoài nước.

Bài 2: ĐBSCL hướng tới khai thác du lịch bền vững - Ảnh 2

Nhiều chuyên gia về du lịch khẳng định, những sản phẩm du lịch đặc thù của vùng ĐBSCL như lễ hội, chợ nổi, tham quan các nhà cổ, chèo ghe trên sông rạch, tham quan vườn trái cây, thưởng thức đờn ca tài tử,..., đặc biệt là các mô hình du lịch sinh thái tại các tỉnh còn giống nhau, dễ gây nhàm chán cho du khách.

Các dịch vụ du lịch ít được đổi mới, chưa tìm kiếm mở rộng thị trường và còn quá lệ thuộc vào một số thị trường trọng điểm, thị trường quen thuộc nên dễ gặp rủi ro khi có biến động. Các sản phẩm quà tặng, đồ lưu niệm còn thô sơ, thiếu sự sáng tạo, tính nghệ thuật và giá trị chưa cao, không thu hút được du khách, dẫn đến giảm tính cạnh tranh cho các điểm đến và khó kích cầu tiêu dùng.

Du khách được trải nghiệm nhiều hoạt động khi du lịch tại các tỉnh ĐBSCL.
Du khách được trải nghiệm nhiều hoạt động khi du lịch tại các tỉnh ĐBSCL.

Mặc dù các tỉnh ĐBSCL có thế mạnh về đường sông, đường biển nhưng sự kết nối giao thông nội vùng còn rất khó khăn, thời gian vận chuyển hành khách còn quá dài. Thực tế cho thấy, đường sông chưa phát triển, đường biển thiếu cảng hành khách và phương tiện chưa đủ quy mô khai thác vận chuyển hành khách. Hiện nay đường hàng không tuy có phát triển nhưng chưa đáp ứng được nhu cầu ngày càng cao của du lịch. Tuyến đường bộ toàn vùng và nội vùng chưa hình thành mạng lưới đáp ứng yêu cầu của du lịch, còn thiếu cơ sở hạ tầng cả về hạ tầng giao thông, trạm dừng chân,... chưa đáp ứng nhu cầu của du khách.

Sản phẩm du lịch, nông nghiệp, du lịch cộng đồng còn mang tính chất thời vụ, chỉ là sản phẩm tăng thêm. Bên cạnh đó, việc kết nối các doanh nghiệp du lịch giữa các tỉnh còn nhiều khó khăn, hầu hết đều là các doanh nghiệp du lịch vừa và nhỏ, sức cạnh tranh thấp chưa quan tâm đến hợp tác kinh doanh và quảng bá thương hiệu...

Bài 2: ĐBSCL hướng tới khai thác du lịch bền vững - Ảnh 3

Ông Trần Hiếu Hùng – Giám đốc Sở Văn hóa, thể thao và du lịch tỉnh Cà Mau cho biết: Sản phẩm du lịch địa phương còn đơn điệu, thiếu tính chuyên nghiệp và chưa được đầu tư đúng mức; thiếu sự đổi mới trong phát triển tour tuyến; một số địa phương không quan tâm đến việc phát triển sản phẩm và nâng cao chất lượng sản phẩm.

Bài 2: ĐBSCL hướng tới khai thác du lịch bền vững - Ảnh 4

Hiện tại, nhiều tỉnh, thành vùng ĐBSCL đã có nhiều sáng tạo, khai thác một số sản phẩm du lịch có tính đặc thù, mang đậm dấu ấn sông nước của vùng châu thổ thông qua các hoạt động du lịch cộng đồng như: ở lại nhà của người dân địa phương cùng sinh hoạt ăn uống, làm ruộng, làm vườn như một người dân bản địa, tham quan vườn trái cây bằng xuồng ba lá; câu cá, tát mương bắt cá, hòa mình cùng với thiên nhiên.

Bài 2: ĐBSCL hướng tới khai thác du lịch bền vững - Ảnh 5

Loại hình du lịch này đang rất được khách du lịch trong và ngoài nước "ưa chuộng” bởi vì khi tham gia, du khách sẽ được hòa mình vào cuộc sống của người dân địa phương, được tận hưởng không khí vùng quê trong lành, có cơ hội tìm hiểu thêm về văn hóa, nghệ thuật dân gian, thưởng thức các món ăn ngon đặc sản của địa phương...

Bài 2: ĐBSCL hướng tới khai thác du lịch bền vững - Ảnh 6

Ông Trần Việt Phường – Chủ tịch Hiệp Hội du lịch ĐBSCL cho biết: Đối với hoạt động du lịch, sản phẩm du lịch đặc thù có vai trò hết sức quan trọng. Bởi lẽ, sản phẩm đặc thù tạo ra tính hấp dẫn cao, thu hút thị trường khách; tạo sức cạnh tranh cho điểm đến hoặc địa phương, làm điểm nhấn cho hệ thống sản phẩm, giúp xây dựng thương hiệu du lịch cho địa phương và vùng; có khả năng tạo ra động lực cho các sản phẩm du lịch khác cùng phát triển.

Bài 2: ĐBSCL hướng tới khai thác du lịch bền vững - Ảnh 7

Chia sẻ với phóng viên, ông Nguyễn Minh Tuấn – Giám đốc Sở Văn hóa thể thao và du lịch TP Cần Thơ khẳng định, việc xây dựng, phát triển tour tuyến và sản phẩm du lịch đặc thù rất quan trọng trong việc thu hút khách du lịch. Hầu như các tỉnh khu vực ĐBSCL điều có những sản phẩm du lịch tương đồng nhau, chưa có sự đột phá trong từng sản phẩm du lịch, chỉ riêng tỉnh Kiên Giang có lợi thế để phát triển về du lịch biển, đảo.

Bài 2: ĐBSCL hướng tới khai thác du lịch bền vững - Ảnh 8

Còn theo ông Nguyễn Vũ Khắc Huy – Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội du lịch tỉnh Kiên Giang, xây dựng sản phẩm du lịch rất quan trọng với mỗi địa phương, nhiều doanh nghiệp du lịch khai thác các sản phẩm du lịch dựa trên lợi thế vùng miền để triển khai. Điển hình như Phú Quốc hay Đồng Tháp triển khai sản phẩm du lịch MICE rất phù hợp với các doanh nghiệp lớn tổ chức hội họp…. 

---------------------
Nội dung: Hoàng Tuấn, Hồng Thắm
Trình bày: Duy Anh

11:09 20/03/2024