Để đảm bảo an toàn, hạn chế sự cố liên quan đến cây xanh trong mùa mưa bão, việc cắt tỉa cây là vô cùng cần thiết. Tuy nhiên, việc cắt tỉa ra sao, vào thời điểm nào lại là câu chuyện cần phải tính toán kỹ lưỡng, tránh tình trạng “thấy cây không thấy xanh”… như đã diễn ra tại một số khu vực trên cả nước thời gian qua.
Theo dự báo của Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Quốc gia, năm 2024, nắng nóng có khả năng đến sớm, xuất hiện nhiều hơn và gay gắt hơn so với trung bình nhiều năm. Tại miền Bắc, sau những ngày nắng nóng sẽ có hiện tượng mưa rào kèm dông lốc vào chiều tối… Do đó, “đến hẹn lại lên”, vào những thời điểm trước khi mưa bão xảy ra, biện pháp cắt tỉa cây xanh lại được ưu tiên thực hiện nhằm hạn chế thấp nhất những rủi ro có thể xảy ra.
Tuy nhiên, việc cắt tỉa cây xanh theo kiểu “cắt thừa còn hơn bỏ sót” đã khiến hệ thống cây xanh ở nhiều khu vực trên cả nước mất đi tác dụng (tạo bóng mát, lọc không khí…) vốn có của nó. Và câu chuyện đối với hàng cây xanh trên Quốc lộ 1 (đoạn thuộc khu phố 1, phường Bình Hưng Hòa, quận Bình Tân, TP Hồ Chí Minh) những ngày cuối tháng 4/2024 là một ví dụ điển hình. Tại đây, nhiều cây xanh đã bị cắt trụi cành, nhánh… chỉ còn thân cây.
Không chỉ tại TP Hồ Chí Minh, gần đây nhất - những ngày đầu tháng 5, câu chuyện trên lại tiếp tục lặp lại tại một số tuyến ngõ trên phố Duy Tân, phường Dịch Vọng Hậu, quận Cầu Giấy khiến người dân đi từ hết ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác. “Trồng cây xanh là để tạo bóng mát mùa nắng nóng, vậy mà cắt trụi đi thì lấy gì để che mát vào những ngày nắng nóng khi tham gia giao thông” - chị Nguyễn Huyền Trang, một người dân phường Mỹ Đình 2, quận Nam Từ Liêm chia sẻ.
Liên quan đến vấn đề này, trao đổi với Báo Kinh tế & Đô thị, một số chuyên gia khẳng định, vào mùa mưa bão việc kiểm tra, cắt tỉa, thay thế những cây xanh hỏng, mục, nghiêng… là việc làm rất cần thiết. Song tại nhiều nơi, việc cắt tỉa cây xanh dường như đang rơi vào cảnh “dở khóc, dở cười”, khiến hệ thống cây xanh bị cắt nhiều hơn tỉa một cách nghiêm trọng, qua đó sẽ phải mất rất nhiều thời gian nữa những tổn thương này mới có thể bình phục, mới có thể tạo bóng mát, phục vụ người dân.
Cụ thể, một số chuyên gia nêu ví dụ, trong trận mưa dông đầu mùa tối 20/4 vừa qua, trên địa bàn TP Hà Nội có hơn 400 cây xanh gãy, đổ, nghiêng… Và để đảm bảo trật tự an toàn giao thông, tính mạng của người dân… ngay trong mưa bão, các đơn vị chức năng đã triển khai phương án giải toả, thu dọn cây xanh bị đổ gẫy. Song, công tác thu dọn tại một số khu vực phải kéo dài nhiều ngày gây ảnh hưởng đến mỹ quan đô thị, trật tự an toàn giao thông.
Từ thực tế trên, tại một số nơi thay vì cắt tỉa theo phương án đã được phê duyệt, đơn vị phụ trách duy trì phát triển hệ thống cây xanh đã lựa chọn phương án “cắt thừa còn hơn bỏ sót” nhằm hạn chế thấp nhất những rủi ro trong mùa mưa bão. Tuy nhiên, theo nhiều người, đây là hành động vô cảm đối với môi trường tại các đô thị, cuộc sống của người dân, đặc biệt là những ngày nắng nóng.
Đề cập đến những biện pháp nhằm ngăn chặn, hạn chế thấp nhất thiệt hại do cây xanh bị gãy, đổ trong mùa mưa bão... Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Công viên cây xanh Hà Nội Nguyễn Đức Mạnh cho biết, năm 2024, Công ty sẽ cắt, tỉa khoảng 90.000 - 100.000 cây xanh. Ngoài ra, Công ty còn tăng cường kiểm tra, khảo sát để sớm phát hiện những cây xanh nguy hiểm, đưa vào kế hoạch chặt hạ trước mùa mưa bão. Cũng theo ông Nguyễn Đức Mạnh, ngoài việc cắt tỉa, hạ độ cao cho cây, các đơn vị đang quản lý duy trì hệ thống cây xanh đô thị được yêu cầu tăng cường chằng chống, khắc phục ngay các cọc bị hỏng, mục, cọc chống bị bung vòng thép, đai thép siết chặt vào thân cây không bảo đảm yêu cầu kỹ thuật để cây trồng không bị nghiêng, gãy, đổ khi có gió lớn, mưa bão, dông lốc xảy ra. Đồng thời, triển khai ứng trực, giải tỏa cây xanh gãy, đổ trong mùa mưa, bão.
"Việc cắt tỉa, hạ độ cao cho các hàng cây giữa thời điểm nắng nóng gay gắt có thể thiếu đi bóng mát cho người tham gia giao thông, người làm việc ngoài đường song đây là việc cần thiết trước mỗi mùa mưa, bão. Trong đó, cắt tỉa cây xanh, chặt bỏ cành khô, thay thế những cây đã già hoặc đã chết sẽ được thực hiện trong tháng 5, 6. Và chúng tôi phải hoàn thành trước khi mùa mưa bão bắt đầu" - ông Nguyễn Đức Mạnh cho hay.
Đề cập đến vấn đề này, PGS.TS Bùi Thị An - Viện trưởng Viện Tài nguyên, Môi trường và Phát triển cộng đồng cũng cho rằng, việc cắt tỉa cây xanh nhằm hạn chế những ảnh hưởng trong mua bão là hết sức cần thiết. Và từ nhiều năm qua, Sở Xây dựng các tỉnh thành cũng đã ban hành nhiều văn bản, yêu cầu các cơ quan, đơn vị, địa phương có trách nhiệm triển khai công tác cắt tỉa cây xanh bảo đảm yêu cầu an toàn, thẩm mỹ… nhưng phải duy trì bóng mát ở mức độ hợp lý theo quy định.
Lập kế hoạch và tuân thủ nghiêm túc tỷ lệ diện tích cắt tỉa tán cây xanh đã quy định; tuyệt đối không để xảy ra tình trạng cắt trụi tán lá, không còn tác dụng che bóng mát, mất cảnh quan đô thị… Song những quy định trên hiện chưa được thực hiện nghiêm túc tại một số địa phương, gây bức xúc trong dư luận.
Trong khi đó, Viện trưởng Viện Kiến trúc cảnh quan và Cây xanh đô thị Đặng Văn Hà nêu quan điểm, hơn 400 cây xanh bị đổ, gẫy trong trận mưa dông đầu mùa tối 20/4 phần lớn là những loài cây phù hợp trồng lấy bóng mát ở đô thị, có sức chịu gió tốt. Tuy nhiên, do điều kiện khí hậu cực đoan, đặc biệt gió mạnh cục bộ xuất hiện tại một số tuyến phố, khu vực trong mưa dông khiến cây bị đổ, gãy hoặc nghiêng. Vì thế cùng với việc cắt tỉa, các đơn vị chức năng cần lưu ý bảo đảm kích thước cho bầu cây cũng như kích thước hố trồng cụ thể cho từng cấp đường kính và chiều cao thân cây.
10:01 09/05/2024