Về nội dung dự thảo Luật, theo Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long, các quy định về phân cấp, phân quyền là “hồn cốt” và cơ bản nhất trong Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi).
Trong các quy định về phân cấp, phân quyền, dự thảo Luật đẩy mạnh phân quyền cho chính quyền Thành phố trong việc quyết định một số nội dung thuộc lĩnh vực tổ chức bộ máy. Đây là bước đột phá quan trọng, tạo tiền đề, cơ sở để Thành phố có thể chủ động hoàn thiện bộ máy tổ chức và đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, bảo đảm thực hiện có hiệu quả các cơ chế, chính sách đặc thù được giao trong dự thảo Luật.
Trong đó, dự thảo Luật quy định phân quyền cho HĐND Thành phố quyết định thành lập, tổ chức lại, giải thể cơ quan chuyên môn đặc thù; Thành phố Hà Nội được tăng thêm biên chế từ nguồn biên chế dự phòng và giao HĐND Thành phố đề xuất cơ quan có thẩm quyền quyết định cụ thể về số lượng biên chế tăng thêm; cho phép UBND, Chủ tịch UBND Thành phố phân cấp, ủy quyền cho cơ quan chuyên môn thuộc UBND quận, huyện hoặc cho người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập.
Quy định về thẩm quyền Thường trực HĐND Thành phố cũng là một trong những nội dung phân cấp, ủy quyền nổi bật của dự thảo Luật. Theo đó, bổ sung thẩm quyền cho Thường trực HĐND Thành phố Hà Nội trong việc quyết định các biện pháp để giải quyết các công việc đột xuất, khẩn cấp, quyết định điều chỉnh chủ trương đầu tư đối với các dự án đầu tư công nhóm B, nhóm C trong thời gian HĐND Thành phố không họp nhưng cần quy định cụ thể cơ chế chịu trách nhiệm của Thường trực HĐND.
Đồng thời, giao Thường trực HĐND Thành phố quyết định việc sử dụng ngân sách Thành phố Hà Nội hỗ trợ các cơ quan Trung ương để thực hiện các nhiệm vụ bảo đảm phát triển kinh tế - xã hội, an ninh, trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn Hà Nội; hỗ trợ các địa phương khác trong nước, các địa phương tại các nước khác trong các trường hợp cần thiết, cho phép cấp huyện sử dụng ngân sách cấp mình để hỗ trợ các quận, huyện, thị xã khác của Hà Nội và các đơn vị cấp huyện thuộc các tỉnh, thành phố khác trên cả nước trong việc phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, dịch bệnh…
Về cơ chế thu hút, trọng dụng nhân tài; chế độ tiền lương, thu nhập của cán bộ, công chức, viên chức Thủ đô, dự thảo Luật quy định cụ thể về đối tượng thu hút, chế độ đãi ngộ nhân tài như tuyển dụng không qua thi tuyển, xếp lương, bổ nhiệm vào chức vụ lãnh đạo; được ký hợp đồng làm việc hoặc đảm nhiệm chức vụ quản lý, điều hành tại các đơn vị sự nghiệp công lập; được ký hợp đồng làm việc thực hiện nhiệm vụ trong lĩnh vực khoa học công nghệ, y tế, giáo dục…
Nhấn mạnh, bản chất của Luật Thủ đô là đạo luật về phân quyền, nhiều ý kiến cho rằng, các quy định trong dự thảo Luật cần được xây dựng theo hướng phân quyền mạnh mẽ, nâng cao tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm của chính quyền Thủ đô. Trong đó, phạm vi, lĩnh vực phân quyền phải rõ ràng, có trọng tâm, trọng điểm, phù hợp với năng lực thực hiện của chính quyền Thủ đô. Đồng thời, việc phân quyền cho Thủ đô cần tập trung chủ yếu vào chính quyền cấp Thành phố nhưng phải có cơ chế để tạo thuận lợi tối đa trong việc phân cấp, ủy quyền cho cấp dưới.
Theo các chuyên gia, tổ chức bộ máy, biên chế và công tác cán bộ là một trong những vấn đề cơ bản của tổ chức chính quyền mỗi địa phương. Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) lần đầu tiên có quy định về tổ chức chính quyền tại Thành phố Hà Nội. Một trong những nội dung đáng chú ý của dự thảo Luật là trao quyền cho Thành phố được quyết định một số vấn đề về tổ chức bộ máy, biên chế và công tác cán bộ. Các quy định này đã đáp ứng được yêu cầu cần luật hóa những chính sách để phù hợp với đặc thù của Thủ đô.
Góp ý Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi), PGS-TS Trần Thị Diệu Oanh (Học viện Hành chính Quốc gia) cho hay, việc thực thi nhiệm vụ, quyền hạn của cán bộ, công chức cấp xã gặp phải một số bất cập. Một công chức cấp xã phải đảm nhận rất nhiều nhiệm vụ, lĩnh vực, chuyên ngành khác nhau. Do đó, để thể chế hoá chủ trương của Đảng và Nhà nước, phát triển Thủ đô Hà Nội, cần đẩy mạnh phân cấp, phân quyền cho Hà Nội, đặc biệt là về biên chế, cán bộ công chức trong các đơn vị sự nghiệp công lập tại Hà Nội, có chính sách trọng dụng nhân tài.
Đồng quan điểm, TS Nguyễn Ngọc Bích - Trưởng Bộ môn Luật Hành chính (Đại học Luật Hà Nội) cho hay, so với các địa phương khác, yêu cầu quản lý Nhà nước tại Hà Nội vừa phức tạp hơn, vừa đòi hỏi giải quyết nhanh hơn, lại dễ nhạy cảm về chính trị, xã hội. Do đó, cần có các quy định đặc thù về biên chế và công tác cán bộ để đáp ứng yêu cầu thực tiễn và thể hiện sự chủ động của chính quyền tại Hà Nội.
Trong đó, UBND Thành phố được đề xuất tăng biên chế cán bộ, công chức, viên chức. Việc tăng biên chế giúp Hà Nội có thể chủ động được nhân lực cho các yêu cầu thực tế trong hoạt động của các cơ quan, đơn vị trên địa bàn, đáp ứng yêu cầu quản lý Nhà nước, yêu cầu phục vụ cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp…
“Tổ chức bộ máy biên chế là nội dung dự thảo Luật quy định thể hiện phân quyền, tạo chủ động cho các cấp chính quyền Hà Nội mạnh mẽ hơn cả. Đây chính là tiền đề bảo đảm cho Hà Nội có bộ máy chính quyền phù hợp để thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn của chính quyền cũng như phát triển kinh tế - xã hội, giải quyết các vấn đề dân sinh hợp lý nhất với yêu cầu phát triển Thủ đô” - TS Nguyễn Ngọc Bích nhấn mạnh.
Trong khi đó, theo Phó Giám đốc Sở Tư pháp Hà Nội Nguyễn Công Anh, dự thảo Luật cần cụ thể hóa tối đa các cơ chế, chính sách đặc thù để áp dụng được ngay. Đồng thời với việc phân quyền mạnh mẽ, cần quy định tương ứng trách nhiệm của Hà Nội cũng như cơ chế kiểm tra, giám sát việc thực hiện quyền hạn, nhiệm vụ của các cấp chính quyền Thành phố.
05:50 10/11/2023