Dù vẫn còn những thách thức trong bối cảnh đô thị hóa, nhịp sống số, song vấn đề xây dựng hệ giá trị gia đình Thủ đô vẫn luôn được TP Hà Nội đặc biệt quan tâm, từ thể chế chính sách đến giải pháp, hành động cụ thể. Nhiều phong trào, cuộc vận động gắn với tiêu chí xây dựng gia đình văn hóa được triển khai, thu hút đông đảo người dân Thủ đô tham gia và đạt kết quả tích cực.
Chắc hẳn mỗi cán bộ, đảng viên, người dân Thủ đô đều nhớ, phát biểu tại Đại hội đại biểu Đảng bộ TP Hà Nội lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020 – 2025, ngày 12/10/2020, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: Hà Nội tự hào là nơi hội tụ, kết tinh và toả sáng của vùng đất địa linh nhân kiệt, hội tụ nhân tài của đất nước; làm nên một hình ảnh tiêu biểu của cả nước, một "Thủ đô của lương tri và phẩm giá con người"; là "Thành phố vì hòa bình" và nay Hà Nội là "Thành phố sáng tạo". Đây chính là nguồn sức mạnh nội sinh, động lực tinh thần to lớn để phát triển Thủ đô trong thời gian tới. Do đó, cần khơi dậy lòng tự hào, tình yêu, tinh thần trách nhiệm với Hà Nội. Xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh, hiện đại, tôn trọng pháp luật. Người Hà Nội phải sống thực sự có văn hoá, tiêu biểu cho văn hoá dân tộc. Đó là lối sống nhân ái, nghĩa tình, thuỷ chung, trong sáng, lịch sự.
Lời chỉ đạo đó được Thành ủy, HĐND, UBND TP Hà Nội luôn khắc sâu ghi nhớ và cụ thể hóa bằng các chương trình trọng tâm công tác. Theo đó, Thành ủy khóa XVII dành hai chương trình lớn liên quan đến phát triển văn hóa, an sinh xã hội, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, qua đó vun đắp, làm dày thêm hệ giá trị gia đình Thủ đô giàu bản sắc. Đó là Chương trình số 06-CTr/TU về “Phát triển văn hóa, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh giai đoạn 2021 - 2025” và Chương trình số 08-CTr/TU về “về “Phát triển hệ thống an sinh xã hội, nâng cao phúc lợi xã hội, chất lượng cuộc sống của Nhân dân Thủ đô giai đoạn 2021 - 2025”.
Tuy nhiên, nhìn suốt chiều dài phát triển của Thủ đô ngàn năm văn hiến, vấn đề xây dựng giá trị con người, giá trị gia đình Hà Nội đều được đặc biệt quan tâm. Nói như TS Phan Đăng Long – Phó Chủ tịch Hội Sử học Hà Nội, nguyên Phó trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội, có thể khẳng định, hầu hết các nhiệm kỳ Đại hội, các khóa Thành ủy Hà Nội đều có nghị quyết, chương trình mục tiêu về phát triển văn hóa, xây dựng con người.
Một dấu mốc đáng chú ý trong xây dựng hệ giá trị gia đình Thủ đô là năm 2019, TP Hà Nội là một trong 12 tỉnh, TP trên cả nước được Bộ VHTT&DL lựa chọn triển khai thí điểm Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình. Theo đó, Hà Nội đã chọn phường Khương Trung, quận Thanh Xuân và xã Phú Cường, huyện Ba Vì để thực hiện thí điểm.
Phường Khương Trung là đơn vị hành chính cấp phường loại 1, có mật độ dân cư đông, địa giới được sắp xếp thành 27 tổ dân phố, dân số xấp xỉ 3,5 vạn người, có trên 9.000 hộ gia đình. Cộng đồng dân cư là sự đan xen giữa cán bộ trong quân đội và cán bộ, công nhân viên Nhà nước, các hộ gia đình đến nhập cư từ nhiều nơi với người dân gốc làng Khương Trung trước đây, mức sống của các hộ gia đình còn có sự chênh lệch, tốc độ tăng dân số cơ học cao. Nhiều phong trào, hoạt động xây dựng mô hình văn hóa ở cơ sở đạt kết quả tốt; những giá trị, nét đẹp văn hoá của người Hà Nội thanh lịch, văn minh, truyền thống trong gia đình, họ tộc và cộng đồng dân cư được kế thừa, phát huy.
Được chọn làm điểm thực hiện Bộ quy tắc ứng xử trong gia đình, phường Khương Trung đã triển khai tại tổ dân phố số 4 và 12 với 300 gia đình ký cam kết thực hiện theo 4 nhóm đối tượng: ứng xử giữa vợ chồng; cha mẹ với con cái; ông, bà với cháu và anh, chị, em, gắn với thực hiện nhiệm vụ bình xét và công nhận các danh hiệu văn hóa theo quy định tại Nghị định số 122/2018/NĐ-CP của Chính phủ.
Đặc biệt, Chi bộ tại tổ dân phố số 4 và số 12 đã có Nghị quyết lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện, với nội dung kết hợp xây dựng Tổ dân phố văn hóa “Năm không” gồm: không rác; không có vi phạm pháp luật; không xảy ra trường hợp cháy nổ; không lấn chiếm vỉa hè, lòng đường; không vi phạm trật tự xây dựng gắn với thực hiện thí điểm Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình nhằm tạo bước chuyển biến rõ nét phong trào xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh; xây dựng nếp sống văn minh, văn hóa từ trong gia đình đến toàn tổ dân phố.
Việc thực hiện thí điểm Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình được thông báo công khai trên các bảng tin của tổ, tạo không khí sôi nổi để các gia đình xung phong đăng ký. Định kỳ hàng tháng có đánh giá, rút kinh nghiệm trong triển khai thực hiện các tiêu chí. Chia sẻ với Kinh tế & Đô thị, Phó Chủ tịch UBND phường Khương Trung Trần Thị Nhiên cho biết, tại 300 gia đình đăng ký thực hiện thí điểm Bộ tiêu chí không xảy ra những tiêu cực về đạo đức và các mối quan hệ trong gia đình. Không xảy ra các hiện tượng bất bình đẳng, vợ chồng mâu thuẫn, ly hôn. “Trên cơ sở thành công đó, năm 2022, UBND phường Khương Trung đã triển khai đến toàn thể các hộ gia đình trên địa bàn phường, tổ chức cho Nhân dân ký cam kết thực hiện bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình” – bà Trần Thị Nhiên cho hay.
Có thể nói, việc vận động các gia đình thực hiện Bộ tiêu chí đã góp phần tích cực củng cố các chuẩn mực đạo đức của người Việt Nam, củng cố thêm các mối quan hệ trong gia đình được bền chặt và tình nghĩa hơn, những mâu thuẫn trong nội bộ gia đình được giải quyết thấu tình đạt lý. Từ việc củng cố các mối quan hệ tốt đẹp trong gia đình đã góp phần làm cho mối quan hệ giữa các gia đình trong tổ dân phố càng được keo sơn gắn bó hơn. Các phong trào thi đua cũng như các hoạt động của Tổ dân phố càng sôi nổi hiệu quả và chất lượng hơn, hiện tượng tiêu cực trong tổ giảm rõ rệt.
Năm 2021, TP thí điểm thực hiện thêm tại 5 xã, phường, thị trấn của 5 quận, huyện: Hai Bà Trưng, Gia Lâm, Sóc Sơn, Phúc Thọ và Thạch Thất để làm căn cứ triển khai nhân rộng trong thời gian tiếp theo. Từ kết quả tích cực đạt được, ngày 27/9/2022, UBND TP Hà Nội đã ban hành Kế hoạch 250/KH-UBND về triển khai thực hiện Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình trên địa bàn TP đến năm 2025. Theo đó, TP phấn đấu đến năm 2025, đạt 70% gia đình đăng ký thực hiện Bộ tiêu chí và 80% gia đình được cung cấp tài liệu về giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình. Qua thực tiễn triển khai Bộ tiêu chí đến nay, các sở, ban, ngành, đoàn thể từ TP đến quận, huyện, thị xã và cơ sở đã có những cách làm, kinh nghiệm hay, sáng tạo trong triển khai thực hiện.
Ở Hà Nội, phong trào xây dựng gia đình văn hóa vẫn được coi là nhiệm vụ trung tâm, thường xuyên và lâu dài. Trong từng giai đoạn phát triển của TP, những tiêu chuẩn cơ bản nhất để xây dựng gia đình văn hoá được áp dụng có sáng tạo, phù hợp với thực tiễn vận động xã hội. Điều đáng ghi nhận, nhiệm vụ này có sự vào cuộc của toàn hệ thống chính trị, các tổ chức đoàn thể ở địa phương.
Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ TP Lê Kim Anh khẳng định, trong suốt hành trình phát triển của tổ chức Hội Liên hiệp Phụ nữ, xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc luôn là mục tiêu phấn đấu, là nhiệm vụ trọng tâm của Hội. Những nhiệm kỳ qua, các cấp Hội đã phát động nhiều phong trào thi đua, cuộc vận động; các chương trình, đề án đều hướng tới vận động, hỗ trợ phụ nữ vun đắp, gìn giữ giá trị tốt đẹp gia đình, xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc. Trọng tâm là cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch” gắn với công tác xây dựng gia đình đã thực sự hiệu quả và đi vào cuộc sống, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức cũng như hành động của hội viên phụ nữ và cộng đồng. Đời sống vật chất và tinh thần của các gia đình được cải thiện rõ nét, vai trò chủ thể của phụ nữ trong gia đình và xã hội ngày càng được nâng cao. Phụ nữ ngày càng thể hiện ý thức trách nhiệm công dân tự tin, chủ động tham gia các hoạt động xã hội, gia đình đã có những điều kiện cơ bản để thực hiện chức năng của mình, góp phần tích cực thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, đất nước.
“5 năm gần đây, Cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch” đã góp phần tích cực trong xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, đã gắn các tiêu chí địa bàn văn hóa với hàng trăm công trình, phần việc do phụ nữ đảm nhận. Nổi bật là xây dựng cảnh quan môi trường, duy trì các hoạt động văn hóa, thể thao ở khu dân cư..., các mô hình câu lạc bộ, hoạt động giáo dục người thân không vi phạm pháp luật và tệ nạn xã hội, xây dựng làng văn hóa, khu dân cư an toàn...” – bà Lê Kim Anh chia sẻ thêm.
Mặc dù là Thủ đô, song Hà Nội có dân số sống ở khu vực nông thôn trên 4,3 triệu người, chiếm khoảng 49,5% tổng dân số toàn TP. Đến nay, tổng số hội viên nông dân TP là trên 466.000 hội viên. Do đó, vấn đề xây dựng gia đình chuẩn mực văn hóa ở nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới là một nhiệm vụ rất quan trọng. Theo lãnh đạo Hội Nông dân TP, nhằm góp phần xây dựng văn hoá, xây dựng con người Việt Nam hiện đại, xây dựng người nông dân Hà Nội thanh lịch văn minh, từ nhiều năm nay, Hội Nông dân TP Hà Nội quyết định phát động Cuộc vận động thực hiện “Người nông dân Hà Nội: Thanh lịch - Văn minh - Hiện đại” trong cán bộ, hội viên nông dân trên địa bàn TP, với 5 tiêu chuẩn: Thanh lịch, Hiểu biết, Năng động, Nghĩa tình, Kỷ cương.
Các cấp Hội Nông dân đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, hướng dẫn hội viên thực hiện cuộc vận động này gắn với phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư", "Người tốt, việc tốt", cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”… Để nâng cao ý thức bảo vệ và cải thiện môi trường sinh thái, các cấp Hội Nông dân vận động cán bộ, hội viên phát huy vai trò nòng cốt trong việc tham gia bảo vệ môi trường, tập trung thực hiện phong trào "Vì môi trường trong sạch, vì sức khỏe cộng động, nông dân Hà Nội chỉ sản xuất, chế biến, sử dụng và bán ra thị trường những sản phẩm nông nghiệp an toàn", hạn chế sử dụng túi nylon, tham gia tổng vệ sinh đường làng, ngõ xóm và khu dân cư. Hàng năm, số hộ gia đình hội viên nông dân đạt 5 tiêu chuẩn và đạt gia đình văn hoá đạt từ 80 - 85%.
Đóng góp tích cực vào công cuộc xây dựng hệ giá trị gia đình và chuẩn mực người Hà Nội thanh lịch, văn minh, MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội TP đã tích cực tuyên truyền, vận động Nhân dân tham gia các cuộc vận động, các phong trào thi đua yêu nước. Đặc biệt là tuyên truyền, vận động cán bộ, đảng viên và Nhân dân thực hiện bộ Quy tắc ứng xử trong các cơ quan thuộc TP Hà Nội và Quy tắc ứng xử nơi công cộng trên địa bàn TP. Qua đó, góp phần gìn giữ và phát huy truyền thống nhân ái, nghĩa tình; nếp sống văn minh, thanh lịch của người Hà Nội.
Việc thực hiện tốt Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình ở Hà Nội đã làm thay đổi đáng kể đời sống văn hóa ở Thủ đô, tác động từ thái độ, hành vi của mỗi cá nhân, đến việc giữ gìn nề nếp, gia phong, đồng thời ngăn chặn, đẩy lùi các tệ nạn xã hội. Mỗi gia đình trên địa bàn Thủ đô có bí quyết riêng trong việc gìn giữ tổ ấm và xây dựng theo các tiêu chí gia đình văn hóa. Trong mỗi quận, huyện, thị xã đều đẩy mạnh công tác xây dựng gia đình văn hóa, bổ sung tiêu chí bình đẳng giới, gia đình không bạo lực vào việc bình xét danh hiệu Gia đình văn hóa và thực hiện hương ước, quy ước thôn, tổ dân phố nhằm đạt mục tiêu gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc và bền vững.
Đã từng có thời điểm, quận Hà Đông (Hà Nội) gây xôn xao dư luận khi tổ chức gắn biển “Gia đình văn hoá” cho hơn 39.000 hộ gia đình đạt tiêu chuẩn “Gia đình văn hóa” trên địa bàn (chiếm hơn 90% các hộ gia đình trong quận). Ngay sau đó, Bộ VHTT&DL đã có văn bản trả lời ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, trong đó nêu, việc gắn biển “Gia đình văn hoá” ở quận Hà Đông chưa tiến hành chặt chẽ, chưa xin ý kiến chỉ đạo của Ban chỉ đạo phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá” của TP Hà Nội trước khi triển khai. Việc bình xét danh hiệu cũng cần xem xét lại vì đã không tuân thủ chặt chẽ các quy định hiện hành dẫn đến tình trạng tỷ lệ gia đình đạt tiêu chuẩn quá cao.
Từ bài học này, công tác bình xét gia đình văn hóa của Hà Nội ngày càng được triển khai chặt chẽ, áp dụng nhiều tiêu chí và đặc biệt là công khai, minh bạch. Phó Chủ tịch UBND xã Kim Sơn, huyện Gia Lâm Nguyễn Thị Phi cho biết, xã tổ chức đăng ký đến từng hộ về xây dựng Gia đình văn hóa và thực hiện Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình. Cuối năm, việc bình xét tổ chức công khai với sự tham gia của các hội, đoàn thể, đại diện dòng họ, những người có uy tín trong cộng đồng. Địa phương còn đẩy mạnh triển khai các phong trào, cuộc vận động: “Ông bà, cha mẹ mẫu mực, con cháu hiếu thảo,” “Phụ nữ Thủ đô ứng xử đẹp,” Câu lạc bộ “Nuôi dạy con tốt,” Câu lạc bộ “Gia đình hạnh phúc”… Vì vậy, tỷ lệ đạt gia đình văn hóa của xã Kim Sơn trên 95% và 100% các thôn, tổ dân phố đều đạt thôn, tổ dân phố văn hóa.
Hay như tại quận Long Biên, chính quyền địa phương đã vận động người dân tự giác đăng ký xây dựng Gia đình văn hoá và tự giác bình xét. Sau đó sẽ được bình xét ở ngay xóm, ngõ mình ở theo hình thức liên gia và cuối cùng tổ dân phố mới bình bầu. Cách làm này tạo sự thi đua thực sự giữa các gia đình với nhau, làm cho việc xây dựng gia đình văn hoá trở thành mục tiêu phấn đấu của mỗi người, mỗi nhà một cách thực chất, đồng thời cũng tạo nên phong trào thi đua sôi nổi ở địa phương.
Trưởng phòng Xây dựng nếp sống văn hóa và Gia đình (Sở VH&TT Hà Nội) Bùi Minh Hoàng cũng cho biết, phát huy vai trò tích cực của gia đình đối với sự phát triển xã hội, Hà Nội chủ trương thực hiện 3 nội dung cốt lõi là: xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh; xây dựng gia đình văn hóa và xây dựng các mô hình văn hóa. Nhờ vậy, công tác xây dựng gia đình văn hóa đã nhận được sự hưởng ứng tích cực của người dân trên địa bàn Hà Nội. Tính đến nay, toàn TP có gần 2 triệu hộ gia đình đăng ký danh hiệu Gia đình văn hóa, đạt tỷ lệ trên 95%.
Phó Giám đốc Sở VH&TT Hà Nội Trần Thị Vân Anh khẳng định, công tác xây dựng gia đình văn hóa luôn gắn liền với phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, chú trọng đến các mục tiêu xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc, văn minh; tuân thủ chặt chẽ quy trình đăng ký, bình xét và công nhận danh hiệu theo Nghị định 86/2023/NĐ-CP ngày 7/12/2023 của Chính phủ. Bà Trần Thị Vân Anh đề nghị, cần nâng cao hơn nữa chất lượng đánh giá để các gia đình văn hóa ở địa phương thực sự là hạt nhân chính trị hoàn thành nhiệm vụ của địa phương trên các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội. Bên cạnh đó, cũng cần tăng cường phối hợp giữa gia đình, nhà trường và xã hội trong định hướng giá trị, giáo dục đạo đức, lối sống, văn hóa ứng xử cho thế hệ trẻ.
(còn nữa)
10:13 03/08/2024