Bài cuối: Giải pháp phát triển du lịch ĐBSCL - Ảnh 1

(Kinhtedothi) – Trên cơ sở những sản phẩm du lịch vốn có của mình, nhiều địa phương đã xây dựng các chương trình kích cầu du lịch, thu hút du khách trong và ngoài nước. Tuy nhiên, đây chỉ mới những giải pháp trước mắt, chưa mang tính lâu dài và đột phá để giữ chân du khách.

Muốn khai thác và tạo ra các sản phẩm du lịch đặc sắc, hấp dẫn và có tính cạnh tranh cao đòi hỏi các cấp, các ngành, các địa phương, các doanh nghiệp du lịch phải chung tay góp sức, tận dụng thế mạnh về tài nguyên du lịch của vùng, tạo ra thế phát triển cân bằng bằng sự hợp tác cùng có lợi vì sự phát triển du lịch bền vững trong tương lai cho 13 tỉnh, thành vùng ĐBSCL.

Bài cuối: Giải pháp phát triển du lịch ĐBSCL - Ảnh 2

TS. Phan Văn Phùng - Trường Đại học Cửu Long cho biết, ĐBSCL là khu vực có nhiều yếu tố mang tính đặc thù về cả thiên nhiên, con người và văn hóa so với những khu vực khác trong cả nước. Nên nếu áp dụng một cách máy móc, rập khuôn theo mô hình hay cách thức phát triển du lịch của những nơi đã phát triển từ trước đó, thì sẽ khó đảm bảo được tính hiệu quả và thậm chí làm mất đi giá trị bản sắc của nơi này.

Bài cuối: Giải pháp phát triển du lịch ĐBSCL - Ảnh 3

Phát triển du lịch theo xu hướng tăng trưởng xanh và bền vững ở vùng ĐBSCL được xem là một yêu cầu mang tính cấp thiết hiện nay, mở ra nhiều cơ sở cho việc phát triển du lịch nói riêng, cũng như kinh tế - xã hội nói chung của vùng trong tương lai. Mô hình phát triển du lịch xanh gắn với nông nghiệp sẽ góp phần giúp quảng bá, giới thiệu được nững nét dặc sắc của nơi này với du khách - TS. Phan Văn Phùng nhấn mạnh.

Đồng thời, TS.Phan Văn Phùng cho biết thêm: Để du lịch phát triển theo hướng tăng trưởng xanh, đòi hòi nâng cao nhận thức, tổ chức quản lý đáp ứng yêu cầu, phát triển nguồn nhân lực, xây dựng chiến lược, chương trình, kế hoạch phát triển các sản phẩm du lịch chuyên biệt. Đẩy mạnh thu hút đầu tư phát triển sản phẩm du lịch sinh thái, du lịch dựa vào thiên nhiên theo hướng cao cấp. Hỗ trợ các doanh nghiệp du lịch và khuyến khích cộng đồng trong phát triển sản phẩm du lịch theo hướng tăng trưởng xanh.

Trong khi đó, Ths.Trần Thanh Khỏe – Đại học Nam Cần Thơ cho rằng, phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn tại khu vực ĐBSCL cần học tập mô hình của nhiều nước trên thế giới. Đặc biệt chú ý quan tâm, khai thác, đây là một chiến lược quan trọng trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội, hội nhập và phát triển. Xây dựng mô hình nông nghiệp - nông thôn nhằm khai thác những tiềm năng, thế mạnh vốn có của khu vực ĐBSCL.

An Giang - một trong những địa phương thu hút đông khách du lịch hàng năm, Rừng tràm Trà Sư là điểm được nhiều khách du lịch ưa chuộng khi đến với An Giang. (Ảnh: Hữu Tuấn)
An Giang - một trong những địa phương thu hút đông khách du lịch hàng năm, Rừng tràm Trà Sư là điểm được nhiều khách du lịch ưa chuộng khi đến với An Giang. (Ảnh: Hữu Tuấn)

Trong bối cảnh hội nhập, toàn cầu hóa, công nghệ 4.0 đang diễn ra mạnh mẽ như hiện nay, ĐBSCL cần phải có những định hướng và giải pháp phù hợp, từ đó phát triển du lịch nông thôn trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, đảm bảo sinh kế, giúp nông dân, cư dân nông thôn làm chủ quá trình phát triển nông nghiệp, đưa nông nghiệp phát triển nhanh, bền vững. 

Ths. Trần Thanh Khỏe khẳng định: Thay đổi tư duy về cách làm du lịch, trong đó có du lịch nông nghiệp, nông thôn theo hướng đa dạng trong sự thống nhất, khắc phục dần tình trạng manh mún, nhỏ lẻ và trùng lặp từng bước đa dạng trong sản phẩm, điểm đến, đặc trưng vùng, miền, chiến lược kết nối và hỗ trợ. Xây dựng chiến lược phát triển du lịch nông nghiệp ĐBSCL theo các vùng sinh thái nông nghiệp gắn với định hướng phát triển các loại hình sản phẩm du lịch nông nghiệp phù hợp, độc đáo của mỗi địa phương.

Bà Lê Thị Tố Quyên, Khoa KHXH & NV, Đại Học Cần Thơ chia sẻ, các tỉnh ĐBSCL có thể dựa vào thế mạnh về vị trí và các điểm đặc thù của mình để đưa ra các trải nghiệm với du khách: như Cà Mau có thể xây dựng sản phẩm du lịch nông nghiệp dựa vào vuông tôm; vào rừng; vườn trái cây; ruộng lúa. Vĩnh Long, Đồng Tháp, Sóc Trăng, Bến Tre với loại hình homstay nằm trong các khuôn viên vườn cây trái; không khí trong lành, du khách trải nghiệm công việc nhà nông; trâu cày ruộng, gieo mạ, cấy lúa, gặt lúa, tuốt lúa, sàn gạo; trò chơi dân gian; chế biến món ăn truyền thống, làm bánh dân gian và tham dự các lễ hội nông nghiệp….Cần Thơ với chợ nổi Cái Răng, Phong Điền; An Giang với  đặc thù của du lịch vùng biên, hội đua bò Bảy Núi...

Bài cuối: Giải pháp phát triển du lịch ĐBSCL - Ảnh 4

Vấn đề khai thác du lịch văn hóa bản địa mang lại nhiều lợi ích cho cả du khách lẫn người dân địa phương, tạo ra tình khác biệt, độc đáo. Không dựa vào đầu tư lớn, đắt tiền mà thường dựa vào khai thác nguồn du lịch tự nhiên và sự đa dạng trong bản sắc dân tộc. Mang lại nhiều cơ hội việc làm cho người dân địa phương, giúp tăng thu nhập cho cư dân tại chỗ; tạo ra nguồn thu, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong khu vực.

Bài cuối: Giải pháp phát triển du lịch ĐBSCL - Ảnh 5

Đồng thời, giúp bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa địa phương, duy trì sự đa dạng văn hóa của mỗi khu vực. Giao lưu văn hóa và trao đổi kiến thức và kinh nghiệm; mở ra cánh cửa cho hợp tác và trao đổi văn hóa quốc tế. Góp phần phân phối giá trị tài nguyên, đảm bảo không tập trung quá mức vào một số trung tâm du lịch duy nhất.Giúp du khách có trải nghiệm độc đáo và mang tính giáo dục về lịch sử, văn hóa và đời sống của người dân địa phương.

Phát triển du lịch nông thôn theo hướng bền vững, bao trùm phù hợp với nhu cầu thị trường trên cơ sở sử dụng hiệu quả, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, làng nghề, các hoạt động nông nghiệp và môi trường sinh thái đặc trưng vùng miền, gắn với chuyển đổi số và đổi mới, sáng tạo, Ths. Trần Thanh Khỏe nhấn mạnh.

Bài cuối: Giải pháp phát triển du lịch ĐBSCL - Ảnh 6

PGS.TS. Đào Ngọc Cảnh - Trưởng Khoa Du lịch, Trường Đại học Nam Cần Thơ cho biết, điển hình như tỉnh An Giang, hội đua bò Bảy Núi là một sản phẩm đặc thù của địa phương mang văn hóa bản địa. Hội đua bò Bảy Núi là lễ hội cổ truyền của đồng bào Khmer Bảy Núi. Có giá trị văn hóa truyền thống cộng đồng sâu sắc, tạo khả năng kết nối giữa cộng đồng địa phương và khách du lịch, góp phần quảng bá, giới thiệu những vẻ đẹp văn hóa vùng đất Bảy Núi với bạn bè trong và ngoài nước.

Bài cuối: Giải pháp phát triển du lịch ĐBSCL - Ảnh 7

Trong khi đó, TS. Lê Văn Phương – ĐH FPT cho rằng, Cần Thơ, một miền đô thị có tiềm năng du lịch tự nhiên và nhân văn phong phú, cơ sở vật chất hạ tầng được đầu tư với mục tiêu phát triển là điểm đến hấp dẫn của vùng ĐBSCL. Môi trường cảnh quan nơi đây khá hài hòa thu hút khách du lịch từ khắp nơi đến với vùng đất Tây Đô. Tuy nhiên, sự phát triển du lịch sông nước ở Cần Thơ chưa được khai thác hết tiềm năng vốn có của nó.

Đồng thời TS. Lê Văn Phương cũng nhấn mạnh, để phát triển du lịch sông nước Cần Thơ bền vững, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cấp, các ngành, các địa phương và doanh nghiệp du lịch.

Bài cuối: Giải pháp phát triển du lịch ĐBSCL - Ảnh 8

Tiến sĩ Trần Hữu Hiệp – Phó Chủ tịch Hiệp hội du lịch ĐBSCL cho biết: Đề án “Xây dựng sản phẩm du lịch đặc thù vùng ĐBSCL” đã xác định 5 nội dung liên kết quan trọng, gồm: Liên kết phát triển sản phẩm du lịc; Xây dựng thương hiệu; Đào tạo phát triển nguồn nhân lực du lịch; Phát triển hạ tầng du lịch; Liên kết xây dựng chính sách đặc thù, tạo môi trường thuận lợi cho phát triển sản phẩm du lịch đặc thù vùng.

Vì vậy việc xây dựng, phát triển tour, tuyến và sản phẩm đặc thù vùng ĐBSCL là rất quan trọng đối với các địa phương, khi xác định xây dựng du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. 

---------------------
Nội dung: Hoàng Tuấn, Hồng Thắm
Trình bày: Duy Anh

17:49 22/03/2024