Bài 2: Công phu, nghiêm túc, chất lượng trong dự thảo Luật - Ảnh 1
Bài 2: Công phu, nghiêm túc, chất lượng trong dự thảo Luật - Ảnh 2
Bài 2: Công phu, nghiêm túc, chất lượng trong dự thảo Luật - Ảnh 3

Theo Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tư pháp đã chủ trì, phối hợp với UBND Thành phố Hà Nội, các bộ, ngành và các địa phương liên quan tổng kết thi hành Luật Thủ đô năm 2012; rà soát, lập đề nghị và soạn thảo dự thảo Luật theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Các quy định của dự thảo Luật được Bộ Tư pháp tổng hợp, xây dựng và hoàn thiện dựa trên cơ sở đề xuất của UBND Thành phố Hà Nội, ý kiến thảo luận của Thường trực Chính phủ, ý kiến chỉ đạo của Chính phủ, ý kiến kết luận của của lãnh đạo Quốc hội tại buổi làm việc với Thường trực Thành ủy Hà Nội.

Thực hiện nhiệm vụ đề xuất xây dựng Luật Thủ đô (sửa đổi) theo Nghị quyết Đại hội lần thứ XVII Đảng bộ Thành phố Hà Nội, Phó Bí thư Thành uỷ, Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh cho biết, từ năm 2021, Hà Nội đã tiến hành việc tổng kết thi hành Luật Thủ đô năm 2012 và đề xuất chính sách xây dựng Luật Thủ đô (sửa đổi). Thành ủy Hà Nội đã thành lập Ban Chỉ đạo; UBND Thành phố đã thành lập Tổ công tác xây dựng Luật Thủ đô (sửa đổi) để lãnh đạo, chỉ đạo và triển khai nhiệm vụ tổng kết thi hành Luật và xây dựng hồ sơ Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi).

Bài 2: Công phu, nghiêm túc, chất lượng trong dự thảo Luật - Ảnh 4

Sau khi xây dựng dự thảo Luật, Thành phố Hà Nội đã tổ chức nhiều hội nghị, hội thảo, tọa đàm, lấy ý kiến đóng góp của nguyên lãnh đạo Thành phố, các chuyên gia, nhà khoa học, cử tri và Nhân dân Thủ đô đối với toàn bộ dự thảo Luật. Đoàn đại biểu Quốc hội Thành phố Hà Nội đã tổ chức các cuộc tiếp xúc chuyên đề, lấy ý kiến đóng góp vào dự thảo Luật.

Bài 2: Công phu, nghiêm túc, chất lượng trong dự thảo Luật - Ảnh 5

Đáng chú ý, ngày 1/8/2023, Đảng ủy Khối các trường đại học, cao đẳng Hà Nội đã phối hợp với Sở Tư pháp Hà Nội và Trường Đại học Luật Hà Nội tổ chức Hội thảo khoa học “Góp ý Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi)”. Hội thảo có sự tham dự của 350 đại biểu đến từ các bộ, ngành Trung ương; thành viên Ban Soạn thảo Dự thảo Luật Thủ đô; đội ngũ trí thức, nhà khoa học, chuyên gia đầu ngành trên các lĩnh vực đến từ hơn 70 trường đại học, cao đẳng, học viện trên địa bàn Hà Nội.

Các chuyên gia, nhà khoa học đã khảo sát tình hình thực tiễn, góp ý cụ thể vào từng vấn đề; tập trung thảo luận làm sáng tỏ vị trí, vai trò, tầm vóc của Thủ đô trong xây dựng và phát triển đất nước, tính đặc thù vượt trội, vượt trước trong luật để Thủ đô phát triển.

Bài 2: Công phu, nghiêm túc, chất lượng trong dự thảo Luật - Ảnh 6

Tại các hội nghị, hội thảo, tọa đàm, tiếp xúc cử tri, các ý kiến đều bày tỏ mong Luật Thủ đô (sửa đổi) sớm được thông qua; đồng thời, đề xuất, góp ý về các cơ chế, chính sách, đáp ứng yêu cầu phát triển Thủ đô; như chính sách về tổ chức bộ máy biên chế; quy định thu nhập, tiền lương cho cán bộ, công chức; thu hút, trọng dụng nhân tài; phát triển đô thị theo định hướng giao thông công cộng…

Ngày 4/10/2023, tại hội nghị tiếp xúc cử tri trước Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khoá XV, lấy ý kiến đóng góp vào Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) của Đoàn đại biểu Quốc hội Thành phố Hà Nội, cử tri Vũ Thị Lệ Quyên (huyện Thạch Thất) kiến nghị cần có cơ chế đặc thù cho Thủ đô và nên giao HĐND Thành phố Hà Nội quyết định về bộ máy, số lượng biên chế, chế độ tiền lương, phụ cấp của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Về cơ chế, chế độ chính sách thu hút nhân tài và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cho Thành phố, cử tri đề nghị cần có sự phân hóa rõ ràng về đối tượng để có quy định về chế độ, chính sách phù hợp trong tuyển dụng không qua thi tuyển, xếp lương, bổ nhiệm và đãi ngộ đối với các nhân tài về làm việc tại Thủ đô. 

Từ đó, Tổ công tác xây dựng Luật đã tiếp thu nhiều ý kiến đóng góp quý báu, có giá trị thiết thực cả về lý luận và thực tiễn; giúp Thành phố tiếp tục hoàn thiện Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) với những quy định đặc thù, vượt trội, hiệu lực, hiệu quả, tạo thể chế thuận lợi để xây dựng, phát triển Thủ đô văn hiến, văn minh, hiện đại.

Bài 2: Công phu, nghiêm túc, chất lượng trong dự thảo Luật - Ảnh 7

Qua quá trình xây dựng Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi), lãnh đạo UBND Thành phố Hà Nội khẳng định, dự thảo Luật là kết quả của quá trình phối hợp trong một khoảng thời gian dài nghiên cứu, xây dựng, hoàn thiện giữa Thành phố Hà Nội, Bộ Tư pháp và các cơ quan có liên quan. Trong quá trình dự thảo Luật được Quốc hội xem xét, UBND Thành phố Hà Nội đã chỉ đạo các sở ngành tham gia, phối hợp chặt chẽ với Bộ Tư pháp trong việc giải trình, thuyết minh về dự thảo Luật; bám sát các cơ quan thuộc Quốc hội, bộ, ngành để báo cáo giải trình, làm rõ về dự án Luật.

Bài 2: Công phu, nghiêm túc, chất lượng trong dự thảo Luật - Ảnh 8

Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 6 gồm 7 chương, 59 điều (tăng 3 chương, 32 điều so với Luật Thủ đô 2012), thể hiện đầy đủ, toàn diện 9 nhóm chính sách mà Chính phủ trình Quốc hội khi lập đề nghị xây dựng Luật. Trong đó có nhiều nội dung mang tính đột phá, đặc thù; nhiều nội dung thể hiện sự kế thừa, bổ sung và phát triển hơn so với Luật Thủ đô hiện hành. Cùng đó, dự thảo Luật đã bổ sung một số chính sách mới để bảo đảm đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước trên địa bàn Thủ đô.

Bài 2: Công phu, nghiêm túc, chất lượng trong dự thảo Luật - Ảnh 9

Báo cáo thẩm tra chính thức trình Quốc hội của Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cho biết, Thường trực Ủy ban Pháp luật và các cơ quan tham gia thẩm tra đều tán thành với sự cần thiết ban hành Luật Thủ đô (sửa đổi) nhằm kịp thời thể chế hóa các quan điểm, định hướng phát triển Thủ đô Hà Nội được đề ra trong các nghị quyết của Trung ương, Bộ Chính trị, tạo cơ chế đột phá, huy động mọi nguồn lực, khai thác hiệu quả các tiềm năng, thế mạnh, đưa Thủ đô tiếp tục phát triển nhanh, bền vững.

Bài 2: Công phu, nghiêm túc, chất lượng trong dự thảo Luật - Ảnh 10

Hồ sơ Dự án Luật Thủ đô (sửa đổi) được Chính phủ chuẩn bị rất công phu, nghiêm túc, chất lượng. Ngoài các tài liệu theo đúng quy định tại Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, trong hồ sơ của dự thảo Luật còn kèm theo bản thuyết minh chi tiết về từng quy định, chính sách được đề xuất trong dự thảo Luật và dự thảo kế hoạch triển khai thi hành Luật Thủ đô (sửa đổi); trong đó dự kiến các công việc, phân công trách nhiệm và tiến độ triển khai thực hiện sau khi Luật được ban hành. Các nội dung nêu trên trong hồ sơ dự án Luật đã đáp ứng yêu cầu của Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong quá trình xem xét dự thảo Luật tại Phiên họp thứ 26 (tháng 9/2023).

Bài 2: Công phu, nghiêm túc, chất lượng trong dự thảo Luật - Ảnh 11

Ủy ban Pháp luật và các cơ quan tham gia thẩm tra đều tán thành với mục đích và các quan điểm xây dựng Luật Thủ đô (sửa đổi), đặc biệt là quan điểm Luật Thủ đô cần tập trung quy định các cơ chế, chính sách đặc thù đối với Thủ đô trên những lĩnh vực quan trọng để cụ thể hóa chủ trương của Đảng về xây dựng và phát triển Thủ đô xứng đáng là trung tâm đầu não chính trị - hành chính quốc gia, trung tâm lớn về kinh tế, văn hóa, giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ, hội nhập quốc tế, có sức cạnh tranh cao với khu vực và thế giới, có sức lan tỏa nhằm thúc đẩy vùng Đồng bằng sông Hồng, vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và cả nước cùng phát triển.

Ủy ban Pháp luật cho rằng, phạm vi của Luật Thủ đô mới phải toàn diện, bao quát trên hầu hết các lĩnh vực, không chỉ quy định về các cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Thủ đô trong một số lĩnh vực như trước đây mà còn quy định về tổ chức chính quyền địa phương và việc phân quyền cho chính quyền địa phương trên địa bàn Thủ đô cũng như việc liên kết, phát triển Vùng Thủ đô.

Bài 2: Công phu, nghiêm túc, chất lượng trong dự thảo Luật - Ảnh 12

Tán thành sự cần thiết sửa đổi Luật Thủ đô, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đánh giá cao quá trình chuẩn bị của Chính phủ, Thành phố Hà Nội và các bộ, đặc biệt là Bộ Tư pháp. Cơ quan chủ trì soạn thảo, cơ quan chủ trì thẩm tra cũng phối hợp rất chặt chẽ trong việc trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội về hồ sơ dự thảo Luật, đảm bảo đầy đủ, đúng quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, đúng tiến độ của chương trình xây dựng luật, pháp lệnh đã được Quốc hội thông qua.

Với phạm vi điều chỉnh như vậy, Luật Thủ đô mới sẽ tạo cơ sở pháp lý vững chắc và tạo động lực mới trong xây dựng, bảo vệ, phát triển Thủ đô theo hướng toàn diện và bền vững, xứng đáng với vị trí, vai trò của Thủ đô trong tiến trình phát triển đi lên của đất nước.

Bài 2: Công phu, nghiêm túc, chất lượng trong dự thảo Luật - Ảnh 13
Bài 2: Công phu, nghiêm túc, chất lượng trong dự thảo Luật - Ảnh 14

06:00 08/11/2023