Bài cuối: Chi bộ tạo sức mạnh để nhà trường phát triển - Ảnh 1
Bài cuối: Chi bộ tạo sức mạnh để nhà trường phát triển - Ảnh 2
Bài cuối: Chi bộ tạo sức mạnh để nhà trường phát triển - Ảnh 3

Khác với cơ sở giáo dục công lập, trường NCL có hai hệ thống quản lý ngang cấp nhau là chi bộ và hội đồng trường. Theo quy định tại Luật Giáo dục 2019 và Thông tư 40/2021 của Bộ GD&ĐT, hội đồng trường có chức năng quyết định chủ trương đầu tư, chiến lược phát triển, công tác nhân sự và các vấn đề tài chính còn chi bộ có vai trò lãnh đạo hệ thống chính trị cơ sở, giáo dục công tác tư tưởng, phối hợp với hội đồng trường tổ chức trường học phát triển phù hợp với hiến pháp, pháp luật và hệ thống nghị quyết của Đảng.

Việc phối hợp chặt chẽ, đồng thuận để tạo sự đoàn kết, tôn trọng giữa chi bộ và hội đồng trường là cách trường THPT Đông Đô đã và đang làm. TS Võ Thế Quân, Bí thư Chi bộ trường THPT Đông Đô khẳng định, đây là nhân tố quan trọng tạo nên thành công của nhà trường cũng như xây dựng chi bộ vững mạnh, hướng tới mục tiêu chung là đảm bảo sự phát triển ổn định của nhà trường.

Bài cuối: Chi bộ tạo sức mạnh để nhà trường phát triển - Ảnh 4

Vẫn theo người sáng lập trường THPT Đông Đô- ngôi trường luôn đi đầu trong thực hiện đổi mới giáo dục và cơ chế tự chủ của ngành giáo dục Hà Nội thì mô hình giáo dục đổi mới phải phù hợp với xu thế của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4. Mô hình đó vừa kế thừa truyền thống về tổ chức nhà trường, vừa thích ứng xu thế phát triển của giáo dục thế giới; hay nói cách khác là mô hình vừa mang tính dân tộc, vừa mang tính hiện đại. Mô hình giáo dục của THPT Đông Đô luôn đồng nhất với quan điểm của Nghị quyết 29-NQ/TW “Về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế”- TS Võ Thế Quân nhấn mạnh.

Bài cuối: Chi bộ tạo sức mạnh để nhà trường phát triển - Ảnh 5

Tại trường THCS và THPT M.V Lômônôxốp, hai tổ chức là hội đồng trường và chi bộ cũng có mối quan hệ lồng ghép, không tách rời khi đảng viên chi bộ là thành viên của Hội đồng trường và Ban giám hiệu. Chi ủy luôn có kế hoạch đổi mới mạnh mẽ về phương pháp giảng dạy, tiếp cận với các nền giáo dục tiên tiến trên thế giới; các đảng viên gương mẫu, đi đầu trong đổi mới giáo dục, đặc biệt là giáo dục toàn diện cho học sinh, xóa bỏ tư tưởng chạy theo thành tích và thực hiện tốt chủ trương “3 thật” của trường: Dạy thật – Học thật – Đánh giá thật.

Chi bộ cũng định hướng, nâng cao chất lượng đời sống giáo viên, nhân viên, đóng bảo hiểm đầy đủ cho người lao động; có tháng lương thứ 13 dịp Tết Nguyên đán. Hiện nay, trường có 112 giáo viên thì có 59 giáo viên có mức lương trên 30 triệu đồng; 28 giáo viên có mức lương trên 20 triệu đồng, đảm bảo thu nhập để giáo viên yên tâm công tác, cống hiến hết mình cho sự nghiệp giáo dục và nhà trường.

Bài cuối: Chi bộ tạo sức mạnh để nhà trường phát triển - Ảnh 6

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn đề cao vai trò quan trọng của đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục. Theo quan điểm của Người, nếu không có thầy giáo thì không có giáo dục, phải xây dựng đội ngũ những người thầy giáo tốt - thầy giáo xứng đáng là thầy giáo. Các nhà giáo và cán bộ quản lý phải thanh liêm, trung thực, biết đặt lợi ích của đất nước, của nhà trường lên trên lợi ích cá nhân; luôn nâng cao tinh thần yêu Tổ quốc, triệt để tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng… Người kêu gọi: “Dù khó khăn đến đâu cũng phải tiếp tục thi đua dạy tốt và học tốt”.

Từ tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Nghị quyết XIII của Đảng nhấn mạnh: “Cần đổi mới mạnh mẽ chính sách đãi ngộ, chăm lo xây dựng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục là khâu then chốt; thực hiện đồng bộ các cơ chế, chính sách và giải pháp để cải thiện mức sống, nâng cao trình độ và chất lượng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục” bởi chỉ khi ổn định được đời sống, nhà giáo mới yên tâm cống hiến cho sự nghiệp trồng người.

Bài cuối: Chi bộ tạo sức mạnh để nhà trường phát triển - Ảnh 7

Luôn thực hành theo lời dạy của Bác và lấy các nghị quyết của Đảng là kim chỉ nam cho hành động, các chi bộ thuộc trường NCL đã từng bước lớn mạnh, xây dựng nhà trường phát triển với những chiến lược mang tính tiên phong.

Từ khi thành lập đến nay, Chi bộ trường THPT Đinh Tiên Hoàng đã cùng Hội đồng trường đưa ra những quyết sách phù hợp và nhân văn. Dù là trường NCL, phải dành phần lớn nguồn lực chăm lo cho đời sống giáo viên, đầu tư cơ sở vật chất nhưng trường không bị thách thức bởi sự chụp giật của nền kinh tế thị trường hay sự thay đổi của các hệ giá trị trong ứng xử xã hội.

Tương tự, với đường hướng sáng suốt của chi bộ, những năm qua, trường THPT Đông Đô luôn coi giáo dục là sự nghiệp xã hội, nhà trường không phải là nơi kinh doanh nên không đặt nặng vấn đề lợi nhuận. Trường đưa ra mức học phí thấp (từ 2-3 triệu đồng/tháng), hướng tới đối tượng con em cán bộ công chức và người lao động. Mặc dù vậy, chất lượng giáo dục của trường luôn giữ ổn định ở mức cao, đời sống giáo viên được chăm lo đầy đủ, tạo môi trường tốt để giáo viên và học sinh có điều kiện phát triển, sáng tạo.

Bài cuối: Chi bộ tạo sức mạnh để nhà trường phát triển - Ảnh 8

Còn theo Bí thư Chi bộ trường THCS và THPT M.V Lômônôxốp Nguyễn Quang Tùng, nhà trường luôn có những chia sẻ thiết thực với phụ huynh, chú trọng nâng cao điều kiện dạy học nhưng có mức học phí thấp nhất trong nhóm các trường tư thục cùng phân khúc. Xu hướng giáo dục mang tính nhân văn của nhà trường có được là do vai trò định hướng, chỉ đạo của chi bộ trên cơ sở thống nhất với Hội đồng trường.

Từ lý luận và thực tiễn có thể thấy: Muốn phát triển nhà trường thì phải có một tập thể đoàn kết, hạt nhân là chi bộ phải đoàn kết, chung sức, trên dưới một lòng. Việc nhiều trường NCL trở thành những địa chỉ giáo dục uy tín, được các cấp lãnh đạo đánh giá cao, được phụ huynh, học sinh và Nhân dân tin tưởng đã trở thành minh chứng rõ nét khẳng định vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của chi bộ trong các nhà trường.

Bài cuối: Chi bộ tạo sức mạnh để nhà trường phát triển - Ảnh 9
Bài cuối: Chi bộ tạo sức mạnh để nhà trường phát triển - Ảnh 10

08:58 03/12/2022