Đây là chia sẻ của GS.TS Nguyễn Tử Siêm - nguyên Cục trưởng Cục Khuyến nông - Bộ NN&PTNT, Cố vấn Hội Khoa học Phát triển Nông thôn Việt Nam trong cuộc trao đổi với phóng viên Kinh tế & Đô thị liên quan đến công tác quản lý, khắc phục sự cố cây xanh gãy đổ do bão số 3 (Yagi) gây ra trên địa bàn TP.
Thưa Giáo sư, Hà Nội và các tỉnh phía Bắc vừa trải qua một đợt thiên tai lớn, ông đánh giá thế nào về cơn bão số 3 cũng như công tác ứng phó, khắc phục của TP Hà Nội?
- Bão Yagi và hoàn lưu của bão dù đã đi qua nhưng vẫn để lại tác hại chưa lường hết ở miền Bắc, trong đó có Hà Nội. Yagi là hiện tượng đại khí hậu bất thường có tác động cực kỳ rộng trên phạm vi toàn cầu, cả ở châu Âu, châu Mỹ và các nước châu Á. Tại châu Á, các quốc gia và vùng lãnh thổ như: Trung Quốc, Nhật Bản, Đài Loan (Trung Quốc),… đã đánh giá đây là cơn bão 75 năm mới có một lần.
Tại Hà Nội, trước, trong và sau khi bão số 3 xảy ra, TP và các đơn vị chức năng đã có những sự chuẩn bị rất kỹ lưỡng nhằm ứng phó, hạn chế thấp nhất thiệt hại do mưa, bão gây ra với đời sống người dân Thủ đô. Song, như đã nói, đây là cơn bão 75 năm mới diễn ra một lần nên dù đã rất chủ động nhưng những hệ lụy mà bão số 3 gây ra với Thủ đô vẫn rất lớn, ngoài sức tưởng tượng của nhiều người, đặc biệt là hệ thống cây xanh.
Ông vừa đề cập đến vấn đề cây xanh, ông đánh giá thế nào về hệ thống cây đô thị tại Hà Nội hiện nay? Tầm quan trọng của hệ thống cây xanh trong quá trình xây dựng và phát triển Thủ đô?
- Nói dân dã nhất thì cây xanh là “lá phổi”, có phổi hút các khí độc, duy trì oxy thì Hà Nội với 8,5 triệu dân (2.400 người/km2) mới thở được. Bởi trong nhiều năm qua, Hà Nội luôn là một trong những TP có tình trạng ô nhiễm bụi mịn, ô nhiễm không khí. Do đó, phải khẳng định rằng, hệ thống cây xanh có quan hệ trực tiếp, rất quan trọng trong việc điều tiết không khí, bảo đảm sức khỏe của người dân, quá trình phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô.
Nhận thức rõ tầm quan trọng của cây xanh, từ thời điểm người Pháp đặt chân đến Việt Nam cho đến nay, vấn đề phát triển cây xanh luôn là một trong những nhiệm vụ được quan tâm thực hiện. Đơn cử tại Hà Nội, TP đã phát động nhiều chương trình trồng cây, nhằm cụ thể hóa mục tiêu xây dựng Thủ đô xanh, sạch, đẹp, hướng tới bảo vệ môi trường, phục vụ tốt nhất đời sống người dân.
Thưa Giáo sư, theo thống kê chưa đầy đủ, trận bão số 3 vừa qua đã khiến hơn 40.000 cây xanh tại Thủ đô bị gãy, đổ. Theo ông, đâu là nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên?
- Đầu tiên phải khẳng định, bão quá lớn và bất thường là nguyên nhân bao trùm khiến số lượng cây xanh tại Thủ đô gãy đổ nhiều như vậy. Ngoài ra, mật độ xây dựng quá dày, nhà cao tầng tạo các luồng gió mạnh, đảo chiều cũng góp phần tăng tác hại của gió giật.
Mặt khác, Hà Nội có những nơi độ cao thấp so với mực nước biển, nền nhà, nền đường trên đất yếu do lấp ao hồ nên cây trồng khó phát triển bộ rễ sâu, rễ chùm nhiều hơn rễ cọc. Từ đó, khiếm khuyết về kỹ thuật trồng và quản lý cây xanh như: không bóc bỏ vỏ bọc bầu cây, hố trồng đào chưa đủ sâu; cắt tỉa chưa làm cho tán cây nhẹ, thông thoáng… Hệ quả là tán cây nặng, bộ rễ bám đất không chắc… đã làm tăng số lượng cây bị gãy đổ. Bởi, trong hơn 40.000 cây bị gãy đổ trong đợt này không chỉ là cây già mà rất nhiều cây đang tuổi sung sức.
Được biết, trong tổng số hơn 40.000 cây xanh gãy đổ, chỉ có khoảng hơn 3.000 cây có khả năng cứu sống. Vậy làm thế nào để các cây được cứu có thể sống khỏe và không rơi vào tình trạng tương tự, thưa Giáo sư?
- Theo tôi, với cây đã lớn khi bị bật gốc thì hệ rễ đã bị tổn thương nặng, lá rụng hết, ngừng quang hợp, hô hấp… nên tỷ lệ sống rất thấp là khó tránh khỏi. Bên cạnh đó, các cây được cứu thường sinh trưởng chậm, cần che đậy, tưới nước giữ ẩm sớm. Cùng một thời gian ngắn phải huy động nhân lực, vật lực là thử thách lớn. Vậy nên với các loài cây thông thường thì nên trồng mới thay thế. Ưu tiên cứu những cây có giá trị đặc biệt về văn hóa, cảnh quan, di sản và các loài quý hiếm. Ngoài ra trong quá trình cứu cây, chúng ta nên chọn cây giống vừa phải, “cây nhỡ” chiều cao khoảng 4 - 5m. Bởi cây to cao thì quá trình phục hồi rất lâu, cây nhỏ quá trồng dặm khó cạnh tranh ánh sáng.
Trong những năm trước, không ít người dân rất bức xúc khi phát hiện nhiều cây xanh bị đổ, bầu đất vẫn được bọc kín bởi ni lông. Tuy nhiên, trong đợt bão vừa qua, tình trạng trên vẫn tiếp tục tái diễn. Vậy theo Giáo sư, trách nhiệm của vấn đề này thuộc về ai, làm thế nào để khắc phục tình trạng trên?
- Trồng cây lâu năm (cây công nghiệp, cây ăn quả, cây rừng…) từ cây giống ươm trong túi bầu là kỹ thuật phổ thông, xé bỏ bọc bầu là bắt buộc ai cũng biết. Cây TP trồng không xé bỏ bầu là trách nhiệm của đơn vị trồng cần buộc họ phải bồi thường. Ngoài ra, nhằm bảo vệ và phát triển hệ thống cây xanh tại Thủ đô, chúng ta cần lưu ý kiểm tra, xử lý nghiêm việc bức tử cây xanh tuy không hàng loạt, nhưng lai rai, bằng các hành vi ngấm ngầm, tinh vi như gọt vỏ, cắt rễ, dội nước sôi, hóa chất… Trong đó, TP cần xây dựng hệ thống camera, khai thác dữ liệu camera của các nhà dân để quản lý, bảo vệ hệ thống cây xanh.
Ngoài xử lý sự "cẩu thả" trong việc trồng cây, theo Giáo sư, Hà Nội cần phải làm gì để nâng hiệu quả trồng, quản lý cây xanh trên địa bàn TP?
- Theo tôi, để bảo vệ và phát triển hệ thống cây xanh, các cơ quan chức năng cần sớm xây dựng hệ thống văn bản pháp quy đầy đủ để thực hiện và quản lý, giám sát, duy tu, duy trì hệ thống hạ tầng đô thị sau đầu tư nói chung và hệ thống cây xanh nói riêng. Ngoài ra, Hà Nội cần kiểm kê, rà soát, đánh giá các loài cây nào thích hợp với hoàn cảnh cụ thể của Hà Nội. Trong đó, lưu ý đến khả năng chống chịu với gió, bão mạnh, ngập úng, các loài là thành phần di sản… Cần rà soát, siết lại quy trình trồng và chăm sóc cây xanh gắn với trách nhiệm, như những điều khoản bắt buộc của các hợp đồng dịch vụ, điều khoản bồi thường định lượng, xử lý hình sự để tạo sức răn đe.
Xin cảm ơn ông!
17:31 22/09/2024