Bài cuối: Gỡ khó cho cơ chế đầu tư - Ảnh 1
Bài cuối: Gỡ khó cho cơ chế đầu tư - Ảnh 2

Nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị đánh giá, bên cạnh các Chương trình công tác như Chương trình 04 nhiệm kỳ 2020 - 2025, Chương trình 06 nhiệm kỳ 2016 - 2020, Thành ủy Hà Nội còn Ban hành các Nghị quyết chuyên đề. Mới đây Hà Nội cũng đã ban hành Chỉ thị 30-CT/TU về” Tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng về xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh”. Điều này thể hiện sự quan tâm của lãnh đạo TP Hà Nội cho vấn đề phát triển hóa, xây dựng người Hà Nội thanh lịch văn minh.

Hà Nội đang có sự chuyển biến rõ nét về công nghiệp văn hóa. Xin ông cho biết cơ sở nào để Hà Nội tự tin, đi đầu cả nước về việc đẩy mạnh phát triển công nghiệp văn hóa?

- Công nghiệp văn hóa là đề cập đến các ngành công nghiệp sản xuất ra các sản phẩm mang tính nghệ thuật và sáng tạo, có bản chất vật thể hoặc phi vật thể; thông qua khai thác những giá trị văn hóa cùng những sản phẩm và dịch vụ có tính trí tuệ, có ý nghĩa xã hội và văn hoá để thu về những nguồn lợi kinh tế. Trên thế giới, phát triển công nghiệp văn hóa đang diễn ra mạnh mẽ, là xu thế và dần trở thành động lực quan trọng thúc đẩy sự phát triển kinh tế, xã hội của các quốc gia.

Ở Việt Nam, Chính phủ đã Phê duyệt Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Tháng 12/2023, Chính phủ cũng đã tổ chức Hội nghị toàn quốc về phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam. Điều này để thể hiện rõ vai trò, tầm quan trọng của ngành công nghiệp văn hóa. Trong khi đó, so với các tỉnh, TP khác trên cả nước thì Hà Nội là địa phương có rất nhiều lợi thế như: Tiếp cận giao lưu văn hóa sớm hơn, kịp thời hơn, hoạt động biểu diễn và nhu cầu hưởng thụ văn hóa của người dân cũng đa dạng. Đây là những điều kiện thuận lợi để Hà Nội đẩy mạnh phát triển công nghiệp văn hóa.

Nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị.
Nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị.

Nhiều người vẫn cho rằng hiệu quả của các chính sách xây dựng phát triển văn hóa không thể đong đếm trong 1 năm, 2 năm; mà cần rất nhiều năm. Ông có thể có ý kiến đánh giá về sự chuyển biến của văn hóa Hà Nội trong nhiều năm trở lại đây?

- Theo tôi, lãnh đạo TP Hà Nội nhận rất đúng, có sự quan tâm đáng kể với việc xây dựng phát triển văn hóa. Điều này thể hiện từ nguồn lực đầu tư cho phát triển văn hóa, công trình xây dựng, bảo tồn và phát huy giá trị di sản đến hoạt động nghệ thuật trên địa bàn. Bên cạnh tiếp nhận lời khen thì lãnh đạo TP Hà Nội cũng tiếp nhận các lời nhận xét có chê để ngày càng hoàn thiện về phát triển văn hóa. Cụ thể là TP đã có những biện pháp xử lý các hành vi ứng xử thiếu văn hóa nhưng đồng thời cũng có biểu dương khen thưởng cho các cá nhân, tập thể điển hình trong phát triển văn hóa, xây dựng người Hà Nội thanh lịch văn minh. Chính vì vậy, Hà Nội chuyển biến theo chiều hướng văn minh lành mạnh, từ văn hóa đi xe buýt, văn hóa mua bán…

Hà Nội là TP duy nhất xây dựng hai quy tắc ứng xử dành cho cán bộ công chức, viên chức người lao động và quy tắc ứng xử nơi công cộng. Sau hơn 8 năm ban hành và thực hiện, rõ ràng đã đánh giá hiệu quả được hiệu quả của hai bộ quy tắc này. Nếu xây dựng tiêu chí mà lý tưởng hóa quá thì không thể đi vào đời sống. Diễn giải quá nhiều để người ta không nhớ thì cũng không nên. Bộ quy tắc cơ bản, nêu ra chuẩn mực cần thiết, quan trọng của cán bộ công chức và của công dân Hà Nội. Hai quy tắc này có giá trị thực tiễn, nó đi vào cuộc sống được mọi người đồng tình và là thước đo để điều chỉnh các hành vi ứng cử. Ngoài ra, công tác bảo tồn phát huy giá trị di sản cũng có bước tiến rõ rệt. Hà Nội bảo tồn được nhiều di sản quý, tạo nhiều điểm đến cho người dân và du khách…

Theo ông, Hà Nội cần làm những gì để thực hiện hiệu quả của đường lối quan điểm trong Nghị quyết của Đại hội XIII của Đảng và ý kiến chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021, nhằm nâng cao hơn nữa hiệu quả phát triển văn hóa, xây dựng người Hà Nội thanh lịch văn minh?

- Hà Nội vừa ban hành Chỉ thị 30-CT/TU về "Tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng về xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh”. Chỉ thị ra đời vừa để thực hiện Nghị quyết của Đại hội XIII của Đảng vừa thực hiện tư tưởng chỉ đạo hết sức quan trọng từ Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021, trong đó bài phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng được coi như là cương lĩnh về văn hóa trong giai đoạn mới. Bài phát biểu đã đưa ra những nhiệm vụ hết sức cụ thể, vừa nói lên tầm quan trọng của văn hóa, nói lên kinh nghiệm quý báu của Đảng của đất nước trong quá trình xây dựng bảo vệ tổ quốc thì nhân tố văn hóa có ý nghĩa hết sức quan trọng. Bài phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chỉ ra nhiệm vụ trong thời gian tới khi xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc trong giai đoạn hiện nay. Những nhiệm vụ rất cụ thể và toàn diện. Thường vụ Thành ủy Hà Nội ban hành Chỉ thị 30, tôi cho rằng nó đáp ứng tất cả yêu cầu quan trọng ấy.

Xin trân trọng cảm ơn ông!

Bài cuối: Gỡ khó cho cơ chế đầu tư - Ảnh 3

Đầu tư công nghệ vào lĩnh vực văn hóa xu hướng phát triển hiện nay. Tuy nhiên, nội dung này đòi hỏi nguồn vốn lớn, ngân sách Nhà nước không thể dồn lực mà cần kêu gọi đầu tư theo hình thức đối tác công tư. Tuy nhiên ở Việt Nam, việc triển khai đầu tư theo hình thức công tư ở lĩnh vực văn hóa còn gặp vướng. Cơ chế phân cấp quản lý, sử dụng, khai thác, quản lý tài sản công để cho thuê, liên doanh, liên kết còn chưa được quy định rõ ràng trong luật.

Bài cuối: Gỡ khó cho cơ chế đầu tư - Ảnh 4

Hiện nay, tour đêm “Tinh hoa đạo học” tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám đang được vận hành theo hình thức đầu tư tư với nguồn kinh phí hàng chục tỷ đồng. Tuy nhiên, qua tìm hiểu thì cơ chế để đảm bảo lại nguồn thu cho đơn vị đầu tư là đang rất bấp bênh. Hiện nay, Luật Quản lý, sử dụng tài sản, còn Luật Đầu tư theo phương thức PPP chưa quy định cơ chế đầu tư đối với lĩnh vực văn hóa, thể thao… Quyền lợi và nghĩa vụ của các doanh nghiệp trong việc đầu tư chưa được cụ thể hóa. Chính vì vậy, việc vận hành chương trình hiện nay dựa chính vào nguồn nhân nhân sự tại chỗ của đơn vị.

Bài cuối: Gỡ khó cho cơ chế đầu tư - Ảnh 5

Theo ông Lê Xuân Kiêu - Giám đốc Trung tâm VHKH Văn Miếu - Quốc Tử Giám: khoảng 50% cán bộ của Trung tâm đóng góp công sức vào hoạt động của tour đêm, nhưng việc chi trả chế độ phải theo quy định ngày công và giờ làm việc ngoài giờ của Nhà nước nên khó khích lệ người lao động.

Tour đêm thực chất là một loại hình dịch vụ du lịch, loại hình nghệ thuật kinh doanh nhưng không thể vận hành theo quy luật cơ chế thị trường mà phải bó chặt trong các quy định về tài chính dành cho đơn vị quản lý di sản. Ví dụ Trung tâm VHKH Văn Miếu - Quốc Tử Giám không được phép tự ý đưa ra các chương trình khuyến mãi, giảm giá với khách đoàn… theo cơ chế thị trường, kích thích người xem và số đoàn đông. Đó là chưa kể sắp tới giá dịch vụ tour sẽ được tách bạch là loại hình dịch vụ riêng. Khách vào tour đêm vừa phải trả giá chương trình vừa phải trả thêm giá tham quan di tích. Điều này sẽ tạo nên tâm lý phí + phí với du khách. Trong khi đó, công tác khai thác dịch vụ, bán hàng của cán bộ thuộc đơn vị sự nghiệp hành chính chưa thể nhiều kinh nghiệm nên càng khó về lâu dài “Tinh hoa đạo học” duy trì ổn định nguồn khách.

Bài cuối: Gỡ khó cho cơ chế đầu tư - Ảnh 6

Tương tự như “Tinh hoa đạo học”, chương trình tour đêm “Đêm Ngọc Sơn huyền bí” tại di tích quốc gia đặc biệt đền Ngọc Sơn cũng khó trăm bề về nguồn vốn, kinh phí vận hành và thu hút khách của chương trình. Theo Trưởng Ban quản lý di tích danh thắng Hà Nội (đơn vị trực tiếp quản lý di tích quốc gia đặc biệt đền Ngọc Sơn) Nguyễn Doãn Văn: với trách nhiệm của mình, chúng tôi không thể đứng ngoài cuộc trong chiến lược phát triển kinh tế đêm nhưng đầu tư cho chương trình nghệ thuật đêm là rất tốn kém, trong khi các quy định về quản lý và sửa dụng tài sản công rất khắt khe, chưa cởi trói cho việc liên doanh liên kết.

Bài cuối: Gỡ khó cho cơ chế đầu tư - Ảnh 7

Theo PGS.TS Bùi Hoài Sơn - Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội: “Thời gian vừa qua, một số di tích ở Hà Nội như Di tích Nhà tù Hỏa Lò, Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Hoàng Thành - Thăng Long,... đang nỗ lực tự gỡ khó cho mình bằng những dự án đổi mới hoạt động nhưng vẫn còn gặp nhiều khó khăn và cần giải pháp căn cơ, bền vững hơn từ một hành lang pháp lý liên quan đến đối tác công - tư, quản lý, sử dụng tài sản công. Vì thế, theo ý kiến của tôi, Nhà nước chỉ nên giữ quyền quản lý, đưa ra các nguyên tắc, quy định quản lý, kiểm tra và giám sát quá trình quản lý và thực hiện các hoạt động ở các thiết chế văn hóa, khu di tích lịch sử, văn hóa, còn ở một số các dịch vụ nhất định như giải khát, trông giữ xe, thậm chí là tổ chức hoạt động du lịch tại các thiết chế và địa điểm này có thể hợp tác với các tổ chức và cá nhân bên ngoài để làm tốt hơn công việc của mình”.

Bài cuối: Gỡ khó cho cơ chế đầu tư - Ảnh 8
Bài cuối: Gỡ khó cho cơ chế đầu tư - Ảnh 9

Theo Giám đốc Sở VH&TT Hà Nội Đỗ Đình Hồng, công tác đầu tư xây dựng, phát triển hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở được Thành ủy, HĐND, UBND TP quan tâm chỉ đạo. Hoạt động của các đơn vị văn hóa thể thao TP từng bước nâng cao chất lượng, tính chuyên nghiệp và đã hướng mạnh về cơ sở. Tuy nhiên, việc triển khai hoạt động của các thiết chế này vẫn còn vướng mắc, chưa hiệu quả, cả về cơ chế, chính sách, việc khai thác, phát huy các thiết chế. Cơ chế phân cấp quản lý, sử dụng, khai thác, quản lý tài sản công để cho thuê, liên doanh, liên kết còn chưa hợp lý...

Bài cuối: Gỡ khó cho cơ chế đầu tư - Ảnh 10

Liên quan vấn đề này, tại Hội thảo về “Phát triển công nghiệp văn hóa; bảo vệ, phát huy, khai thác di sản văn hóa; cơ chế quản lý, khai thác tài sản công trong lĩnh vực văn hóa thể thao, giáo dục, y tế”, nhằm phục vụ giải trình, tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi), một số ý kiến cho hay, có những công trình văn hóa, thể thao nhiều nhà đầu tư mong muốn đầu tư, nhưng cũng có những công trình văn hóa, thể thao muốn phát huy lại không có cơ chế đầu tư vì vướng Luật Quản lý, sử dụng tài sản, còn Luật Đầu tư theo phương thức PPP chưa quy định đối với lĩnh vực văn hóa, thể thao…

Bài cuối: Gỡ khó cho cơ chế đầu tư - Ảnh 11

Các ý kiến đề xuất áp dụng mô hình PPP được kỳ vọng sẽ khắc phục được những bất cập hiện nay, tạo cơ chế phù hợp để đầu tư, phát triển các thiết chế văn hóa, thể thao. Lợi thế của mô hình PPP là hình thức hợp tác tối ưu hóa hiệu quả đầu tư và cung cấp dịch vụ công cộng chất lượng cao, sẽ mang lại lợi ích cho cả Nhà nước và người dân. Đồng thời, tăng cường hiệu quả trong việc quản lý và khai thác sử dụng các cơ sở hạ tầng; thu hút được các nguồn lực của nhà đầu tư để đầu tư phát triển hạ tầng và khai thác các dịch vụ sau đầu tư.

Bài cuối: Gỡ khó cho cơ chế đầu tư - Ảnh 12

Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) đã đề xuất áp dụng phương thức PPP đối với các dự án trong lĩnh vực văn hóa và thể thao trên địa bàn Thủ đô. Cụ thể, dự án đầu tư theo phương thức PPP trên địa bàn Thủ đô, Vùng Thủ đô có tỷ lệ vốn Nhà nước tham gia không quá 70% tổng mức đầu tư của dự án để thanh toán hỗ trợ xây dựng công trình, hệ thống cơ sở hạ tầng thuộc dự án PPP và chi trả kinh phí bồi thường, giải phóng mặt bằng, hỗ trợ, tái định cư; hỗ trợ xây dựng công trình tạm.

Đây là đề xuất quan trọng vì theo Luật Đầu tư, các dự án PPP vẫn tập trung ở lĩnh vực giao thông mà chưa triển khai trong các lĩnh vực khác. Trong khi đó, nhu cầu thu hút vốn đầu tư tư nhân ở văn hóa rất tiềm năng, đang được nhiều nhà đầu tư quan tâm, nhưng chưa được triển khai. Các chuyên gia và nhà quản lý hy vọng khi Luật Thủ đô (sửa đổi) được ban hành sẽ là cách “cởi trói” trong vấn đề đầu tư của văn hóa.

Bài cuối: Gỡ khó cho cơ chế đầu tư - Ảnh 13

08:08 28/02/2024