Hà Nội siết chặt quản lý an toàn thực phẩm trong tình hình mới - Ảnh 1
Hà Nội siết chặt quản lý an toàn thực phẩm trong tình hình mới - Ảnh 2

Báo Kinh tế & Đô thị đã trao đổi với ông Đặng Thanh Phong - Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội xung quanh vấn đề này.

Hà Nội siết chặt quản lý an toàn thực phẩm trong tình hình mới - Ảnh 3
Hà Nội siết chặt quản lý an toàn thực phẩm trong tình hình mới - Ảnh 4

Trong Tháng hành động vì ATTP năm 2022, các đoàn kiểm tra liên ngành của TP đã quyết liệt vào cuộc, thanh kiểm tra công tác đảm bảo ATTP tại 30 quận, huyện. Sau một tháng đồng loạt ra quân, ông đánh giá  thế nào về công tác đảm bảo ATTP của các địa phương cũng như cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống?

- Trong Tháng hành động vì ATTP (diễn ra từ ngày 15/4 đến 15/5), các đoàn kiểm tra liên ngành của TP đã thanh, kiểm tra ATTP tại 30 quận, huyện, trong đó, đoàn kiểm tra liên ngành số 1 đã đi kiểm tra 8 quận, huyện. Sau một tháng đồng loạt ra quân, các đoàn kiểm tra liên ngành ATTP từ TP đến quận, huyện, thị xã và xã, phường, thị trấn đã kịp thời chấn chỉnh từ những vi phạm nhỏ nhất, qua đó, từng bước đưa công tác này vào “quỹ đạo”.

Hà Nội siết chặt quản lý an toàn thực phẩm trong tình hình mới - Ảnh 5

Qua kiểm tra, chúng tôi đánh giá các quận, huyện đã thực hiện nghiêm túc Quyết định 1322 của UBND TP, từ đó, rà soát các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống và chế biến thực phẩm, bếp ăn tập thể trên địa bàn. Thực tế, tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh, chế biến thực phẩm đều đạt tỷ lệ rất cao, ý thức chấp hành các quy định về ATTP của cơ sở đã có nhiều chuyển biến tích cực.

Tuy nhiên, ở một số cơ sở vẫn còn tồn tại không ít sai phạm, thiếu sót. Trong một tháng ra quân, 4 đoàn kiểm tra liên ngành ATTP của TP đã trực tiếp kiểm tra gần 40 cơ sở sản xuất thực phẩm, bếp ăn tập thể, nhà hàng, cơ sở trồng rau, giết mổ. Qua đó, các đoàn kiểm tra đã giao UBND các quận, huyện, thị xã tiếp tục làm việc, xử lý vi phạm 14 cơ sở với số tiền phạt gần 100 triệu đồng. Các lỗi vi phạm chủ yếu là giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm hết hạn, chưa xuất trình đầy đủ hồ sơ pháp lý. Nơi chế biến thực phẩm của cơ sở có côn trùng, động vật gây hại xâm nhập, kiểm thực 3 bước (kiểm tra nguồn nguyên liệu thực phẩm nhập vào, kiểm tra thực phẩm từ quá trình sơ chế cho đến khi ăn và kiểm tra mẫu thức ăn lưu) không đúng quy định. Một số cơ sở không bảo quản thực phẩm riêng biệt, dẫn đến ô nhiễm chéo; khu vực bếp (trần nhà, nền…).

Để nâng cao nhận thức về ATTP tại cơ sở, nhà hàng, Đoàn kiểm tra đề nghị khi kết thúc đợt cao điểm của Tháng hành động, các đơn vị, địa phương tiếp tục duy trì nhịp độ kiểm tra ATTP từ nay đến cuối năm. Không chỉ thanh, kiểm tra theo kế hoạch, chuyên đề, các đoàn kiểm tra ATTP liên ngành còn tăng cường thanh tra, kiểm tra đột xuất, trong đó tập trung kiểm tra nguồn gốc của sản phẩm. Cùng với đó, đơn vị, địa phương phải tổ chức các lớp tập huấn cho những người kinh doanh, chế biến thực phẩm ở nhà hàng kinh doanh dịch vụ ăn uống và bếp ăn tập thể. Chúng tôi cũng yêu cầu các cửa hàng kinh doanh dịch vụ ăn uống, bếp ăn tập thể khi nhập nguyên liệu đầu vào phải có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, đảm bảo ATTP. Thời điểm hiện tại, khi TP chuyển sang trạng thái bình thường mới, cùng với nhiệm vụ phòng, chống dịch Covid-19, công tác bảo đảm ATTP cần tiếp tục được đẩy mạnh.

Hà Nội siết chặt quản lý an toàn thực phẩm trong tình hình mới - Ảnh 6

Trong Tháng hành động vì ATTP năm 2022, các đoàn kiểm tra liên ngành vừa quyết liệt thanh kiểm tra ATTP vừa phục vụ cho SEA Games 31. Qua đợt kiểm tra ATTP tại các khách sạn, Đoàn kiểm tra thấy còn những vấn đề tồn tại, bất cập nào, thưa ông?

- Những ngày qua, chúng tôi đã đến từng khách sạn có vận động viên, khách nước ngoài lưu trú kiểm tra công tác ATTP phục vụ SEA Games. Trong quá trình kiểm tra, chúng tôi nhận thấy có những khó khăn riêng như các đoàn vận động viên khi đến lưu trú tại khách sạn do quốc tịch, sinh hoạt văn hóa khác nên họ không thể dùng thức ăn của khách sạn. Do đó, các đoàn thể thao mang thực phẩm từ nước họ sang bằng các hộp thực phẩm đóng gói, thực phẩm đông lạnh. Tuy nhiên, chúng tôi đã yêu cầu các đoàn phải khai báo, thông báo với khách sạn về thực phẩm họ mang sang, đồng thời ký cam kết với khách sạn, đảm bảo nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, còn hạn sử dụng và chịu trách nhiệm về thực phẩm đó.

Qua kiểm tra, Đoàn kiểm tra lưu ý, tại các khách sạn, khu vực bếp phải luôn giữ vệ sinh, sạch sẽ, thực phẩm đảm bảo nguồn gốc xuất xứ rõ ràng trong quá trình diễn ra SEA Games. Các bếp tuyển nhân viên tham gia chế biến thực phẩm bắt buộc phải được tập huấn về ATTP, khám sức khỏe định kỳ. Đặc biệt, các khách sạn phải hướng dẫn tất cả các đoàn vận động viên đến mang đồ ăn vào khách sạn, đồng thời phải ký cam kết. Ngoài ra, chúng tôi cũng yêu cầu khách sạn phải duy trì nhân lực, các quy trình trong quá trình chế biến thực phẩm trong suốt kỳ diễn ra SEA Games 31. Trong những ngày diễn ra SEA Games 31, chúng tôi đã kiểm tra thường xuyên công tác đảm bảo ATTP tại các khách sạn.

Hà Nội siết chặt quản lý an toàn thực phẩm trong tình hình mới - Ảnh 7
Hà Nội siết chặt quản lý an toàn thực phẩm trong tình hình mới - Ảnh 8

Vài năm trở lại nay, Hà Nội không xảy ra các vụ ngộ độc tập thể lớn, đây cũng là quyết tâm của TP cũng như sự nỗ lực, tích cực vào cuộc của các đoàn kiểm tra liên ngành thời gian qua. Vậy làm thế nào để đề phòng ngộ độc thực phẩm nói chung, trong các bếp ăn tập thể nói riêng, thưa ông?

- Nhằm bảo đảm vệ sinh ATTP, công tác phòng ngừa ngộ độc thực phẩm luôn là nhiệm vụ trọng tâm. Để phòng ngừa ngộ độc thực phẩm trong bếp ăn tập thể, các trường học, bệnh viện, cơ quan và DN thường xuyên kiểm tra, kịp thời phát hiện và chấn chỉnh các bếp ăn chưa thực hiện tốt quy định về bảo đảm ATTP. Các đơn vị tăng cường, đa dạng hình thức tuyên truyền, phổ biến quy định về ATTP.

Đối với người quản lý, lãnh đạo các bếp ăn tập thể thực hiện đầy đủ quy định, điều kiện về bảo đảm ATTP trước khi đưa bếp ăn vào hoạt động; đầu tư cải tạo, nâng cấp và kịp thời sửa chữa cơ sở vật chất để đáp ứng yêu cầu vệ sinh theo quy định. Cơ sở thường xuyên kiểm tra việc thực hành vệ sinh cá nhân của người chế biến thực phẩm; kiểm tra nguồn nước, giám sát việc nhập nguyên liệu, thực phẩm.

Hà Nội siết chặt quản lý an toàn thực phẩm trong tình hình mới - Ảnh 9

Đối với người chế biến phải thường xuyên giữ vệ sinh cá nhân, vệ sinh trong chế biến, từ bỏ các thói quen mất vệ sinh như dùng tay bốc thực phẩm, xì mũi, ngoáy tai... Người chế biến phải mang khẩu trang, bảo hộ đúng cách; rửa tay bằng xà phòng và nước sạch đúng cách sau khi đi vệ sinh hay tiếp xúc với vật bẩn, trước và sau khi chế biến thức ăn. Rác, thức ăn thừa, nước thải phải được xử lý triệt để. Thiết bị, dụng cụ chế biến phải được thường xuyên vệ sinh sạch sẽ, không để ruồi, kiến, gián, chuột, bụi tiếp xúc.

Thời gian qua, các cấp, ngành trên địa bàn TP đã nỗ lực, đạt được nhiều kết quả trong công tác quản lý ATTP nhưng công tác này hiện đang còn nhiều khó khăn, bất cập. Để giải quyết những bất cập này, Hà Nội tập trung những giải pháp gì trong thời gian tới, thưa ông?

- Những năm gần đây, công tác quản lý ATTP ở nước ta nói chung, Hà Nội nói riêng, đã đạt được những kết quả đáng khích lệ. Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay, vấn đề ATTP vẫn diễn biến phức tạp. Thời gian tới, cơ quan chuyên môn sẽ tập trung vào việc rà soát quy trình chuẩn, từ nguyên liệu đầu vào, quy trình chế biến, quy trình bố trí bếp ăn một chiều đến yếu tố con người tham gia vào dây chuyền sản xuất…, nhất là xây dựng quy trình truy xuất nguồn gốc thực phẩm tận nơi sản xuất và cung cấp thực phẩm.

Theo Quyết định 14/2019/QĐ-UBND ban hành Quy định phân công, phân cấp quản lý về ATTP trên địa bàn TP Hà Nội thì công tác quản lý ATTP phân cấp theo địa phương, quản lý vùng miền. Nếu địa phương nào phát hiện vi phạm thì địa phương đó sẽ khắc phục hậu quả và xử lý nghiêm. Với những đơn vị thuộc diện cấp giấy đủ điều kiện ATTP là TP cấp thì TP sẽ xử lý. Còn với những cơ sở do địa phương cấp thì địa phương sẽ xử lý. Nếu để xảy ra tình trạng mất vệ sinh ATTP tại địa phương của mình thì địa phương đó sẽ phải khắc phục hậu quả và báo cáo với cơ quan cấp trên để xử lý.

Hà Nội siết chặt quản lý an toàn thực phẩm trong tình hình mới - Ảnh 10

Để công tác quản lý ATTP được hiệu quả trong thời gian tới, 3 ngành (Y tế, NN&PTNT và Công Thương) phải phối hợp chặt chẽ với nhau, có kế hoạch kiểm tra chuyên đề riêng của mỗi ngành trong quá trình thanh, kiểm tra cũng như hậu kiểm với những nội dung được giao. Đơn cử như ngành NN&PTNT kiểm tra riêng những vấn đề từ trang trại đến khâu nuôi trồng. Còn từ trang trại đến khâu lưu thông sản phẩm là ngành quản lý thị trường kiểm soát. Và khi đến bàn ăn thuộc lĩnh vực của ngành Y tế. Với các địa phương phải tổ chức đoàn thanh, kiểm tra, hậu kiểm các cơ sở sản xuất kinh doanh dịch vụ ăn uống và bếp ăn tập thể tại địa phương, nếu phát hiện ra những sai phạm thì phải xử  phạt nghiêm các cơ sở đó.

Khi phát hiện vi phạm, các đoàn kiểm tra phải xử lý đúng quy định, tuyệt đối không để các sản phẩm không bảo đảm ATTP, không rõ nguồn gốc, không đúng quy định về ghi nhãn hoặc có các vi phạm khác lưu thông trên thị trường. Ngoài ra, các đơn vị, địa phương không để cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố không bảo đảm ATTP tiếp tục hoạt động khi chưa thực hiện các biện pháp khắc phục có hiệu quả.

Xin cảm ơn ông!

Hà Nội siết chặt quản lý an toàn thực phẩm trong tình hình mới - Ảnh 11

17:49 27/05/2022