Bài 2: Hà Nội không để ai ở lại phía sau - Ảnh 1

Để giảm nghèo bền vững cũng như từng bước nâng cao chất lượng cuộc sống Nhân dân, năm 2024, Thủ đô Hà Nội đặt ra mục tiêu xây dựng, sửa chữa 724 nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, dự kiến trước ngày 30/9 hoàn thành, hướng tới kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954 – 10/10/2024).

Bài 2: Hà Nội không để ai ở lại phía sau - Ảnh 2

Việc hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo là động lực để giúp các hộ gia đình vượt qua khó khăn, từng bước ổn định và có cuộc sống tốt hơn. Trong những năm qua, với sự chỉ đạo triển khai quyết liệt, thiết thực, có hiệu qủa của Thành ủy Hà Nội, nhiều gia đình người có công, hộ nghèo, hộ cận nghèo đã được hỗ trợ xây mới, sửa chữa nhà ở.

Bài 2: Hà Nội không để ai ở lại phía sau - Ảnh 3

Chỉ tính từ năm 2021 đến năm 2023, Ủy ban MTTQ các cấp TP Hà Nội đã vận động ủng hộ Quỹ Vì người nghèo được trên 250,56 tỷ đồng. Từ nguồn tiền ủng hộ này, MTTQ các cấp đã trích trên 209,701 tỷ đồng hỗ trợ hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn xây dựng, sửa chữa 2.037 nhà đại đoàn kết... Kết quả năm 2023, toàn TP đã giảm được 1.456 hộ nghèo, đưa tỷ lệ hộ nghèo xuống giảm còn 0,03% (690 hộ), tỷ lệ hộ cận nghèo còn 0,7% (15.835 hộ). Những kết quả đó góp phần vào việc đến nay TP Hà Nội có 18/30 quận, huyện không còn hộ nghèo, 5 quận không còn hộ cận nghèo.

Thực hiện Chương trình 08 của Thành ủy Hà Nội, HĐND TP Hà Nội đã ban hành Nghị quyết số 14/2023/NQ-HĐND Quy định việc hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn TP Hà Nội. Theo đó, hộ nghèo, hộ cận nghèo theo chuẩn nghèo của TP Hà Nội giai đoạn 2022 – 2025 có trong danh sách hộ nghèo, hộ cận nghèo năm 2023 được hỗ trợ kinh phí xây dựng, sửa chữa nhà ở. Các hộ nghèo, hộ cận nghèo được hỗ trợ 50 triệu đồng xây nhà mới; 30 triệu đồng sửa chữa nhà. Ngoài ra, các hộ còn được vay tối đa 50 triệu đồng qua chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội TP, không phải trả lãi suất vay 3%/năm, thời hạn vay tối đa 15 năm.

Bài 2: Hà Nội không để ai ở lại phía sau - Ảnh 4

Ngay sau đó, tiếp tục thực hiện chương trình an sinh xã hội, ngày 18/1/2024, UBND TP Hà Nội và Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Hà Nội đã ban hành Kế hoạch liên tịch số 24/KHLT-UBND-UBMTTQ Hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn TP Hà Nội. Kế hoạch nêu rõ, hộ nghèo, hộ cận nghèo theo chuẩn nghèo, cận nghèo của TP Hà Nội có nhà ở xuống cấp, không có khả năng tự cải thiện được hỗ trợ, vay vốn để xây dựng, sửa chữa. Mức hỗ trợ 100 triệu đồng đối với nhà xây mới; 60 triệu đồng với nhà sửa chữa... Đây là chính sách đặc thù, rất nhân văn của Thủ đô.

Để giúp người khó khăn có chỗ ở an toàn, từ đó yên tâm lao động sản xuất, ngày 3/4/2024, 15 huyện, thị xã của TP Hà Nội cùng đồng loạt tổ chức Chương trình hỗ trợ và khởi công xây dựng, sửa chữa nhà ở cho 724 hộ nghèo, hộ cận nghèo.

Bài 2: Hà Nội không để ai ở lại phía sau - Ảnh 5

Tham dự Chương trình trao hỗ trợ và khởi công xây dựng, sửa chữa nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo tại huyện Ứng Hòa, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND TP Hà Nội Phùng Thị Hồng Hà khẳng định: “Chương trình trao hỗ trợ và khởi công xây dựng, sửa chữa nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo tại 15 huyện, thị xã trên địa bàn TP do Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Hà Nội tổ chức là việc làm thiết thực, mang tính nhân văn sâu sắc, thể hiện truyền thống đoàn kết, “lá lành đùm lá rách”, tương thân tương ái, chung tay vì người nghèo của cả hệ thống chính trị Thủ đô. Qua đó, chương trình tạo điều kiện cho các hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn có cuộc sống ngày càng tốt hơn...”.

Bài 2: Hà Nội không để ai ở lại phía sau - Ảnh 6

Để việc xây dựng, sửa nhà cho hộ nghèo, hộ cận nghèo theo đúng tiến độ, 15 huyện, thị xã đã xây dựng và ban hành kế hoạch và có sự phân công cụ thể. Phó Chủ tịch UBND huyện Đông Anh Nguyễn Thị Tám cho biết: đến nay huyện đã ban hành quyết định phê duyệt danh sách 33 hộ đủ điều kiện theo Nghị quyết 14/2023/NQ-HĐND, trong đó xây mới 28 nhà, sửa chữa 5 nhà. Đồng thời, huyện tiếp tục, rà soát, thẩm định đối với 31 hộ có hoàn cảnh khó khăn về nhà ở đã đăng ký nhu cầu xây, sửa nhà Đại đoàn kết trong năm 2024.

Bài 2: Hà Nội không để ai ở lại phía sau - Ảnh 7

Tại huyện Thường Tín, bằng tình yêu thương và sự sẻ chia, giúp đỡ của cộng đồng cùng toàn xã hội, hàng trăm gia đình chính sách, hộ nghèo có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn trên địa bàn huyện đã được xây dựng, sửa chữa nhà ở kiên cố giúp vơi đi những bộn bề vất vả… Bí thư Huyện ủy Thường Tín Nguyễn Tiến Minh chia sẻ, nhiều năm qua, địa phương huy động các nguồn lực từ DN, mạnh thường quân, người dân trên toàn địa bàn ủng hộ, xã hội hóa để xây mới, sửa chữa những ngôi nhà mang tên “Đại đoàn kết”, “Nhà mái ấm” chan chứa tình người, tiếp sức cho các gia đình vươn lên thoát nghèo, ổn định cuộc sống.

Từ đầu năm 2024 đến nay có hơn 67 gia đình chính sách, hộ nghèo, cựu thanh niên xung phong… đã và đang được chính quyền địa phương huyện Thường Tín xây mới, sửa chữa nhà và bàn giao cho các gia đình, cá nhân có hoàn cảnh khó khăn. Đây là nỗ lực vận động, kết nối của đội ngũ cán bộ mặt trận các cấp dành cho những hộ gia đình sinh sống trên địa bàn.

Bài 2: Hà Nội không để ai ở lại phía sau - Ảnh 8

Ba Vì là huyện bán sơn địa với 7 xã miền núi, được TP giao xây dựng, sửa chữa 184 nhà theo Nghị quyết 14/2023/NQ-HĐND. Để công tác đảm bảo tiến độ, UBND huyện đã tập trung chỉ đạo và ban hành 1 kế hoạch, 2 công văn, 7 quyết định để triển khai thực hiện các nội dung về hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà ở.

Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Ba Vì Nguyễn Đức Anh, với sự quyết tâm vào cuộc của cả hệ thống chính trị các cấp, đến ngày 15/7, huyện Ba Vì đã hoàn thành xây dựng, sửa chữa 133/184 nhà (xây mới 68 nhà, sửa chữa 65 nhà). Huyện phấn đấu đạt mục tiêu trước ngày 30/9/2024 hoàn thành 100% số công trình xây dựng, sửa chữa nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo; vì thế, UBND huyện, thành viên Ban chỉ đạo giảm nghèo đang tăng cường chỉ đạo, hướng dẫn, đôn đốc các xã, thị trấn kiểm tra, giám sát, hỗ trợ các hộ xây dựng, sửa chữa nhà đảm bảo tiến độ.

Bài 2: Hà Nội không để ai ở lại phía sau - Ảnh 9

Đối với Phú Xuyên, năm 2024 trên địa bàn huyện có 70 hộ nghèo, cận nghèo được TP, huyện và các tổ chức xã hội hỗ trợ xây, sửa nhà ở. Ngày 3/4, huyện Phú Xuyên trao hỗ trợ tiền cho các hộ gia đình để tiến hành khởi công xây dựng, sửa chữa nhà. UBND huyện Phú Xuyên cũng tổ chức lễ khởi công xây nhà “Đại đoàn kết” và trao hỗ trợ tiền đối với các hộ gia đình ở xã Khai Thái.

Sau hơn 3 tháng xây dựng, sửa chữa nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, đến nay 15 huyện, thị xã thực hiện đạt kết quả tốt. Theo báo cáo của Sở LĐTB&XH Hà Nội, tính đến ngày 15/7/2024 có 713/724 hộ nghèo, hộ cận nghèo đã tiến hành khởi công xây dựng, sửa chữa nhà, đạt 98,48%. 10 huyện, thị xã có số nhà ở hộ nghèo, hộ cận nghèo được khởi công xây dựng và sửa chữa, đạt 100% là: Sơn Tây, Chương Mỹ, Đan Phượng, Mê Linh, Mỹ Đức, Phú Xuyên, Phúc Thọ, Quốc Oai, Thanh Oai, Ứng Hòa. Đến ngày 15/7, có 473 nhà đã hoàn thành, trong đó 237 nhà xây mới; 236 nhà sửa chữa. Các địa phương có số nhà hoàn thành xây dựng, sửa chữa đạt tỷ lệ cao là thị xã Sơn Tây 100%, huyện Mê Linh đạt 75,76%, huyện Chương Mỹ đạt 72,73%...

Bài 2: Hà Nội không để ai ở lại phía sau - Ảnh 10

Từ những kết quả đạt được đã khẳng định Chương trình hỗ trợ xây sửa nhà cho hộ nghèo, hộ cận nghèo của TP Hà Nội được thực hiện tại 15 huyện, thị xã là việc làm hết sức thiết thực, mang tính nhân văn sâu sắc, thể hiện truyền thống đoàn kết, chung tay vì người nghèo của cả hệ thống chính trị Thủ đô. Chương trình đã tạo điều kiện cho các gia đình có hoàn cảnh khó khăn có cuộc sống ngày càng tốt hơn. Đồng thời mang ý nghĩa thiết thực chào mừng kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954-10/10/2024) và chào mừng Đại hội đại biểu MTTQ Việt Nam các cấp nhiệm kỳ 2024 – 2029.

(Còn nữa)

Bài 2: Hà Nội không để ai ở lại phía sau - Ảnh 11

16:26 26/07/2024