Bài 5: Cơ chế thực sự vượt trội cho đô thị đặc biệt - Ảnh 1
Bài 5: Cơ chế thực sự vượt trội cho đô thị đặc biệt - Ảnh 2

Tại phiên thảo luận tổ về Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) chiều 10/11, các đại biểu Quốc hội thống nhất sự cần thiết ban hành Luật Thủ đô (sửa đổi) và cơ bản tán thành nhiều cơ chế, chính sách đặc thù đối với Thủ đô; trong đó có các nội dung mới để bảo đảm đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước trên địa bàn.

Bài 5: Cơ chế thực sự vượt trội cho đô thị đặc biệt - Ảnh 3

Nêu rõ đây là dự án Luật có tầm quan trọng đặc biệt, các đại biểu Quốc hội  nhấn mạnh, Hà Nội vừa là một đô thị đặc biệt, vừa là Thủ đô của cả nước. Đô thị đặc biệt có thể có nhiều nhưng Thủ đô chỉ có một. Luật Thủ đô (sửa đổi) lần này phải thể chế hóa được Nghị quyết của Trung ương về vị trí, vai trò, định hướng, nhiệm vụ phát triển của Hà Nội cho đến tận giữa thế kỷ XXI, thúc đẩy tạo động lực dẫn dắt cho cả Vùng Thủ đô và đất nước.

Các đại biểu cho rằng, xây dựng Luật Thủ đô không phải chỉ riêng cho Thủ đô, thực chất là cho cả nước theo tinh thần là “Hà Nội vì cả nước, cùng cả nước”. Vì vậy, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân Thủ đô đầu tư rất nhiều công sức cho dự án Luật, khởi động từ khi xây dựng Nghị quyết đại hội đại biểu lần thứ XVII Đảng bộ Thành phố. Cơ quan trình là Chính phủ, cơ quan chủ trì soạn thảo là Bộ Tư pháp và cơ quan thẩm tra đã làm việc với nhau từ rất sớm và đầu tư rất nhiều công sức.

Nhấn mạnh đây là đạo luật về cơ chế đặc thù, về giao quyền, phân quyền, phân cấp trong đó có gắn với trách nhiệm giám sát và kiểm tra, lãnh đạo Quốc hội đánh giá, tuy dự thảo Luật mới trình Quốc hội lần đầu nhưng chất lượng khá tốt. Những quy định lần này mang tính chất quy phạm rất rõ để có thể áp dụng khả thi, cụ thể. Dự thảo Luật quy định những vấn đề có tính phổ quát của một đô thị đặc biệt nhưng vừa có tính đặc thù riêng của Thủ đô.

Bài 5: Cơ chế thực sự vượt trội cho đô thị đặc biệt - Ảnh 4

Theo lãnh đạo TP Hà Nội, yêu cầu mới phát triển Thủ đô theo tinh thần Nghị quyết số 15-NQ/TW cao hơn trước, bởi Hà Nội không chỉ là Thủ đô của cả nước mà còn là trung tâm kinh tế, chính trị, văn hóa, giáo dục đào tạo, khoa học công nghệ của quốc gia. Đặc biệt, phát triển Hà Nội trở thành trung tâm, động lực thúc đẩy phát triển vùng đồng bằng sông Hồng, vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và cả nước.

Với tầm quan trọng đó, việc sửa đổi Luật Thủ đô để đáp ứng yêu cầu thực tiễn hiện nay rất quan trọng. Nghị quyết số 15-NQ/TW yêu cầu phải đưa ra những cơ chế vượt trội, phân cấp, ủy quyền mạnh cho Thủ đô Hà Nội. Nội dung quan trọng trong việc sửa đổi Luật Thủ đô lần này theo tinh thần Nghị quyết số 15-NQ/TW là phải xây dựng cơ chế chính sách vượt trội. Đồng thời, tăng quyền và giao quyền cho Hà Nội triển khai thực hiện các lĩnh vực.

Bài 5: Cơ chế thực sự vượt trội cho đô thị đặc biệt - Ảnh 5
Bài 5: Cơ chế thực sự vượt trội cho đô thị đặc biệt - Ảnh 6

Với vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng cùng những yêu cầu cao hơn đặt ra đối với sự phát triển của Thủ đô Hà Nội, các đại biểu Quốc hội nhấn mạnh, cơ chế, chính sách trong dự thảo Luật cần phải thực sự đột phá, vượt trội hơn so với các cơ chế, chính sách đặc thù dành cho những địa phương khác. Trong đó, liên quan quy định về tổ chức bộ máy chính quyền Thủ đô là nội dung được nhiều đại biểu quan tâm.

Góp ý Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi), trong đó có quy định về tổ chức bộ máy chính quyền Thủ đô, đại biểu Tạ Thị Yên - Phó Trưởng Ban Công tác đại biểu (Ủy ban Thường vụ Quốc hội) nhất trí với đề xuất quy định trong dự thảo Luật về mô hình chính quyền các cấp của Thủ đô Hà Nội. Theo đó, việc đẩy mạnh phân quyền cho chính quyền Thành phố trong quy định một số nội dung thuộc lĩnh vực tổ chức bộ máy, biên chế, coi đây là bước đột phá quan trọng, tạo tiền đề cho Thành phố thực hiện các cơ chế, chính sách đặc thù trong dự thảo Luật.

Bài 5: Cơ chế thực sự vượt trội cho đô thị đặc biệt - Ảnh 7

Đồng thời, đại biểu đề xuất, để xây dựng Thủ đô Hà Nội trở thành đô thị thông minh, hiện đại, có bộ máy chính quyền Thủ đô theo hướng tinh gọn, hiện đại, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, nên nghiên cứu quy định theo hướng giao cho HĐND Thành phố Hà Nội chủ động quyết định biên chế cán bộ, công chức, viên chức căn cứ vào khung danh mục vị trí việc làm đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt và đáp ứng được yêu cầu thực hiện nhiệm vụ của chính quyền Thành phố.

Đại biểu cho rằng, quy định như vậy sẽ giúp Thành phố có thể chủ động hơn về nguồn biên chế, có thể tăng hoặc giảm biên chế trong từng thời kỳ, tùy vào tình hình cụ thể và nhu cầu thực tiễn của địa phương.

Bài 5: Cơ chế thực sự vượt trội cho đô thị đặc biệt - Ảnh 8

Về nội dung này, đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường (Đoàn Thành phố Hà Nội) nhấn mạnh, không giống với nhiệm vụ, thẩm quyền của chính quyền địa phương khác, chỉ giải quyết những vấn đề quản trị của địa phương; chính quyền Thủ đô phải giải quyết những vấn đề của Thủ đô và cả những vấn đề quốc gia đặt ra cho Hà Nội với vai trò, nhiệm vụ là Thủ đô. Do vậy, HĐND Thành phố Hà Nội cần có lực lượng đại biểu đông hơn, chuyên nghiệp hơn, tỷ lệ đại biểu hoạt động chuyên trách cũng phải nhiều hơn và tiêu chuẩn đối với người tham gia ứng cử đại biểu HĐND Thành phố Hà Nội cũng phải cao hơn so với những địa phương khác.

“Cùng với việc trao quyền lớn hơn cho chính quyền Hà Nội thì nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm của chính quyền Thành phố cũng phải cao hơn. Cùng với đó, chế độ, chính sách đãi ngộ đối với cán bộ, công chức, viên chức Thủ đô cũng phải cao hơn và dự thảo Luật cũng cần quy định chặt chẽ hơn cơ chế kiểm soát, giám sát quá trình tổ chức thực hiện” - đại biểu Hoàng Văn Cường đề nghị.

Bài 5: Cơ chế thực sự vượt trội cho đô thị đặc biệt - Ảnh 9

Đồng quan điểm, đại biểu Hà Sỹ Đồng (Đoàn tỉnh Quảng Trị) tán thành mục tiêu xây dựng Luật Thủ đô (sửa đổi) lần này với cơ chế đặc thù, vượt trội, khắc phục những khó khăn, vướng mắc, bất cập phát sinh trong quá trình thi hành Luật Thủ đô để xây dựng, phát triển Thủ đô với vị trí, vai trò là trung tâm chính trị, hành chính, kinh tế, văn hóa của cả nước.

“Về quy định thẩm quyền quyết định biên chế của HĐND Thành phố Hà Nội, theo tinh thần và chủ trương của Đảng là đẩy mạnh phân cấp, phân quyền và phát huy vai trò tự quản của chính quyền Thủ đô. Tôi cũng tán thành ý kiến của Ủy ban Pháp luật của Quốc hội là giao cho HĐND Thành phố Hà Nội được quyết định biên chế cán bộ, công chức, viên chức và có cơ chế báo cáo, kiểm tra, giám sát” - đại biểu Hà Sỹ Đồng nêu quan điểm.

Bài 5: Cơ chế thực sự vượt trội cho đô thị đặc biệt - Ảnh 10
Bài 5: Cơ chế thực sự vượt trội cho đô thị đặc biệt - Ảnh 11

05:46 11/11/2023